"Dìu nhau"… học nghề

  • 08:39 | Thứ Hai, 07/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với người khuyết tật (NKT), cuộc sống vốn muôn vàn vất vả. Nhưng bằng nghị lực, ý chí và quyết tâm không đầu hàng số phận, nhiều người trong số họ đã nỗ lực vươn lên, có nghề nghiệp ổn định. Nương tựa nhau những lúc khó khăn, họ hỗ trợ, giúp đỡ những người đồng cảnh cùng học nghề, tạo việc làm, từ đó, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.
 
Những lớp học đồng cảnh
 
Với chàng trai Trương Hồng Hoàn (xã Hiền Ninh, Quảng Ninh), cái Tết năm 2002 sẽ mãi là ký ức ám ảnh anh đến suốt cuộc đời bởi đó là thời khắc bắt đầu chuỗi ngày anh sống với thân phận của một NKT. Căn bệnh quái ác đã buộc anh phải cưa bỏ một chân, đóng khép lại bao ước mơ, hoài bão của chàng trai tuổi 17. Nhiều năm sau, với bộ đồ nghề sửa chữa điện cơ và kỹ năng học nghề được Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật (AEPD) hỗ trợ vào năm 2014, anh Hoàn bắt đầu khởi nghiệp bằng cơ sở sửa chữa ngay tại quê nhà.
 
Từ những ngày đầu gian khó, đến nay, cơ sở của anh Hoàn đã mở rộng và lớn mạnh, trở thành điểm dạy nghề cho nhiều con em địa phương trong vùng. Trong những người anh đã từng đào tạo có học viên khá đặc biệt, đó là những thanh niên khuyết tật mang theo ước mơ giản dị có được công việc tự nuôi sống chính mình. Bằng sự sẻ chia, cảm thông, anh Hoàn đã nhiệt tình chỉ dạy cho những học viên đồng cảnh này. Đến nay, đã có 6 học viên là NKT được học nghề và có việc làm ổn định.
 
Anh Hoàng Tuyên Huấn (sinh năm 1987, xã Võ Ninh, Quảng Ninh) vốn sinh ra đã bị khuyết tật bẩm sinh. Sau những ngày lăn lộn với đủ nghề không tên, năm 2019, anh Huấn tham gia lớp học nghề sửa chữa điện cơ của anh Hoàn. Sau 7 tháng theo học, giờ thì anh Huấn đã có thể tự tin mở một tiệm sửa chữa đồ điện cơ nho nhỏ của riêng mình. Anh bảo, thời điểm đó, không nghề nghiệp, cứ nghĩ mình sẽ mãi là gánh nặng của gia đình cho đến lúc tham gia vào lớp dạy nghề của anh Hoàn, mọi sự đã thay đổi. Từ một người không nghề nghiệp, giờ, anh đã có thể tự nuôi sống chính mình, giúp đỡ gia đình và hơn cả là thoát khỏi mặc cảm, tự ti vốn tồn tại suốt thời gian dài.
 
Đã từng trải qua chấn thương về thể chất và tâm hồn, những NKT như anh Hoàn thấu hiểu những đau đớn mà bản thân từng chịu đựng. Bởi thế, không riêng anh Hoàn mà rất nhiều NKT khác sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ những người đồng cảnh học nghề. Khi được AEPD đặt vấn đề, họ vui vẻ tiếp nhận học trò là NKT và hướng dẫn họ trở thành một tay thợ giỏi, có thể kiếm thu nhập từ chính nghề nghiệp ấy.
 
Cũng như anh Hoàn, đã có nhiều lứa học viên là NTK trưởng thành và ra nghề từ cửa hàng sửa chữa điện cơ của anh Phạm Sỹ Nguyên (Hoàn Lão, Bố Trạch). Chính nhờ cửa hàng nhỏ bé này, nhiều số phận NKT đã được “hồi sinh” và tiếp tục vun vén cho những ước mơ bình dị mà tưởng mãi mãi không bao giờ thành hiện thực.
Nhiều lứa học viên là NKT trưởng thành và ra nghề từ cửa hàng sửa chữa điện cơ của anh Phạm Sỹ Nguyên (Hoàn Lão, Bố Trạch).
Nhiều lứa học viên là NKT trưởng thành và ra nghề từ cửa hàng sửa chữa điện cơ của anh Phạm Sỹ Nguyên (Hoàn Lão, Bố Trạch).

 Khi ước mơ được chắp cánh

Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật (AEPD) là một tổ chức phi chính phủ địa phương ra đời nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực hòa nhập của NKT và thúc đẩy một môi trường thuận tiện cho NKT. Một trong những nội dung mà AEPD hướng đến là nâng cao kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn, từ đó hỗ trợ việc làm cho NKT.
 
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, Chủ tịch AEPD Quảng Bình, AEPD sử dụng phương pháp lấy NKT làm trung tâm dựa trên mô hình “Hỗ trợ đồng cảnh”. Phương pháp này được AEPD áp dụng cho tất cả các chương trình và sự can thiệp theo nhu cầu của NKT, trong đó có hỗ trợ học nghề.
 
Theo số liệu thống kê của AEPD, hiện, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 45.000 NKT. Một thực tế là hầu hết NKT sống dưới mức nghèo khổ ở vùng nông thôn. Bởi vậy, hỗ trợ sinh kế bền vững bằng việc hỗ trợ đào tạo nghề dựa trên mô hình “Hỗ trợ đồng cảnh” luôn được AEPD ưu tiên tác động. Không ai khác, chính những NKT sẽ đồng hành, hỗ trợ cho những người đồng cảnh được học nghề, từ đó, có việc làm, tự nuôi sống chính mình. “Chúng tôi tin rằng, một khi đời sống kinh tế của NKT được nâng lên, thì NKT sẽ quan tâm đến các nhu cầu khác của mình như chăm sóc sức khỏe, tham gia vào các hoạt động của cộng đồng”, bà Hồng cho biết thêm.
 
Chính vì vậy, kể từ khi thành lập, AEPD đã và đang trực tiếp hỗ trợ NKT tiếp cận các cơ hội kinh tế bình đẳng, cơ hội nghề nghiệp, tự tạo việc làm thông qua đào tạo nghề và hỗ trợ vốn hạt giống. NKT cũng cải thiện năng lực làm việc thông qua các khóa đào tạo nghề và kỹ năng kinh doanh, vay vốn để khởi sự hoặc mở rộng kinh doanh. Quá trình đó bắt đầu bằng việc tiếp cận với đối tượng để tư vấn, xác định nhu cầu và khả năng của họ sau đó mới xác định được ngành nghề phù hợp để đưa đi đào tạo.
 
Những năm qua, AEPD đã hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 3.000 hộ gia đình có NKT; hỗ trợ đào tạo và cung cấp trang thiết bị dạy nghề cho NKT tại 2 trung tâm dạy nghề huyện ở Quảng Ninh và Bố Trạch. AEPD cũng đã tổ chức gần 100 khóa tập huấn nâng cao năng lực cho NKT về lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất, kinh doanh. Điều đáng trân trọng, nhiều nhóm NKT trước đây được AEPD hỗ trợ, giờ đã nhận đào tạo lại nghề miễn phí cho những NKT khác như một hình thức dịch vụ cộng đồng để đóng góp trở lại cho xã hội.
 
Anh Nguyễn Thành Trà (49 tuổi, xã Hưng Thủy, Lệ Thủy) là NKT có được việc làm ổn định từ chính những lớp học đồng cảnh đó. Những ước mơ bình dị được chắp cánh, cuộc sống nhờ thế cũng lạc quan và ý nghĩa hơn. “Được AEPD và cả những người đồng cảnh hỗ trợ, tôi thấy mình sống có niềm tin hơn, không còn cảm giác tự ti như trước. Nếu có điều kiện mở rộng tiệm sửa chữa điện tử của gia đình, tôi sẵn sàng dạy nghề miễn phí cho các bạn NKT khác”, anh Trà tâm sự.
 
Với những NKT, “dìu nhau” học nghề, không chỉ đơn giản là hỗ trợ nhau có được một việc làm ổn định mà là “dìu nhau” đi qua những bất hạnh của số phận, để thấy rằng cuộc đời này vẫn tươi đẹp và đáng sống biết bao.
 
Diệu Hương
 
 
 

tin liên quan

Khởi công xây dựng "Mái ấm tình thương" cho hội viên nghèo

(QBĐT) - Ngày 6/3, Hội LHPN huyện Minh Hóa phối hợp với UBND xã Minh Hóa tổ chức lễ khởi công xây dựng "Mái ấm tình thương" cho hội viên nghèo. 
 

Đề xuất cho F0 không triệu chứng, F1 đi làm trong thời gian cách ly

Trong đề xuất của Bộ Y tế, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh COVID-19.

Mùa "ăn dâu" trên dãy Hoành Sơn

(QBĐT) - Hàng năm, khoảng từ cuối tháng chạp đến hết tháng 2 âm lịch, trái dâu rừng (nhiều nơi gọi là thanh mai) chín rộ trên dãy Hoành Sơn, cũng là lúc người dân các xã Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Châu (Quảng Trạch) lại rủ nhau đi hái thứ "lộc trời" không phải bỏ công trồng trọt, chăm sóc này. Năm nay, thời tiết thuận lợi, dâu rừng sai trái và bán được giá nên nhiều người "ăn dâu" đã kiếm được tiền triệu mỗi ngày….