Kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống Phòng, chống thiên tai của Việt Nam (22/5/1946 - 22/5/2022)

Chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai

  • 08:16 | Thứ Bảy, 21/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng khốc liệt của thiên tai. Do vậy, công tác phòng, chống luôn được tỉnh quan tâm đặc biệt, với mong muốn giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đời sống, sản xuất của người dân.
 
Để chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hàng năm, tỉnh đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, bổ sung hoàn thiện và triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp theo phương án, kế hoạch ứng phó đề ra. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần ứng phó với các tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, nguyên tắc phòng ngừa chủ động là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.
 
Thiên tai ngày càng khốc liệt và diễn biến phức tạp trong những năm trở lại đây đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn Quảng Bình. Gần đây nhất, trong năm 2020, thiên tai, bão lụt đã khiến 125.881 ngôi nhà bị ngập, trên 100.000 ngôi nhà bị ngập lụt, tốc mái; tài sản trong dân bị hư hỏng, cuốn trôi...; tổng thiệt hại ước tính lên đến 3.676 tỷ đồng.
 
Đỉnh lũ trên sông Kiến Giang lên tới 4,88m, vượt lũ lịch sử năm 1979 là 0,97m. Mực nước lớn nhất tại các trạm thủy văn ở Quảng Ninh, TP. Đồng Hới cũng được ghi nhận là vượt hơn các đỉnh lũ lịch sử trước đó. Mưa lũ lịch sử trong năm 2020 đã làm hàng trăm trường học, trạm y tế bị hư hỏng, hàng trăm nghìn m2 đất đá bê tông bị cuốn trôi, hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị hư hỏng, hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi.
 
Năm 2021, thiên tai, bão lũ cũng đã gây thiệt hại đến người và tài sản trên địa bàn tỉnh. 3 người chết, 1 người mất tích, 465 nhà dân bị ngập, 5 nhà bị hư hỏng, 1.941 nhà bị nước lũ chia cắt và 245 nhà phải di dời khẩn cấp. Nhiều tuyến kè thủy lợi bị sạt lở, như: Kè biển Nhật Lệ (TP. Đồng Hới); kè biển Nhân Trạch (Bố Trạch); kè sông Phú Hòa (Lệ Thủy); kè thôn Chợ Cuồi, xã Tiến Hóa và kè sông Rào Bội, thôn Tân Đức, xã Hương Hóa (Tuyên Hóa). Nhiều điểm trên các tuyến giao thông quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã bị sạt lở, nhất là ở vùng miền núi phía tây. Ước tính tổng giá trị thiệt hại toàn tỉnh do mưa lũ xảy ra trong năm 2021 là hơn 71 tỷ đồng.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị chia cắt trong mùa mưa lũ.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị chia cắt trong mùa mưa lũ.
 
Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan với 4 đợt gió mùa đông bắc và không khí lạnh tăng cường, 1 đợt nắng nóng. Đặc biệt, trên địa bàn Quảng Bình xảy ra 1 đợt lũ trái mùa vào các ngày đầu tháng 4/2022 với mực nước xấp xỉ báo động II tại sông Kiến Giang. Đợt mưa lũ "không kịp trở tay" này đã khiến hơn 5.900ha lúa đông-xuân đang trong giai đoạn chuẩn bị trổ đòng bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng trăm ha rau màu bị ngập, gãy đổ; 35 giàn nuôi hàu, 62 lồng cá bị ngập, hư hỏng. Ước tính tổng giá trị thiệt do thiên tai toàn tỉnh từ đầu năm đến nay là trên 170 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Riêng trên địa bàn huyện, theo thống kê đã có 3.689ha lúa bị ngập từ 70% trở lên, tập trung chủ yếu tại các xã: Hồng Thủy, Thanh Thủy, Cam Thủy, Lộc Thủy, Phú Thủy, Mai Thủy, Hoa Thủy, Sơn Thủy. Ngoài ra, có 917ha diện tích cá-lúa và 87ha cây hoa màu ngập nước hoàn toàn trong đợt lũ "trái mùa" này. Nước dâng cao cùng với sóng lớn đã làm sạt lở các tuyến đê tại vùng tả Kiến Giang, vùng Lùng Tân Thủy. UBND huyện Lệ Thủy chỉ đạo các xã, thị trấn huy động hàng trăm người dân, lực lượng dân quân khẩn trương tham gia đắp đê, cứu lúa, tôn cao các đoạn đê bao bằng các bao đựng đất; chặn kỹ các cửa cống, kênh mương để hạn chế lượng nước tràn từ sông Kiến Giang vào đồng ruộng. Huyện Lệ Thủy huy động gần 100 trạm bơm điện và dầu để bơm úng cứu lúa.
 
Tại huyện Quảng Ninh, lũ "trái mùa" đầu tháng 4 cũng đã làm cho gần 800ha lúa và 30ha hoa màu bị ngập, trong đó có nhiều diện tích lạc ở xã biên giới Trường Sơn sắp thu hoạch bị ngập, hư hỏng. Huyện đã huy động người dân đắp những đoạn đê thấp nhằm ngăn nước tràn qua cánh đồng lúa; huy động hết công suất của các trạm bơm để chống úng, giảm thiệt hại cho sản xuất.
 
Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS tỉnh cho biết: Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến dị thường của thời tiết, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và lập phương án hộ đê năm 2022; kiểm tra đánh giá an toàn đập trước mùa mưa bão, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa; rà soát các khu vực nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để có phương án sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn. Hiện nay, tỉnh đang triển khai công tác chuẩn bị diễn tập phòng, chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn năm 2022, nhằm nâng cao năng lực, nhận thức công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
 
Cùng với các nhiệm vụ trên, tỉnh Quảng Bình cũng đang triển khai thực hiện các nội dung có liên quan, như: Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025; kế hoạch ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; kế hoạch phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 trên địa bàn; kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh và các kế hoạch ứng phó với từng tình huống thiên tai, thảm họa.
 
Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, chú trọng các tổ xung kích phòng, chống thiên tai cộng đồng theo cụm dân cư để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Rà soát phương án dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó thiên tai. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành công tác khắc phục hậu quả thiên tai đúng mục đích, đối tượng, bảo đảm hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ.
 
"Là địa phương thường xuyên bị tổn thương do thiên tai, trong điều kiện nguồn lực của tỉnh có phần hạn chế, Quảng Bình luôn xác định nguyên tắc phòng ngừa chủ động là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Nguyên tắc phòng ngừa được thực hiện trong mỗi công việc, trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản... phải luôn gắn với phòng, chống thiên tai", Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS tỉnh Trần Xuân Tiến cho biết.
 
A.Tuấn

tin liên quan

Bàn giao nhà Chữ thập đỏ cho hộ nghèo ở huyện Quảng Trạch

(QBĐT) - Ngày 19/5, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phối hợp với Hội CTĐ huyện Quảng Trạch tổ chức lễ khánh thành, bàn giao nhà CTĐ cho gia đình ông Lê Văn Khai, thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông (Quảng Trạch). 

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT và phòng, chống tai nạn đuối nước

(QBĐT) - Từ ngày 16-20/5/2022, Đội Cảnh sát giao thông-Trật tự xã hội, Công an huyện Tuyên Hoá tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phòng, chống tai nạn đuối nước trong dịp hè 2022 cho một số trường học trên địa bàn.

 

Hội thảo đánh giá mức độ thân thiện của hệ thống nhà vệ sinh trường học

(QBĐT) - Sáng nay, 20/5, được sự hỗ trợ của Dự án Plan, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo chia sẻ, đánh giá mức độ thân thiện của hệ thống nhà vệ sinh (NVS) trường học.