Hội Người mù huyện Lệ Thủy:

Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

  • 06:50 | Thứ Năm, 23/06/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hội Người mù (HNM) huyện Lệ Thủy hiện có 9 chi hội trực thuộc với tổng số 185 hội viên (HV), trong đó có 114 HV nữ. Thời gian qua, hội luôn chú trọng các hoạt động nhằm tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, góp phần nâng cao đời sống cho HV. Thông qua các hoạt động như: cho vay vốn tạo việc làm, tổ chức các cơ sở sản xuất tập trung, xoá nhà tạm và các chính sách an sinh xã hội..., hội đã giúp HV có thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
 
Ông Phan Thanh Việt, Phó Chủ tịch HNM huyện Lệ Thủy cho biết: Thời gian qua, HNM huyện luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho HV, giúp HV có thêm nghị lực để phát triển kinh tế. Từ các nguồn vốn được phân bổ, các cấp hội đã phối hợp với ngành chức năng và chính quyền địa phương xét cho HV vay Quỹ Quốc gia về việc làm (QGVVL), xóa đói giảm nghèo để đầu tư phát triển kinh tế. Qua kiểm tra cho thấy, các cấp hội quản lý nguồn vốn khá tốt, HV sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả.
 
Hội đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động, đề ra nhiều giải pháp nhằm tạo cho cán bộ, HV có việc làm thường xuyên từ 2 mô hình, gồm: Mô hình vay vốn Quỹ QGVVL để tạo việc làm tại chỗ cho gia đình người mù đang sinh sống và mô hình tổ chức lao động sản xuất tập trung tại cơ sở hội.
 
Từ hai mô hình trên, nhiều HV đã biết cách khai thác hiệu quả để phát triển kinh tế. Từ năm 2017-2021, với Quỹ QGVVL, hội đã lập 70 dự án với tổng số tiền 164 triệu đồng cho 70 lượt người vay vốn tạo việc làm và thu hút thêm nhiều lao động tham gia.
Nhiều hội viên HNM huyện Lệ Thủy được tạo sinh kế từ Quỹ Quốc gia về việc làm.
Nhiều hội viên HNM huyện Lệ Thủy được tạo sinh kế từ Quỹ Quốc gia về việc làm.

Đa số các HV đều sử dụng vốn đúng mục đích và đem lại hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi, tỷ lệ HV nghèo giảm từ 31% (năm 2016) xuống còn 13,6 % (năm 2021). Nhờ những đồng vốn vay, nhiều HV người mù đã vươn lên trong cuộc sống.

Điển hình như gia đình anh Đinh Như Luận ở xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) vay vốn nuôi bò vỗ béo và 5 con bò sinh sản. Anh Đinh Như Luận, chia sẻ: "Từ nguồn vốn sẵn có của gia đình, tôi vay thêm 10 triệu đồng từ Quỹ QGVVL do HNM quản lý để đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng chuồng trại... Mỗi năm, gia đình tôi nuôi được 3-4 lứa bò vỗ béo, mỗi lứa thường từ 2-3 con, thời gian vỗ béo khoảng 2,5-3 tháng, sau khi trừ hết chi phí thu lãi từ 3-3,5 triệu đồng/con. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 40 triệu đồng.

Hay như hộ gia đình anh Ngô Mậu Hưng, ở thôn Mỹ Lộc Hạ, xã An Thủy (Lệ Thủy) đã vượt lên số phận để trở thành một tấm gương làm kinh tế giỏi. Từ nguồn vay của Quỹ QGVVL do HNM quản lý, anh đã chăn nuôi lợn, gà vịt, mua máy cày, máy lồng phục vụ bà con làm nông trong xã. Trung bình mỗi năm, trừ chi phí, vợ chồng anh thu lãi 40-45 triệu đồng. Với những nỗ lực cố gắng, những năm qua, anh đã được Trung ương Hội, Tỉnh hội và UBND huyện Lệ Thủy tặng bằng khen và giấy khen vì đã có nhiều nỗ lực, cố gắng vượt lên số phận để làm kinh tế giỏi.
 
Năm 2020, GS-TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí đã giúp đỡ, trao tặng ngôi nhà 2 tầng với diện tích 97m2 ở tổ dân phố Thượng Giang, thị trấn Kiến Giang cho HNM Lệ Thủy làm trụ sở hoạt động. Nhờ đó, những người mù trong huyện có được việc làm thường xuyên, có nơi sinh hoạt tập trung, xóa bỏ tự ti, mặc cảm để hòa nhập với cộng đồng.

Ngoài việc hỗ trợ nguồn vốn giúp HV phát triển kinh tế, nhận thấy nghề xoa bóp bấm huyệt phục hồi sức khỏe là nghề phù hợp với khả năng và điều kiện của người mù, trong nhiệm kỳ (2017-2021), HNM huyện Lệ Thủy đã cử các HV đi học lớp phục hồi chức năng, xoa bóp bấm huyệt tại Tỉnh hội. Đa số HV sau khi học nghề đã tìm kiếm được việc làm ổn định có thu nhập với mức lương 2,5-3 triệu đồng/tháng. Hiện trên địa bàn huyện có 5 cơ sở xoa bóp cổ truyền, trong đó có 1 cơ sở do hội quản lý, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động.

Cùng với tạo việc làm, việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm do người mù làm ra được quan tâm thực hiện. Với sự hỗ trợ từ các ban, ngành, đặc biệt là sự kết nối của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thủy, các trường học trên địa bàn huyện đã tiêu thụ hàng ngàn gói tăm tre, giúp hội có thêm nguồn quỹ hoạt động...
 
Với nhiều hoạt động thiết thực, chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho HV, HNM huyện Lệ Thủy đã trở thành chỗ dựa tin cậy của những người khiếm thị trên địa bàn; giúp HV vươn lên thoát nghèo, hòa nhập với cộng đồng.
 
Hiền Phương

tin liên quan

Đại hội Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Quảng Bình lần thứ II

(QBĐT) - Sáng 22/6, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Quảng Bình tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2021-2026. 

Việt Nam và Ukraine cam kết tiếp tục hợp tác bảo hộ công dân

Ngày 21/6, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch đã có buổi làm việc với Cơ quan di trú và đại diện Bộ Ngoại giao Ukraine tại trụ sở của Cơ quan di trú Ukraine.
 

Ra mắt nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng và triển khai hoạt động truyền thông lưu động

(QBĐT) - Ngày 22/6, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học phối hợp với Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế và UBND xã Kim Thủy (Lệ Thủy) tổ chức lễ ra mắt nhóm truyền thông bảo tồn cộng đồng và triển khai hoạt động truyền thông lưu động.