Mai một nghề bóng mực?

  • 09:06 | Chủ Nhật, 27/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nghề bóng mực từ xa xưa đã trở thành một nghề truyền thống của ngư dân làng biển Lý Hòa (xã Hải Phú, Bố Trạch). Nghề này không những đã nuôi sống biết bao thế hệ, mà còn là nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây, khi sử dụng nguyên liệu tre đan làm ngư cụ mưu sinh trên biển. Thế nhưng, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, hiện, ngư dân ở đây đã không còn làm nghề bóng mực nữa. Để nghề bóng mực ở làng biển Lý Hòa mất đi, có lẽ đang là nỗi day dứt của nhiều người…
 
Đau đáu với nghề xưa
 
Cách đây khoảng 5 năm về trước, đến làng biển Lý Hòa vào thời điểm này, rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những “lão làng” đang “đánh trần” ngồi đan bóng mực trên bờ kè. Và ở dưới sông Lý Hòa, những chiếc thuyền chất đầy hàng trăm chiếc bóng mực, chuẩn bị cho những chuyến vươn khơi.
 
Thế mà giờ đây, đang thời điểm giữa mùa làm bóng mực, nhưng những hình ảnh thân thương đó có nguy cơ lùi dần vào “dĩ vãng”. Đã gần 5 mùa biển rồi, ngư dân làng biển Lý Hòa không còn ai theo nghề bóng mực nữa. Cuộc sống thay đổi, nhiều nghề đánh bắt hiện đại ra đời đã vô tình “đẩy” nghề bóng mực đến "bờ vực phá sản".
 
Dẫu vậy, khi nhắc đến nghề bóng mực, trong tiềm thức của hầu hết người dân ở làng biển Lý Hòa, ai cũng dành cho nó một tình cảm trân quý. Lão ngư Hồ Văn Mức gắn bó với nghề bóng mực từ năm 15 tuổi. Ông Mức không thể nghĩ rằng, đến một ngày, ông phải “chia tay” cái nghề đã gắn bó và nuôi sống bao thế hệ gia đình ông. Ở làng biển Lý Hòa, ông Mức cũng là người cuối cùng “rời” nghề bóng mực và lúc nào cũng đau đáu với nghề xưa.
 
Ngồi buồn bên chén trà đặc trong một ngày không ra khơi, ông Mức suy tư nhìn ra biển. Ông bảo, nghề bóng mực ở làng biển Lý Hòa có từ khi nào, bản thân ông cũng không được biết. Chỉ biết rằng, khi lớn lên, ông đã thấy cha, ông của mình sử dụng những chiếc bóng mực để mưu sinh trên biển. Rồi những lần đi biển cùng cha, được cha bày cho từng chút một mà lành nghề và gắn bó với nghề.
 
Theo ông Mức, nghề bóng mực không đơn thuần là một nghề mưu sinh mà còn là một nét văn hóa độc đáo vì nó sử dụng nguyên liệu (tre) của người “kẻ ruộng” để làm ngư cụ mưu sinh cho người “kẻ biển”. Để làm nghề bóng mực, ngư dân không chỉ giỏi việc đánh bắt mà còn phải giỏi nghề đan lát (đan bóng mực).
 
Nghề bóng mực ở làng biển Lý Hòa bắt đầu từ tháng giêng và kết thúc vào tháng 4 âm lịch. Để chuẩn bị bóng mực cho một mùa đánh bắt mới, hàng năm, vào dịp giáp Tết Nguyên đán, ngư dân làng biển Lý Hòa lại tỏa về các vùng quê nông nghiệp để tìm mua những cây tre đẹp, thân thẳng, không bị mắt sâu, đủ độ già để đan bóng mực. Bóng mực là một chiếc lồng được đan bằng tre. Nan tre được đan thành từng tấm phẳng. Người dân đan bóng mực theo kiểu đan lóng mốt, các nan chéo một lên, một xuống xen kẽ nhau. Sau khi đan xong thì ghép các cạnh lại với nhau thành một chiếc lồng dài 1,5m, rộng 1m và cao 1m. Miệng bóng mực (bẫy bóng) là một chiếc hom đan bằng tre. Chiếc hom được đan nhỏ dần vào phía trong để khi mực, cá chui vào không thể thoát ra ngoài được.
Ngư dân Lý Hòa làm nghề bóng mực trên biển.
Ngư dân Lý Hòa làm nghề bóng mực trên biển.
Những chiếc bóng mực sau khi được làm xong, ngư dân đặt vào mỗi chiếc bóng một hòn đá đủ nặng và kết nối chúng với nhau thành một sợi dây thừng dài hàng trăm mét gọi là cọng bóng. Trung bình mỗi cọng bóng có từ 30-40 cái bóng mực. Sau khi đã hoàn chỉnh số lượng cọng bóng cần làm (tùy theo chủ thuyền), ngư dân cho thuyền ra biển ở làn nước 12-15 sải (khoảng 30m chiều sâu) và thả bóng mực xuống biển. Ngư dân làm nghề bóng mực chủ yếu là “bẫy” mực nang nhưng đôi lúc cũng bắt được những con cá sống ở tầng đáy khủng, như: Cá mú, cá hồng…
 
Ám ảnh “hung thần” giã cào
 
Ngư dân Phạm Chí Thanh, một người có thâm niên gắn bó với nghề bóng mực hơn 20 năm cho biết, thời kỳ hưng thịnh ở làng biển Lý Hòa có hàng trăm hộ làm nghề, trung bình mỗi hộ có khoảng 500 chiếc bóng mực.
 
“Nghề bóng mực thường bắt đầu từ tháng giêng cho đến hết tháng 4 âm lịch. Lúc này, nắng ấm, cá mực sinh sôi nhiều, nên ai cũng có thu nhập ổn định. Nhiều gia đình, đời cha, con, cháu đều gắn bó với nghề này. Những đứa trẻ mới 11, 12 tuổi đã theo ông cha ra biển, rồi nối nghiệp từ đó. Thế mà bây giờ, nhìn quanh, cả cái làng biển Lý Hòa này, không còn một ai làm nghề này nữa”, ông Thanh bày tỏ.
 
Nói về lý do ngư dân làng biển Lý Hòa phải từ bỏ nghề bóng mực, ngư dân Phạm Chí Thanh ngậm ngùi: “Xưa, mỗi lần ra biển (ngư dân làm nghề bóng mực đi từ 3 giờ sáng đến 4 giờ chiều là vô), trung bình cũng bẫy được hơn chục kg mực nang, có bữa trúng còn được nhiều con cá nặng chục ký, ngư dân chúng tôi kiếm tiền triệu. Nay, không chỉ nguồn hải sản bị cạn kiệt, mà do tàu giã cào “phá” quá dữ, nên chúng tôi đành bỏ nghề bóng mực để làm nghề khác có thu nhập hơn”.
 
Ông Thanh kể: "Lúc đang làm nghề bóng mực, bản thân tôi đã không ít lần ẩu đả với ngư dân trên tàu vì quá bức xúc và uất ức. Nghề mình là nghề “dưỡng” còn tàu giã cào tàn phá biển. Tàu giã cào kéo nhau vào tận trong bờ, quét sạch. Bữa ít mất vài chiếc, nhiều thì vài chục chiếc bóng. Có năm, gia đình tôi mới đầu tư gần 500 chiếc bóng, trị giá gần 40 triệu đồng, mới đi chưa thu hồi được vốn, tàu giã cào đã phá cho tanh bành, không còn một cái…”
 
Đem câu chuyện về nghề bóng mực đang bị mai một ở làng biển Lý Hòa trao đổi với chính quyền xã Hải Phú, bà Phan Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch UBND xã cũng bày tỏ sự tiếc nuối. Bà Nguyệt cho biết, nghề bóng mực là một nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm qua ở làng biển Lý Hòa. Tuy nhiên, cũng do nhiều lý do khách quan và chủ quan mà nay, ngư dân ở đây không còn theo nghề bóng mực nữa.
 
“Để nghề bóng mực mai một đi, không chỉ ngư dân mà chính quyền xã cũng tiếc nuối và trăn trở lắm. Hàng năm, khi triển khai nhiệm vụ sản xuất, đánh bắt hải sản, chúng tôi đều nhắc đến nghề bóng mực và khuyến khích ngư dân làm nghề này. Mong sao thời gian tới, khi các ngành chức năng kiểm soát và xử lý mạnh những vi phạm của tàu giã cào, ngư dân Lý Hòa sẽ quay lại với nghề bóng mực”, bà Nguyệt chia sẻ.
 
Rời làng biển Lý Hòa, chúng tôi mang theo nỗi trăn trở của chính quyền địa phương và ngư dân từng làm nghề bóng mực. Họ đang gánh chịu thiệt hại, bất lực với đội ngũ tàu giã cào lộng hành càn quét lòng biển mà phải từ bỏ cái nghề truyền thống của cha ông với phương thức đánh bắt “nuôi dưỡng” biển mẹ. Để nghề bóng mực ở làng biển Lý Hòa mất đi, chắc đó không chỉ là trăn trở của riêng những ngư dân ở làng biển này?
 
Theo Bách khoa thủy sản do Nhà xuất bản Nông nghiệp phát hành năm 2007: Bẫy là ngư cụ truyền thống, đánh bắt theo phương pháp thụ động, có tên thường gọi là lờ, bóng. Nghề khai thác bằng bẫy (đặt lờ, bóng) là một trong những nghề khai thác thủy sản lâu đời của ngư dân trên toàn thế giới, có những đặc tính ưu việt mà các hình thức khai thác khác không thể có được như: Có thể hoạt động được ở những vùng biển sâu, đáy biển phức tạp, khai thác được những đối tượng có chọn lọc và mong muốn. Vì thế, những năm gần đây, phương pháp này được rất nhiều nước và các tổ chức nghề cá trên thế giới quan tâm.

Phan Phương

 

tin liên quan

Hỗ trợ 700 cây giống cho phụ nữ phát triển kinh tế vườn

(QBĐT) - Trong 2 ngày 25 và 26/3, Hợp tác xã Sản xuất-Kinh doanh giống cây trồng Đức Hưng (gọi tắt là HTX Đức Hưng) ở xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) đã trao tặng 700 cây giống cho hội viên Hội Phụ nữ ở xã Phú Thủy và Dương Thủy.

Vì một thành phố văn minh

(QBĐT) - Để xây dựng TP. Đồng Hới giàu đẹp, văn minh, Ban Chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh đô thị thành phố tiếp tục triển khai những hoạt động thiết thực nâng cao trách nhiệm của mọi người dân về việc thực hiện nếp sống văn minh từ ý thức đến hành động.

Chợ cá đêm trong lòng thành phố

(QBĐT) - Gần 20 năm tồn tại, chợ cá đêm Nhật Lệ (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới) trở thành điểm hẹn của các thương lái… Lên đèn từ lúc chập tối nhưng phải đến nửa đêm chợ cá mới bắt đầu sôi động khi tàu thuyền cập cảng Nhật Lệ. Trừ những đêm trăng sáng, mưa bão, phong tỏa do dịch bệnh, hầu như, quanh năm chợ cá này luôn hoạt động...