Mùa xuân bình yên

  • 14:59 | Thứ Tư, 09/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ở những thời khắc cam go nhất của dịch Covid-19, họ đã lựa chọn trở về quê hương để tìm sự bình yên. Cùng với gần 3.000 công dân được tỉnh đón về bằng máy bay và tàu hỏa, nhiều người đã trải qua hành trình gian nan, vất vả để đặt chân lên mảnh đất quê nhà. Sau rất nhiều những khó khăn, nỗ lực cùng tình yêu, trách nhiệm của tất cả mọi người, họ đã trở lại với cuộc sống thường nhật trong niềm vui và hy vọng của mùa xuân mới!

Như một giấc mơ

Đó là cảm giác của nhiều người khi trở lại với cuộc sống “bình thường mới” với những lo toan cơm áo hàng ngày. Là một trong những người may mắn có mặt trên “chuyến tàu quê hương” đón công dân ở các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch vào ngày 8/10/2021, chị Phạm Thị Liên vẫn chưa quên khoảnh khắc tàu dừng tại ga Mỹ Đức (Lệ Thủy), nơi người thân đang đón đợi.

“Tôi đã nhiều lần về quê nhưng chuyến trở về này thật khó quên. Lúc đặt chân xuống ga Mỹ Đức, nhiều người đã khóc vì vui mừng và cảm động. Chúng tôi được mọi người đón, chăm sóc, chuẩn bị sẵn đồ ăn thức uống rồi xe đưa về tận nhà. Về quê an toàn, tôi mừng cho các con nhưng thương chồng đang một mình ở lại TP. Hồ Chí Minh nên sau khi các cháu quen với cuộc sống ở quê cùng ông bà, và dịch bệnh ổn định, tôi đã trở lại thành phố...", chị Liên chia sẻ.

"Cho đến ngày 22-1 (tức 20 tháng chạp) vừa rồi, tôi đã đón hai cháu lớn vào đi học, cháu bé vẫn tạm thời nhờ ông bà ở quê chăm lo để vợ chồng tôi tiếp tục đi làm tại công ty cũ ở Khu chế xuất Linh Trung. Hiện chúng tôi đã được tiêm 3 mũi vắc xin nên cơ bản yên tâm. Gia đình tôi rất cảm ơn tỉnh đã quan tâm giúp đỡ để vượt qua những ngày khó khăn. Hiện tại, vợ chồng đi làm, các cháu đi học bình thường, đôi khi tôi cứ nghĩ đây như là một giấc mơ!”, chị bộc bạch thêm.

Gia đình chị Phạm Thị Liên tại TP. Hồ Chí Minh tháng 2/2022
Gia đình chị Phạm Thị Liên tại TP. Hồ Chí Minh tháng 2/2022

Không chỉ riêng chị Liên mà rất nhiều về quê tránh dịch từ tháng 6 đến tháng 10/2021 cùng chung tâm trạng đó. Anh Nguyễn Thanh Bình, thôn 9, xã Xuân Trạch (Bố Trạch) cũng đã trở lại cuộc sống thường nhật tại TP. Nha Trang.

Là nhân viên bảo vệ, dù công việc vất vả nhưng nguồn thu nhập ổn định giúp anh có điều kiện chăm lo cho gia đình ở quê. Tháng 7/2021, cao điểm của dịch bệnh, công ty đóng cửa, anh Bình đã lựa chọn về quê. Cuối tháng 10/2021, khi Nghị quyết 128 mang lại những hiệu quả bước đầu, anh Bình đã trở lại TP. Nha Trang và làm công việc cũ.

Anh tâm sự: “Tôi cũng lo Tết này về quê chưa bảo đảm an toàn, phải cách ly mất nhiều thời gian, thế nhưng tỉnh mình đã kiểm soát dịch rất tốt và cũng tạo nhiều thuận lợi cho bà con nên tôi đã có một cái Tết vui vẻ bên gia đình. Ngày 12 tháng giêng tôi sẽ vào Nha Trang để làm việc...!”.

Những cơ hội mới

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, có khoảng 8.000 người trong độ tuổi lao động tại các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch.

Ngoài những khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, thì giải quyết việc làm cho số lao động này là một trong những yêu cầu cấp bách. Thực hiện chủ trương và các giải pháp của tỉnh, huyện, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã tuyển dụng và tạo kiện thuận lợi cho nguời lao động.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết ở xã Xuân Trạch (Bố Trạch) là một trong những người may mắn có việc làm ổn định tại quê nhà sau khi về quê tránh dịch. Chị Tuyết cho biết, hiện chị là công nhân Công ty cổ phần may Đại Thành đóng tại xã Trung Trạch (Bố Trạch). Hàng ngày, chị được công ty đưa đón đi làm. Nguồn thu nhập dù chưa cao như kỳ vọng nhưng đã giúp chị Tuyết yên tâm ở lại quê nhà.

 Không khí lao động sôi nổi tại Xí nghiệp may Hà Quảng.
Không khí lao động sôi nổi tại Xí nghiệp may Hà Quảng.

Từ tháng 10/2021 đến nay, Xí nghiệp may Hà Quảng đã tuyển dụng trên 100 lao động, bao gồm cả cán bộ quản lý và công nhân. Trong số này có nhiều người là lao động từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê tránh dịch. Sau những trăn trở, lo âu, họ đã tìm được bến đỗ bình yên.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại tỉnh cũng có thêm nhiều cơ hội tuyển dụng lao động lành nghề để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất. Dịch Covid-19 với những hậu quả nặng nề nhưng cũng đồng thời làm đổi thay suy nghĩ của nhiều người, mở ra những cơ hội mới để giải quyết bài toán thiếu nhân công cho các nhà máy tại địa phương, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất công nghiệp tỉnh nhà phát triển.

Hành trình mùa xuân

Sau chặng đường dài đầy cam go, đến thời điểm này, với chiến lược phòng, chống linh hoạt, hiệu quả, dịch Covid-19 trong toàn quốc nói chung, Quảng Bình nói riêng, đã được kiểm soát.

Mặc dù số bệnh nhân có thời điểm tăng cao nhưng hoàn toàn nằm trong dự đoán. Việc tiêm phủ vắc xin đã phát huy tác dụng khi hầu hết bệnh nhân đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; tỷ lệ tử vong 0,14% (tỷ lệ bình quân cả nước khoảng 1,7%) và các ca tử vong đều có bệnh nền nặng và tuổi cao.

Chị Võ Thị Hài là một trong hai sản phụ sinh con trên “chuyến tàu quê hương” đón đồng bào Quảng Bình về quê vào đầu tháng 10/2021. Khi chị Hài trở dạ, đoàn tàu đã dừng bánh tại tỉnh Quảng Ngãi. Bé gái Cao Quỳnh Ngọc chào đời tại Bệnh viện sản nhi Quảng Ngãi, nay vừa tròn 4 tháng tuổi, xinh xắn, khỏe mạnh và đáng yêu.

Con gái Cao Quỳnh Ngọc, công dân chào đời trên “chuyến tàu quê hương” con chị Võ Thị Hài và
Con gái Cao Quỳnh Ngọc, công dân chào đời trên “chuyến tàu quê hương”.

 

Nhắc lại chuyện cũ, chị Hài cảm động “Trong cái rủi có cái may, mẹ con em đã được rất nhiều người quan tâm chăm lo. Em rất vui khi hiện tại cuộc sống đã trở lại bình thường. Khi bé cứng cáp, em sẽ trở lại Đồng Nai để làm việc, em cảm ơn quê hương rất nhiều!...”.

Công tác điều trị được phân tầng khoa học, hợp lý, hệ thống y tế cơ sở đã góp phần tích cực trong việc theo dõi, điều trị tại nhà đối với các ca bệnh không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ... giảm áp lực đối với các bệnh viện và nâng cao hiệu quả điều trị. Đây là những yếu tố quan trọng để Quảng Bình tự tin trong trạng thái “bình thường mới”, quyết tâm thực hiện mục tiêu “phục hồi và phát triển” trong năm mới 2022.

Với trên 8.000 người trong độ tuổi lao động về quê tránh dịch, họ đã và đang có nhiều lựa chọn. Trở lại những vùng đất họ đã từng gắn bó, mưu sinh như anh Nguyễn Văn Bình và gia đình chị Phạm Thị Liên hay ở lại quê nhà như chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết... đều hứa hẹn những tín hiệu vui trong ngày “bình thường mới”.

“Xã Xuân Trạch (Bố Trạch) có gần 220 lao động trở về từ các tỉnh, thành phố phía Nam trong năm 2021. Đến thời điểm này, khoảng 70% lao động quay lại các công ty cũ để làm việc. Một số lao động khác cũng đã tìm được việc làm ổn định trên địa bàn huyện. Theo thông tin chúng tôi cập nhật, dự kiến đến cuối tháng giêng âm lịch, tất cả số lao động này sẽ trở lại làm việc bình thường. Niềm vui của bà con cũng là niềm vui của địa phương khi tất cả mọi người đều có việc làm ổn định sau đại dịch!”, chị Nguyễn Thị Hương, cán bộ văn hóa xã Xuân Trạch vui mừng chia sẻ.

Và quê hương, qua bao thăng trầm, vẫn luôn mạnh mẽ, dịu dàng, là điểm tựa bình yên của mỗi người trong những thời khắc khó khăn, đang bước trên hành trình mới với niềm tin và khát vọng của mùa xuân mới!

Ngọc Mai

 

tin liên quan

Cần xử lý rác thải phù hợp để sạch nhà, đẹp phố

(QBĐT) - Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, việc mua sắm nhiều vật dụng, hàng hóa phục vụ Tết đã khiến cho lượng rác thải tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Nhưng nhờ sự nỗ lực của đội ngũ nhân viên vệ sinh môi trường nên phố phường vẫn cơ bản giữ được vẻ sạch đẹp.

 

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

(QBĐT) - Vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh, vì vậy chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) luôn là mối quan tâm của nhiều người. Để bảo vệ người tiêu dùng, Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt quản lý ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022. 

Khơi nguồn sáng tạo ẩm thực Quảng Bình

(QBĐT) - Phạm Tuấn Hải được nhiều người biết đến trong giới ẩm thực Việt Nam và thế giới. Ông sinh ra ở Hà Nội, lập nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, bằng tình yêu, cái tâm với ẩm thực, ông đã chạm đến những thành công trong sự nghiệp và là tấm gương truyền cảm hứng trong cộng đồng. Lương duyên với mảnh đất Quảng Bình cũng từ ẩm thực, chính nơi đây, những khơi nguồn, sáng tạo về ẩm thực của ông được thăng hoa…