Minh Hóa: Nỗ lực đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

  • 14:23 | Thứ Hai, 07/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện, hệ thống chính trị huyện Minh Hoá đã và đang vào cuộc quyết liệt để đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống diễn ra trên địa bàn.
 
Vẫn tồn tại tình trạng tảo hôn
 
Huyện Minh Hóa gồm 15 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã thuộc khu vực biên giới: Thượng Hóa, Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa. Theo khảo sát của tổ chức CIRD (Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, VUSTA) tại 15 bản hưởng lợi từ các dự án do CIRD hỗ trợ thuộc 4 xã Thượng Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa, Dân Hóa trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, có 83% đồng bào biết rằng tảo hôn là vi phạm pháp luật; 71,8% người dân hiểu biết về hôn nhân cận huyết thống.
 
Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật, Luật Hôn nhân và Gia đình mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, trong đó ảnh hưởng lớn đến công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ); bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phát triển kinh tế-xã hội địa phương...
 
Ngoài ra, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tác động đến chất lượng nòi giống, cuộc sống, tâm sinh lý, thể chất trẻ em. Kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật và hôn nhân cận huyết thống sẽ sinh ra một thế hệ kế thừa còi cọc, suy dinh dưỡng, khả năng chống chọi với bệnh tật kém nên dễ mắc bệnh, nhất là các bệnh hiểm nghèo.
Pano tuyên truyền nguy cơ do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được bố trí ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Pano tuyên truyền nguy cơ do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được bố trí ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo số liệu từ UBND huyện Minh Hóa, hiện tượng tảo hôn năm 2021 trên địa bàn các xã biên giới vẫn còn tồn tại với 19 cặp vợ chồng trẻ dưới độ tuổi kết hôn được phát hiện.
 
Hiện tượng tảo hôn tập trung vào đối tượng trẻ nghèo, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, không có cơ hội đến trường, ít giao tiếp với xã hội. Quá trình tiếp xúc theo kiểu “lửa gần rơm” trong lao động, lên nương rẫy dẫn đến phát sinh tình cảm. Phần lớn các cặp đôi tảo hôn không nắm vững kiến thức về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ nên không thực hiện các biện pháp tránh thai, dẫn tới có thai trước hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn.
 
Hiện tượng tảo hôn cũng xảy ra ở những đối tượng là học sinh. Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày. Trong môi trường sống nội trú hay ở với gia đình, các em thiếu kiến thức về hôn nhân và sự quan tâm của bố mẹ, “trót” thương nhau, dẫn đến tảo hôn ngoài ý muốn.
 
Cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị
 
Ông Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là trở lực ngăn cản xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, trái với đường lối của Đảng về “Xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nhằm hạn chế tiến tới ngăn chặn vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở 4 xã biên giới trên địa bàn huyện, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, chính quyền cơ sở và cả hệ thống chính trị”.
 
Tại 4 xã biên giới, UBND huyện Minh Hóa tăng cường mỗi xã 2 công chức Tư pháp-Hộ tịch đạt chuẩn. Công chức Tư pháp-Hộ tịch đồng thời trở thành tuyên truyền viên tích cực phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, cán bộ thôn bản, người già uy tín... để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, chú trọng đến đối tượng thanh niên trẻ, phụ nữ trong độ tuổi chuẩn bị lập gia đình.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Văn Lĩnh, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và chấm dứt hôn nhân cận huyết thống, thời gian tới, huyện Minh Hóa tập trung vào những giải pháp sau: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản và các biện pháp phòng tránh thai cho phụ nữ, nam giới, trẻ vị thành niên tại cộng đồng bản làng cũng như đưa thông tin này vào dạy học ngoại khóa cho học sinh THCS, THPT; phát huy vai trò đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín trong cộng đồng.
 
Minh Hóa nỗ lực thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả mô hình các CLB gia đình và pháp luật, DS-KHHGĐ tại 15 thôn, bản của 4 xã biên giới, bảo đảm tư vấn, can thiệp kịp thời trong phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
 
Huyện thực hiện hiệu quả chính sách thúc đẩy kinh tế-xã hội, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất; phục dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào, hạn chế sự xâm nhập các luồng văn hóa xấu, độc.
 
Bên cạnh đó, Minh Hóa xây dựng các mô hình hỗ trợ pháp lý ban đầu tại cộng đồng nhằm hỗ trợ kiến thức pháp luật, hôn nhân, DS-KHHGĐ ngay tại thôn, bản; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi công tác phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngay từ cơ sở thôn, bản; xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình.
 
Huyện nỗ lực đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... vào hương ước, quy ước thôn, bản, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
 
Kỳ vọng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở khu vực biên giới huyện Minh Hóa sẽ được hạn chế, đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện.
 
                                                                                                                                      Hồ An

tin liên quan

Khởi công xây dựng "Mái ấm tình thương" cho hội viên nghèo

(QBĐT) - Ngày 6/3, Hội LHPN huyện Minh Hóa phối hợp với UBND xã Minh Hóa tổ chức lễ khởi công xây dựng "Mái ấm tình thương" cho hội viên nghèo. 
 

"Dìu nhau"… học nghề

(QBĐT) - Với người khuyết tật (NKT), cuộc sống vốn muôn vàn vất vả. Nhưng bằng nghị lực, ý chí và quyết tâm không đầu hàng số phận, nhiều người trong số họ đã nỗ lực vươn lên, có nghề nghiệp ổn định. Nương tựa nhau những lúc khó khăn, họ hỗ trợ, giúp đỡ những người đồng cảnh cùng học nghề, tạo việc làm, từ đó, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Đề xuất cho F0 không triệu chứng, F1 đi làm trong thời gian cách ly

Trong đề xuất của Bộ Y tế, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19.