Cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy:

"Bài toán" của cả cộng đồng

  • 08:26 | Thứ Sáu, 18/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Số lượng đối tượng nghiện ma túy ngày càng gia tăng gây nên những áp lực rất lớn cho gia đình, xã hội. Nếu công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện không có sự chung tay của cả cộng đồng, thì vấn nạn ma túy mãi mãi là nỗi ám ảnh, hoang mang của nhiều gia đình và là nỗi lo chung của toàn xã hội.
 
Cai nghiện đã khó…
 
Những ngày đầu tháng 3, Nguyễn Văn Tr. (SN 1991, Phong Nha, Bố Trạch) được trở về nhà sau 1 năm cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Với bố Tr.-ông Nguyễn Xuân D.-đó là niềm vui không gì sánh được. Bởi trong suốt nhiều năm con trai vướng vào ma túy, chưa đêm nào ông ngủ ngon giấc. Nghĩ đến con, ông lo lắng và trăn trở khôn nguôi.
 
Ông bảo, nhiều năm trời, đưa con đi hết trại cai nghiện này đến cơ sở cai nghiện khác nhưng rồi, Tr. lại tiếp tục bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo. Vòng tròn cai nghiện-tái nghiện cứ thế lặp lại từ năm này qua tháng khác. “Chỉ lần này, khi cháu nó trở về từ Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, thấy con thay đổi tâm tính và quyết tâm kiếm việc làm ăn, tôi mới thấy yên tâm phần nào. Chỉ mong Tr. không còn bị bạn xấu lôi kéo nữa”, ông D. chia sẻ.
 
Cũng như Tr., có rất nhiều đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn đã được cai nghiện thành công tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Theo ông Trần Đình Quý, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, trong năm 2021, cơ sở đã tiếp nhận mới 71 đối tượng, trong đó có 63 đối tượng cai nghiện tự nguyện. Những năm qua, cơ sở đã thu được những kết quả đáng kể trong công tác cai nghiện bắt buộc, tự nguyện tập trung. Nhiều đối tượng sau cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng đã chí thú làm ăn. Những kết quả đó có được nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên của cơ sở, sự phối hợp của gia đình và trên hết là quyết tâm của chính những đối tượng nghiện ma túy.
 
Khó khăn nhất trong quá trình cai nghiện tại cơ sở chính là việc cắt cơn nghiện, thường kéo dài từ 10-20 ngày đầu đối tượng được đưa đến đây. Những cảnh gào thét, khóc cười, than vãn, chửi rủa, phá phách... của học viên mới tiếp nhận trong những ngày cắt cơn, giải độc không chỉ là áp lực rất lớn đối với cán bộ, nhân viên trực tiếp điều trị mà còn là khó khăn chung của công tác quản lý cai nghiện tại đây.
 
Vậy nên, những căn phòng được sử dụng cho việc điều trị cắt cơn thường được xây dựng đặc biệt hơn với hệ thống an ninh chặt chẽ. “Sau khi cắt cơn cho các đối tượng, chúng tôi tạo cho họ nhiều việc làm để học viên lao động trị liệu, như: Trồng cây xanh, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Quá trình này giúp học viên lao động phục hồi sức khỏe, vừa học nghề, tăng thu nhập cho đơn vị vừa cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học viên”, ông Quý cho biết thêm. 
Sau cắt cơn, các học viên sẽ tham gia các hoạt động lao động trị liệu.
Sau cắt cơn, các học viên sẽ tham gia các hoạt động lao động trị liệu.
Để quản lý chặt chẽ học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã phải phân công cán bộ trực 24/24 giờ. Đối với các học viên có ý định bỏ trốn hoặc chống phá, gây rối, đơn vị lập danh sách của từng học viên để thuyết phục, giáo dục làm cho họ nhận thức, hiểu và từ bỏ những ý định đó.
 
Đồng thời, các cán bộ tại đây cũng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tư trang, hàng quà trước khi cho học viên nhận và thăm gặp nhằm phòng ngừa, chống thẩm lậu ma túy và các vật dụng cấm đưa vào cơ sở. Theo ông Quý, song song với việc điều trị, cơ sở còn tổ chức tư vấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chính sách cai nghiện ma túy cho học viên và các quy định, quy chế của cơ sở ban hành về thực hiện cai nghiện ma túy. Nhờ thế, nhiều học viên sau khi trở lại cộng đồng đã trở thành những tuyên truyền viên, động viên nhiều đối tượng khác tham gia cai nghiện tự nguyện.
 
… Quản lý sau cai nghiện càng khó
 
Theo số liệu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 133/151 xã, phường, thị trấn với gần 2.800 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó có 974 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Điều đáng nói, các đối tượng liên quan đến ma túy không ngừng gia tăng, đối tượng nghiện ma túy có xu hướng sử dụng với liều lượng ngày càng cao.
 
Nếu như trước đây, các đối tượng chỉ sử dụng heroin và một số ít sử dụng ma túy tổng hợp dạng viên nén thì nay, đã xuất hiện thêm nhiều đối tượng sử dụng ma túy dạng đá, lá cần sa khô; nhiều đối tượng liên quan đến ma túy đã tham gia vào các băng ổ, nhóm trộm cắp, cướp giật… Độ tuổi của người nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa, đa số đối tượng tập trung trong lứa tuổi từ đủ 16 đến 30 tuổi. Vấn nạn ma túy trở thành nỗi ám ảnh, hoang mang của nhiều gia đình và là nỗi lo chung của toàn xã hội.  
 
Cùng với tổ chức cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, trong năm 2021, các ban, ngành, địa phương đã tuyên truyền, vận động 103 lượt người nghiện đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, số lượng người nghiện ma túy và gia đình tự giác khai báo, đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa nhiều. Điều đó tạo nên nhiều khó khăn cho công tác quản lý cai nghiện và sau cai nghiện. Trong năm 2021, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tiến hành khảo sát nắm tình hình đối với 91/95 đối tượng sau khi cai nghiện tại cơ sở trở về gia đình, cộng đồng để theo dõi cũng như tư vấn, tuyên truyền, vận động các đối tượng nghiện ngoài cộng đồng, đối tượng tái nghiện vào cai nghiện tự nguyện tại cơ sở.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quản lý người nghiện sau cai vẫn còn nhiều bất cập và hiệu quả chưa cao. Ngoài việc chưa có kinh phí để hỗ trợ cán bộ tham gia giúp đỡ người nghiện sau cai thì điều đáng nói là người nghiện có tư tưởng không ổn định, quyết tâm chưa cao dễ bị bạn nghiện rủ rê, lôi kéo dẫn đến việc dễ tái nghiện. Đó cũng chính là nỗi lo lắng chung của những gia đình có con em cai nghiện trở về địa phương. “Tôi chỉ mong những gia đình khác cũng sẽ biết phối hợp với nhau, phối hợp cùng địa phương, xã hội để cùng giáo dục, quản lý con em mình, từ đó, hạn chế việc các cháu rủ rê nhau tái nghiện”, ông Nguyễn Xuân D. trăn trở.
 
Với những đối tượng nghiện ma túy, việc cai nghiện đã khó, trở về tái hòa nhập sau cai nghiện càng muôn vàn vất vả khi các hoạt động hỗ trợ tư vấn học nghề, dạy nghề, vay vốn, hỗ trợ tìm việc làm cho họ còn gặp nhiều khó khăn. Do tâm lý e ngại, thiếu tin tưởng nên nhiều doanh nghiệp không mặn mà tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc.
 
Tháng 12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/NĐ-CP quy định nhiều điểm mới nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản công tác cai nghiện. Trong đó, ngoài việc quy định trình tự, thủ tục cai nghiện, nghị định đã quy định cụ thể hơn về nội dung quản lý sau cai nghiện; trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong việc giúp đỡ người nghiện từ bỏ ma túy; chính sách, chế độ hỗ trợ của Nhà nước để họ từng bước tạo dựng sinh kế, hòa nhập xã hội.
 
Diệu Hương

tin liên quan

Quyết tâm làm giàu

(QBĐT) - Bằng nghị lực vươn lên, anh Trần Chính Phong (SN 1978), ở thôn 2 Thanh Mỹ, Thanh Thủy (Lệ Thủy) đã trở thành điển hình về phát triển kinh tế với mô hình chăn nuôi, trồng trọt và làm dịch vụ.

Hướng dẫn chi tiết quy định khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam

Các quy định chính thức về việc đón khách quốc tế vào Việt Nam đã được thống nhất với quy trình thông thoáng hơn nhiều so với những đề xuất trước đó.

Kế hoạch hành động thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch hành động Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.