Vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện:

Sự "bứt phá" của xã miền núi

  • 07:45 | Thứ Năm, 20/01/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, Quảng Hợp (Quảng Trạch) là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, người dân phần lớn chưa hiểu rõ về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Thế nhưng, từ tháng 6/2021, cùng với việc xã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể đã có nhiều nỗ lực, đồng lòng trong công tác tuyên truyền chính sách BHXH. Nhờ vậy, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện thời gian qua ở xã Quảng Hợp đã có sự “bứt phá” ngoạn mục, trở thành điểm sáng của huyện…
 
Có lương hưu sẽ không phiền đến con cái
 
Vợ chồng anh Nguyễn Ánh Sáng và chị Trần Thị Hiếu ở thôn Thanh Xuân, xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) làm nông nghiệp. Nhờ được tham dự hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện do cơ quan BHXH huyện Quảng Trạch phối hợp với UBND xã Quảng Hợp tổ chức vào đầu năm 2021, vợ chồng anh Sáng đã hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện nên quyết định tham gia cho cả 2 người.
 
Anh Sáng chia sẻ: “Trước đây, tôi cứ nghĩ chỉ có người làm trong các cơ quan nhà nước, trong các công ty, doanh nghiệp mới được đóng bảo hiểm, được hưởng lương hưu. Nhưng không ngờ, những người nông dân, lao động tự do như vợ chồng tôi cũng được hưởng những quyền lợi đó nhờ vào chính sách BHXH tự nguyện. Sau này về già có lương hưu, được cấp thẻ BHYT, vợ chồng tôi sẽ bớt được gánh nặng cho con cháu, đặc biệt là lúc ốm đau”. Gia đình anh Sáng đã đóng BHXH tự nguyện 5 năm liên tục với mức đóng 700 nghìn đồng/tháng và được Nhà nước hỗ trợ 10% mức đóng hàng tháng.
 
Nhận thức được những lợi ích thiết thực của việc tham gia BHXH tự nguyện, gia đình chị Đàm Thị Hòa, thôn Hợp Hòa, xã Quảng Hợp cũng quyết định tham gia cho cả 2 vợ chồng. Chị Hòa tham gia với mức đóng 1 triệu đồng/tháng cho cả 2 vợ chồng và cũng được Nhà nước hỗ trợ 10% mức đóng hàng tháng.
 
“Hai vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp, trồng được rừng kinh tế nên cũng có nguồn thu nhập khá. Sau khi được tuyên truyền, tôi nhận thấy bây giờ 2 vợ chồng đều đang còn sức lao động, có nguồn thu nhập ổn định nhưng khi về già sợ ốm đau, không biết làm gì sống nên tôi đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Tham gia loại hình bảo hiểm này, tôi thấy mình không thiệt thòi gì, mỗi tháng bỏ ra một ít tiền để đóng khi về già an tâm hơn, không phụ thuộc con cái và lỡ có chuyện chẳng may cũng không làm khó gia đình”, chị Hòa cho biết.
 
BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm mà người tham gia lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là người từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Đóng BHXH tự nguyện, người tham gia sẽ được hưởng lương hưu, đồng thời, được trợ cấp mai táng và trợ cấp tử tuất theo quy định.
Lãnh đạo xã Quảng Hợp và anh Lê Văn Hùng, đại lý thu BHXH (ngồi giữa) bàn kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới.
Lãnh đạo xã Quảng Hợp và anh Lê Văn Hùng, đại lý thu BHXH (ngồi giữa) bàn kế hoạch phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới.

 Vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương

Ông Nguyễn Công Viên, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp cho biết, những năm qua, công tác tuyên truyền chính sách BHXH đã được địa phương chú trọng. Đặc biệt từ tháng 6/2021, Quảng Hợp được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, được đưa ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những hộ dân không thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã không còn được hỗ trợ thẻ BHYT…
 
Trước tình hình đó, Đảng ủy, UBND xã Quảng Hợp đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo tuyên truyền chính sách BHXH do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong xã. Ban có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH huyện thực hiện tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn xã hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT. Trước mắt, là tuyên truyền để người dân hiểu đến thời điểm tháng 6/2021, họ không còn được hỗ trợ BHYT nữa để chủ động tham gia, bảo đảm quyền lợi khi đi khám, chữa bệnh.
 
Cùng với đó, Ban chỉ đạo tuyên truyền chính sách BHXH xã Quảng Hợp phối hợp với BHXH huyện Quảng Trạch tổ chức các hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH ở các thôn trên địa bàn xã. Từ các hội nghị này, người dân đã hiểu được chính sách ưu việt của BHXH tự nguyện, tham gia ngày càng đông. Đến thời điểm này, xã Quảng Hợp có 296 người tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng địa phương cũng phát triển mới 77 người. Trong năm, BHXH huyện Quảng Trạch phối hợp với UBND xã tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH ở 6 thôn trên địa bàn xã, thu hút hàng trăm người tham gia.
 
Theo ông Nguyễn Công Viên, tham gia BHXH tự nguyện là nhu cầu chung của nhiều người dân địa phương, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về quy định liên quan đến loại hình bảo hiểm này. Vì thế, thời gian qua, sau các hội nghị tuyên truyền trực tiếp của ngành BHXH, Ban chỉ đạo tuyên truyền chính sách BHXH của xã phối hợp với các tổ chức đoàn thể, như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... và chỉ đạo các đại lý thu trên địa bàn tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bám sát địa bàn, đến từng nhà dân hướng dẫn cặn kẽ cho họ để thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia.
 
Ông Đoàn Quốc Tranh, Giám đốc BHXH huyện Quảng Trạch đánh giá: “Tuy là một xã miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2021 ở xã Quảng Hợp đã có sự “bứt phá” ngoạn mục, trở thành điểm sáng của huyện. Hiện, trên địa bàn xã Quảng Hợp có 4 đại lý thu BHXH đang hoạt động khá hiệu quả, thực sự là “cánh tay nối dài” của ngành BHXH trong việc tuyên truyền, đưa chính sách BHXH của Đảng và Nhà nước đến từng hộ dân”.
 
Anh Lê Văn Hùng, cán bộ phụ trách văn hóa-xã hội xã Quảng Hợp, cũng là một đại lý thu BHXH hoạt động rất hiệu quả ở xã chia sẻ: “Tôi nhận thấy chính sách BHXH tự nguyện của Đảng và Nhà nước là chính sách ưu việt, nhân văn, mang lại lợi ích lớn cho nông dân và lao động tự do. Sau khi được cơ quan BHXH huyện Quảng Trạch tập huấn, tôi đã tranh thủ những ngày nghỉ, đến từng nhà vận động, tuyên truyền để mọi người hiểu và yên tâm tham gia BHXH tự nguyện. Đối tượng tôi hướng đến là những người trẻ, có hiểu biết, có thu nhập ổn định tham gia BHXH tự nguyện để nhận lương hưu khi về già và nhận trợ cấp mai táng khi qua đời, giảm gánh nặng cho con cháu”.
 
Mức đóng BHXH tự nguyện tăng theo mức chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025:
 
Theo quy định về mức chuẩn hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng, khu vực thành thị tăng lên 2 triệu đồng/tháng, thì mức đóng BHXH tự nguyện cũng sẽ tăng kể từ ngày 1/1/2022.
 
Cụ thể, trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện sẽ đóng với mức thấp nhất là 330 nghìn đồng/người/tháng đối với trường hợp chưa có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Khi được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mức thấp nhất tham gia BHXH tự nguyện đối với hộ nghèo ở mức 231 nghìn đồng/người/tháng, hộ cận nghèo đóng mức 247,5 nghìn đồng/người/tháng, các đối tượng khác đóng mức 297 nghìn đồng/người/tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất là 6,556 triệu đồng/người/tháng.
 
Phan Phương
 
 

tin liên quan

Tổ chức chương trình "Tết sum vầy-Xuân bình an"

(QBĐT) - Tối 19/1, tại Công ty TNHH S&D Quảng Bình, Công đoàn Khu Kinh tế (KKT) tỉnh tổ chức chương trình "Tết sum vầy-Xuân bình an" cho đoàn viên công đoàn, người lao động (NLĐ) nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
 

Trao quà Tết cho người mù huyện Lệ Thủy

(QBĐT)- Ngày 19/1, Hội Người mù huyện Lệ Thủy phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện tổ chức trao quà Tết của các nhà hảo tâm cho hội viên người mù trên địa bàn.

Tăng cường công tác vận động kiều bào hướng về quê hương

(QBĐT) - Ngày 19/1, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh tổ chức tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.