Quy định mức học phí phải bảo đảm lợi ích của nhân dân và mục tiêu dạy tốt, học tốt:

Bài 1: Tăng học phí và những nỗi lo

  • 08:39 | Thứ Năm, 14/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức trong hai ngày 25-26/7/2022. Dự kiến kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 27 nghị quyết. Trong đó, dự thảo nghị quyết “Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” đã nhận nhiều ý kiến của cơ quan chức năng và nhân dân. Với quan điểm việc điều chỉnh mức tăng học phí năm học 2022-2023 phải bảo đảm lợi ích của nhân dân và mục tiêu dạy tốt, học tốt, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, các cơ quan liên quan tiếp tục phản biện, xem xét lựa chọn phương án phù hợp.

Ngày 27/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (Nghị định 81). Trên cơ sở nội dung nghị định và các quy định hiện hành, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã dự thảo Nghị quyết “Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” với mức tăng từ 2 đến 4,7 lần so với năm học 2021-2022. Nhiều câu hỏi đặt ra, mức tăng học phí và thời điểm triển khai liệu có phù hợp hay chưa?

Mức học phí dự kiến tăng đột biến

Biểu đồ so sánh mức tăng học phí năm học 2022-2023 so với năm học 2021-2022 tại dự thảo nghị quyết Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 vùng thành thị
Biểu đồ so sánh mức tăng học phí tại dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 so với năm học 2021-2022 vùng thành thị . 

Hiện nay, việc thu học phí đối với  các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Nghị quyết số 67/2020/NQ-HĐND ngày 8/7/2020 của HĐND tỉnh và được áp dụng kéo dài theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh. Các nghị quyết nêu trên được ban hành trên cơ sở Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Những năm qua, mức học phí mà HĐND tỉnh Quảng Bình thông qua tại Nghị quyết số 67 và áp dụng kéo dài theo Nghị quyết số 03 là phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, đời sống người dân, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của phụ huynh và học sinh.

Nghị định 81 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, thay thế cho Nghị định số 86/2025 và Nghị định số 145/2018/NĐ-CP. Trên cơ sở Nghị định số 81, Sở GD-ĐT đã dự thảo Nghị quyết quy định mức học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh để trình kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII được tổ chức vào cuối tháng 7/2022.

Nếu nghị quyết được thông qua, mức học phí năm học 2022-2023 sẽ tăng so với năm học 2021-2022 từ 2 đến gần 4,7 lần. Mặc dù Sở GD-ĐT đã áp dụng mức thu học phí tối thiểu theo quy định của Nghị định 81, nhưng so với mức học phí năm học 2021-2022, đây vẫn là mức tăng đột biến, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình, nhất là trong bối cảnh những hậu quả của dịch Covid-19 vẫn còn rất nặng nề.

Phụ huynh lo lắng

Để chuẩn bị cho dự thảo Nghị quyết “Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”, từ tháng 3/2022, Sở GD-ĐT đã cho các trường học trên địa bàn tỉnh thăm dò ý kiến phụ huynh và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan. Hầu hết phụ huynh khi được hỏi đều cho rằng mức học phí mới tăng quá cao và chưa đúng thời điểm.

Học phí tăng cao là nỗi lo lớn của phụ huynh, học sinh
Học phí tăng cao là nỗi lo của nhiều phụ huynh, học sinh.

Chị T.T.L, một phụ huynh ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, nhiều người dân địa phương không đồng tình việc tăng học phí, đặc biệt trong thời điểm này, khi hoạt động sản xuất của ngư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá xăng, dầu. “Sau hai năm dịch Covid-19, bây giờ là giá xăng, dầu tăng, người dân các xã biển, trong đó có Cảnh Dương chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn. Học phí tăng với mức cao như dự kiến sẽ là gánh nặng lớn, nhất là những gia đình có 2-3 con đang đi học. Tôi mong muốn tỉnh cân nhắc và có giải pháp phù hợp với thực tế để giúp nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn này!”, chị T.T.L chia sẻ.

Tương tự, chị V.T.H, xã An Thủy (Lệ Thủy), hiện có hai con đang học lớp 10 và lớp 5 cũng bày tỏ sự lo lắng với mức học phí mới. Chị H cho biết, tình hình dịch bệnh trong 2 năm qua, cộng thêm giá xăng dầu, các loại vật tư nông nghiệp tăng, trong khi sản xuất lúa lại gặp nhiều khó khăn (giá thu mua lúa năm 2022 thấp hơn năm 2021) nên hầu hết các gia đình sản xuất nông nghiệp đang rất chật vật. Vì vậy, nếu năm học mới học phí tiếp tục tăng cao thì các bậc phụ huynh sẽ vào thế "khó chồng thêm khó". 

Biểu đồ so sánh mức tăng học phí tại dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 so với năm học 2021-2022 vùng nông thôn. 
Biểu đồ so sánh mức tăng học phí tại dự thảo Nghị quyết ,"Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023" so với năm học 2021-2022 vùng nông thôn. 

Không chỉ phụ huynh ở khu vực nông thôn, các cuộc thăm dò ý kiến phụ huynh tại TP. Đồng Hới, nơi mức sống và thu nhập của người dân khá cao nhưng cũng rất nhiều ý kiến chưa đồng tình với lộ trình và mức tăng học phí. Nhiều phụ huynh Trường THCS Đồng Mỹ cho rằng, nếu bắt buộc phải tăng học phí thì cần xem xét cụ thể tình hình thực tế và tăng theo tỷ lệ % với mức tối đa 10-20%.

Một số phụ huynh cũng nêu ra ý kiến, trong khi Chính phủ, Quốc hội và tỉnh đang triển khai các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch, việc tăng học phí tại thời điểm này liệu có đi ngược lại những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đang triển khai hay không?

Anh N.V.P, phụ huynh Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp bày tỏ: "Đây là thời điểm kinh tế-xã hội và đời sống người dân trong giai đoạn phục hồi. Tăng học phí với mức cao như dự thảo là chưa phù hợp với tình hình, nên các cơ quan chức năng cần xem xét để có lộ trình và mức tăng phù hợp, tránh ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và việc học tập của con em...".

 “Hợp pháp nhưng cần hợp tình, hợp lý”

Tại hội nghị liên tịch chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII tổ chức vào ngày 6/6/2022, liên quan đến nội dung dự thảo Nghị quyết "Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023", bà Phạm Thị Hân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh đã có ý kiến về vấn đề này với quan điểm nghị quyết ban hành bảo đảm tính hợp pháp nhưng cần hợp tình, hợp lý. Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã có văn bản phản biện gửi HĐND tỉnh về việc xem xét, ban hành nghị quyết.

Biểu đồ so sánh mức tăng học phí năm học 2022-2023 so với năm học 2021-2022 tại dự thảo nghị quyết Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Biểu đồ so sánh mức tăng học phí tại dự thảo Nghị quyết "Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023" so với năm học 2021-2022 vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Về tính hợp pháp và sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết "Quy định mức thu học phí năm học 2022-2023", Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN khẳng định sự đồng tình bởi dự thảo nghị quyết đã căn cứ nội dung Nghị định 81 của Chính phủ. Nghị quyết cũng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng bởi việc huy động nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực sự nghiệp công, nhất là cho y tế và giáo dục là cần thiết.

Tuy nhiên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng phân tích tính đúng đắn, khoa học và khả thi của dự thảo nghị quyết. So sánh học phí năm học 2021-2022 và dự thảo năm 2022-2023 theo quy định của Nghị định 81, thì mức tăng trên là chưa phù hợp với mức tăng thu nhập của các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, trong đó, mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức áp dụng từ tháng 7/2019 đến nay vẫn chưa điều chỉnh.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 29/10/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND quy định hỗ trợ học phí học kỳ I năm học 2021-2022 đối với trẻ bậc học mầm non và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chỉ sau 6 tháng thực hiện việc hỗ trợ học phí, nếu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết "Quy định mức thu học phí năm 2022-2023" với mức tăng đột biến sẽ gây tâm lý lo lắng cho nhân dân và dư luận trong xã hội, cho dù dự thảo nghị quyết đã áp dụng “mức sàn” của Nghị định 81. Do đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đề nghị HĐND tỉnh không ban hành nghị quyết theo mức thu mới của Nghị định 81 mà ban hành theo mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022; đồng thời, xem xét có lộ trình phù hợp trong việc tăng học phí nhằm giảm bớt khó khăn cho nhân dân.

Ngọc Mai

Bài 2: Phương án tối ưu, hài hòa lợi ích

tin liên quan

Huy động hơn 2,5 tỷ đồng hoạt động nhân đạo

(QBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội Chữ thập đỏ huyện Quảng Ninh đã huy động nguồn lực hơn 2,5 tỷ đồng hỗ trợ 3.575 người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
 

Để người nghèo không bị bỏ lại phía sau

(QBĐT) - 20 năm triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn TX. Ba Đồn. Bằng nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH), nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách rộng mở cơ hội đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững...

Trao nhà "Đại đoàn kết" cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Chiều 12/7, Công ty Xăng dầu Quảng Bình tổ chức bàn giao nhà "Đại đoàn kết" và trao quà cho các trường học trên địa bàn huyện Tuyên Hóa.