Ý kiến của các sở, ban, ngành tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII

  • 08:06 | Thứ Năm, 09/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đã nêu những vấn đề cử tri quan tâm.

 Bảo đảm bình yên cho nhân dân vui xuân, đón Tết
 
Ông Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Công an tỉnh
                  
Năm 2021, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên thế giới, khu vực và trong nước đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội cũng như công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh. Bám sát chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, lực lượng Công an Quảng Bình đã chủ động, quyết liệt triển khai đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác bảo đảm ANTT, đấu tranh phòng, chống tội phạm; tích cực tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19, tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Càng gần đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, tình hình ANTT sẽ có những diễn biến phức tạp. Đây là thời điểm các loại tội phạm gia tăng hoạt động; tệ nạn xã hội sẽ phức tạp hơn. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.
Các đơn vị thuộc lực lượng Công an tỉnh ra quân trấn áp tội phạm (ảnh chụp thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát).
Các đơn vị thuộc lực lượng Công an tỉnh ra quân trấn áp tội phạm (ảnh chụp thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát).
Để bảo đảm ANTT, bình yên cho nhân dân vui xuân, đón Tết, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở đợt cao điểm truy quét, tấn công trấn áp tội phạm bắt đầu từ ngày 15-12-2021.
 
Theo đó, đơn vị huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác; tăng cường cán bộ, chiến sỹ (CBCS) về cơ sở, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, tham mưu, giải quyết hiệu quả những vấn đề nảy sinh ngay từ đầu.
 
Tập trung đấu tranh, trấn áp mạnh các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức theo ổ nhóm, kiểu “xã hội đen”, tội phạm về kinh tế, ma túy; ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... Tăng cường quản lý nhà nước về ANTT; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng, trật tự đô thị; phòng, chống cháy, nổ…
 
Đồng thời, cùng với việc tổ chức cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, lực lượng Công an tỉnh tích cực phối hợp với các cấp, ngành tham gia phòng, chống dịch Covid-19; kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm về quy định phòng, chống dịch. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bối cảnh dịch Covid-19, việc bảo đảm an toàn cho lực lượng là hết sức quan trọng.
 
Vì vậy, lãnh đạo Công an tỉnh đã quán triệt CBCS thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch trong mọi hoạt động; chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch trong Công an tỉnh và từng đơn vị; nâng cao năng lực y tế, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho CBCS, hạn chế tối đa lây nhiễm dịch Covid-19 trong lực lượng...
 
                                                                                      Bùi Thành (thực hiện)
 
Tập trung giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân
 
                                                                    Ông Lê Công Hữu, Chánh Thanh tra tỉnh
 
Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng trong tỉnh tiếp nhận trên 1.200 đơn thư khiếu nại, tố cáo (KN, TC), kiến nghị, phản ánh của công dân (so với năm 2020 giảm hơn 400 đơn), trong đó có 1.029 đơn đủ điều kiện xử lý (cụ thể có 163 đơn KN, 220 đơn TC và 646 phản ánh, kiến nghị).
 
Mặc dù trong điều kiện bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, nhưng với sự quan tâm điều hành của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng cả hệ thống chính trị, công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư công dân thuộc thẩm quyền được thực hiện kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng, kéo dài, vượt cấp.
 
Khi phát sinh những kiến nghị đông người, phức tạp, kéo dài, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương nhanh chóng thành lập các đoàn công tác, tổ công tác về cơ sở, tổ chức đối thoại với công dân, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết, xác minh những nội dung kiến nghị, KN, TC... từ đó ổn định tình hình ngay ở cơ sở.
Thanh tra tỉnh tham gia trong các phiên TCD của lãnh đạo tỉnh.
Thanh tra tỉnh tham gia trong các phiên TCD của lãnh đạo tỉnh.
Trong công tác tiếp công dân (TCD) tại trụ sở Thanh tra tỉnh, bộ phận TCD do một đồng chí Phó Chánh văn phòng trực tiếp phụ trách, luôn trực và TCD hàng ngày. Lãnh đạo Thanh tra tỉnh thường xuyên chỉ đạo các phòng nghiệp vụ nắm chắc tình hình KN, TC, kiến nghị, phản ánh của công dân để tập trung giải quyết những vụ việc phát sinh ngay cơ sở, đồng thời cử cán bộ tham gia tổ công tác của Bí thư Tỉnh ủy trong công tác rà soát, giải quyết đối với những vụ việc tồn đọng, kéo dài được dư luận xã hội quan tâm.
 
Năm 2021, Thanh tra tỉnh đã tiếp nhận 146 đơn thư KN, TC, kiến nghị, phản ánh của công dân (trong đó KN 21 đơn; TC 83 đơn; kiến nghị, phản ánh 41 đơn; vừa KN, vừa TC 1 đơn). Kết quả, chuyển các cơ quan có thẩm quyền, trả lại đơn, hướng dẫn cho công dân, lưu đơn nặc danh, mạo danh, sao chụp chữ ký, đơn trùng 146 đơn; tham mưu cho UBND tỉnh xử lý 37 đơn (TC 31 đơn, KN 3 đơn và kiến nghị, phản ánh 3 đơn).
 
Để công tác giải quyết đơn thư KN, TC, kiến nghị, phản ánh của công dân thực sự hiệu quả, đúng pháp luật và hợp lòng dân, thời gian tới, Thanh tra tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về TCD, giải quyết KN, TC; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền; tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, bảo đảm đúng quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân; tăng cường và có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện về TCD, giải quyết KN, TC, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác TCD, giải quyết KN, TC, chú trọng ở những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, không để tạo thành điểm nóng...
 
 T.Long (thực hiện)
                                                                                                                                        
Linh hoạt tổ chức dạy học, giữ ổn định chất lượng giáo dục
 
 Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT
 
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Song, với tinh thần chủ động, sáng tạo, các cơ sở giáo dục (CSGD) đã và đang triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt để ứng phó với dịch nhằm hoàn thành chương trình năm học 2021-2022 bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
 
Để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa thực hiện nhiệm vụ năm học, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ đạo các CSGD căn cứ vào cấp độ dịch theo từng địa bàn để có hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Hiện tại, giáo viên (GV), học sinh (HS) trên địa bàn tỉnh đã dần thích nghi với mô hình giáo dục trực tuyến. Các CSGD đã tập trung kinh phí mua sắm thiết bị, chuẩn bị phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện và nhu cầu dạy học như: Zoom, Google meet...
Các trường học đang tranh thủ thời gian “vàng” trong tổ chức dạy học trực tiếp.
Các trường học đang tranh thủ thời gian “vàng” trong tổ chức dạy học trực tiếp.
Nhiều đơn vị đã chủ động liên hệ với cơ sở cung ứng dịch vụ để được hỗ trợ miễn phí phần mềm quản lý dạy học trực tuyến như: K12Online, VNPTelearning, mSchool… chuẩn bị chu đáo về hạ tầng kỹ thuật để sẵn sàng chuyển hình thức dạy học trong trường hợp phải dừng đến trường. Hiện tại, toàn tỉnh có trên 85% HS có thiết bị học trực tuyến. Ngành cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm tạo điều kiện cho HS nghèo có thiết bị học tập trực tuyến.
 
Tranh thủ thời gian “vàng” trong học trực tiếp, các CSGD chọn lọc nội dung cơ bản, cốt lõi; tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức còn thiếu cho HS chưa học trực tuyến hoặc đã học trực tuyến, học qua truyền hình nhưng không tiếp thu đầy đủ nội dung nhằm phát triển đầy đủ những phẩm chất, kỹ năng cơ bản của HS.
 
Bên cạnh đó, ngành còn tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền cho cán bộ, GV, nhân viên và HS nêu cao ý thức trong phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện tốt quy định “5K”; cài đặt phần mềm sổ sức khỏe điện tử và khai báo y tế... Các trường học không tổ chức những hoạt động ngoại khóa tập trung đông người, bố trí thời khóa biểu, lịch học cho từng khối, lớp bảo đảm phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19.
 
Ngành GD-ĐT cũng phối chặt chẽ với ngành Y tế trong triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ, GV, nhân viên, HS và chủ động, sáng tạo trong thực hiện các phương án dạy học, quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm học 2021-2022 bảo đảm chất lượng gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
 
                                                                             Nh. V (thực hiện)
 
Tập trung hỗ trợ lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê
 
Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
 
Theo thống kê sơ bộ của các huyện, thị xã và thành phố, sau đợt dịch lần thứ 4, công dân Quảng Bình từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về quê khoảng trên 10.000 người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động hơn 7.000 người.
 
Trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm, thu nhập của người lao động (NLĐ) trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, việc lao động trở về địa phương đã tạo nên áp lực về giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Trước thực trạng trên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp quan trọng.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hỗ trợ tư vấn cho người lao động chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh hỗ trợ tư vấn cho người lao động chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Trước hết, các sở, ngành tập trung cùng với các địa phương rà soát, tổng hợp nắm chắc về số lượng, tình hình đời sống, nhu cầu về việc làm của NLĐ trở về từ vùng dịch (chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam) để chủ động xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời cho NLĐ về đời sống, việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp. Đặc biệt, thông qua nhiều nguồn lực hỗ trợ khác nhau, tỉnh và các địa phương cũng đã kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ bà con từ các tỉnh phía Nam trở về quê phòng, chống dịch và bước đầu ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm.
 
Cùng với đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn NLĐ từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội của Chính phủ theo tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 116/NQ-CP và Nghị quyết 126/NQ-CP về hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đồng thời, hỗ trợ NLĐ thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chính sách về đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn giải quyết việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…
 
Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kết nối, giới thiệu việc làm nhằm giúp NLĐ sớm tìm kiếm được việc làm phù hợp. Cụ thể, sở giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiến hành khảo sát, trong tổng số 7.128 người trong độ tuổi lao động trở về từ các tỉnh phía Nam có 3.261 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới.
 
Căn cứ số lượng lao động đăng ký nhu cầu tìm kiếm việc làm, trung tâm phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hội nghị, phiên giao dịch việc làm với nhiều hình thức khác nhau để tuyên truyền các chính sách về lao động-việc làm và tư vấn, giới thiệu việc làm đến với gần 4.000 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về.
 
Thùy Lâm (thực hiện)
 
Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
 
Ông Phan Phong Phú, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
 
Là cơ quan tham mưu UBND tỉnh tổng hợp tình hình thực hiện vốn đầu tư công (ĐTC), ngay từ đầu năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã tham mưu giao các nguồn vốn để các chủ đầu tư (CĐT) chủ động thực hiện và giải ngân các nguồn vốn từ sớm, tổ chức hội nghị chuyên đề bàn các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân; tham mưu UBND tỉnh và trực tiếp ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương, CĐT tập trung thực hiện.
 
Sở KH-ĐT cũng đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt, hướng dẫn, thực hiện nhiều biện pháp, như: Kiểm tra thực tế, giám sát đánh giá đầu tư, tổ chức họp liên ngành, làm việc với các CĐT có dự án (DA) giải ngân thấp... để nắm bắt tình hình thực hiện, những khó khăn vướng mắc, cùng trao đổi để đưa ra giải pháp tháo gỡ cho từng DA; tham mưu UBND tỉnh có các văn bản chỉ đạo cụ thể cho từng CĐT, có các giải pháp bảo đảm tính khả thi để giải ngân cao nhất số vốn được giao trong năm 2021.
Công trình khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Phú Vinh, đoạn qua phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Công trình khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Phú Vinh, đoạn qua phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tình hình thực hiện và giải ngân vốn ĐTC đã có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC năm 2021 vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra.
 
Cụ thể, do dịch Covid-19 nên việc huy động nhân công và công tác tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị... để thi công các DA gặp rất nhiều khó khăn; giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt là giá sắt thép tăng 30-40% so cùng kỳ năm trước; các dự án ODA phải thực hiện nhiều thủ tục để trình bộ, ngành Trung ương, nhà tài trợ; một số DA gặp vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, địa hình, địa chất cần phải xử lý; một số DA khởi công mới năm 2021 nguồn vốn ngân sách Trung ương đến cuối tháng 9-2021 mới giao vốn... nên chậm thực hiện và giải ngân.
 
Bên cạnh đó, công tác tổ chức triển khai thực hiện tại một số sở, ban, ngành, địa phương và CĐT còn bất cập; công tác lập kế hoạch thực hiện và giải ngân của DA chưa được quan tâm đúng mức; chưa có tiến độ chi tiết, chưa hình dung được các khó khăn, vướng mắc nên lúng túng khi xử lý; một số CĐT chưa tích cực thực hiện các thủ tục đầu tư, đôn đốc nhà thầu triển khai thi công, chậm thực hiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán, quyết toán. Tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần, chủ yếu thực hiện khi có khối lượng lớn, nên xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm làm chậm tiến độ giải ngân kế hoạch vốn.
 
Trước thực tế đó, để đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn ĐTC, nâng cao hiệu quả nguồn vốn, thời gian vừa qua, Sở KH-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác của UBND tỉnh về thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC trên địa bàn tỉnh do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân các DA trọng điểm trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, điều chuyển vốn ĐTC từ các ngành, đơn vị, địa phương và từng DA giải ngân chậm sang các DA có khả năng thực hiện và giải ngân tốt; tham mưu để tập trung giải quyết tốt các vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các DA trọng điểm của tỉnh.
 
Đồng thời, sở đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các CĐT tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định, thất thoát, lãng phí; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả thực hiện và giải ngân vốn ĐTC...
 
Trong thời gian còn lại của năm 2021, Sở KH-ĐT tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước và các cơ quan, đơn vị, các CĐT sâu sát, nắm chắc tình hình giải ngân của từng nguồn vốn, từng DA, tập trung kiểm tra thực tế tình hình triển khai và giải ngân các DA trọng điểm, các DA có tỷ lệ giải ngân thấp để tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có biện pháp xử lý và tổng hợp, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của năm 2021, phấn đấu giải ngân hết số vốn được giao năm 2021.
 
A.Tuấn (thực hiện)
 

tin liên quan

Nỗ lực giúp đỡ người cao tuổi

(QBĐT) - Thực hiện Dự án VIE071 "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi (NCT) Việt Nam", thông qua mô hình câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau đã góp phần gắn kết các thế hệ, thu hẹp khoảng cách về sự khác biệt tuổi tác.

Chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật

(QBĐT) - Ngày 8-12, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 2719/UBND-NCVX về việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật.

Quảng Bình xuất sắc giành 6/6 giải tại tuần 8 cuộc thi trắc nghiệm về phòng chống dịch Covid-19

(QBĐT) - Tuần thi thứ 8 của cuộc thi trắc nghiệm "Chung tay phòng, chống dịch Covid-19" trên mạng xã hội VCNet diễn ra từ 10 giờ ngày 1-12 đến 9 giờ ngày 8-12.