Pho sử sống giữa đại ngàn Trường Sơn

  • 13:57 | Thứ Sáu, 03/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Công tác tại núi rừng biên giới Lâm Thủy (Lệ Thủy) đã 3 năm và được tiếp xúc với khá nhiều dân bản. Đi đâu tôi cũng nghe bà con Bru-Vân Kiều nhắc đến già làng Hoàng Bảo ở bản Xà Khía. Họ tự hào về người con của núi rừng đã làm được nhiều  việc để mang niềm vui cho bản làng. Còn già làng Hoàng Bảo lại luôn tâm niệm, người Vân Kiều có được đời sống như ngày hôm nay là nhờ ơn của Đảng và Bác Hồ. Cái bụng bà con nghĩ thế nào là cái tay, cái chân làm thế đó. Già muốn con cháu được học hành đầy đủ, rừng sẽ lên xanh, những con khỉ, con mang, con hươu về lại rừng như trước đây.
 
Con ong rừng cần mẫn
 
Năm nay, già làng Hoàng Bảo đã qua tuổi 80. Nhiều người ví ông như con ong rừng bởi lẽ mỗi ngày ông dậy từ 4 giờ sáng, sau đó cầm gậy đi ra suối rừng ở Khe Vàng, bản Xà Khía. Ông đã ra đó hơn 20 năm nay để làm một việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng khó ai làm được. Đó là chống lại các cây bị gãy, đổ hoặc “xua” người lạ đến săn bắn thú rừng và dùng điện bắt cá. Là một già làng, ông gương mẫu trong lối sống và tỉ mẫn trong từng công việc để dạy dỗ con cháu trong dòng họ và dân bản.
 
Sinh ra tại núi rừng Lâm Thủy, tuổi nhỏ làm bạn với con hươu, con nai, già làng Hoàng Bảo đã ý thức rất sớm việc bảo vệ rừng. Ông quan niệm rừng là nhà. Rừng mất là nhà không còn. Vì thế, ông cố gắng học hỏi cách trồng cây, bảo vệ bằng được những cánh rừng ở bản và tại xã biên giới Lâm Thủy.
 
Với uy tín của mình, ông đã vận động bà con bỏ tập tục du canh du cư, học trồng lúa nước, nuôi lợn gà như người dưới xuôi để cải thiện đời sống. Già làng Hoàng Bảo cũng là người tiên phong trong việc xóa bỏ những tập tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Già làng Hoàng Bảo và tác giả.
Già làng Hoàng Bảo và tác giả.
Trưởng thành từ đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, hiểu cặn kẽ đời sống đồng bào Bru-Vân Kiều, ông đã dùng sự hiểu biết của mình để điều hanh, phân xử những cái đúng, cái chưa phù hợp trong dòng họ, ở bản làng. Vì thế, trong nhiều năm qua, ông góp phần giúp bản Xà Khía, xã Lâm Thủy xây dựng thành công bản nông thôn mới đầu tiên ở Lệ Thủy. Dưới bóng cây rì rì xanh ngút của con suối sau lưng nhà, già làng thực sự là một con ong cần mẫn hàng ngày tiếp sức và mang lại niềm vui cho núi rừng…
 
Những tấm bằng khen, giấy khen của các cấp tặng thưởng trong suốt hàng chục năm qua được ông bao bọc cẩn thận. Ông nói, đó là kỷ niệm và báu vật để lại cho cho cháu con. Tiền bạc thì không có, sức khỏe ngày càng sa sút, hơn 40 năm cống hiến cho cách mạng rồi giờ sống làm sao cho xứng đáng với năm tháng đã qua là điều ông tiếp tục phấn đấu.
 
Hàng ngày, ông thường xuyên nghe đài, xem tivi và đọc Báo Quảng Bình để nắm bắt tình hình kinh tế, chính trị đang diễn ra. Khi được hỏi vì sao già làm được điều đó, ông nói: “Già từng này tuổi mà làm được thế này để nói với con cháu, thanh niên trong bản, bà con dù già hay trẻ phải luôn tự học, không ngừng cố gắng nâng cao nhận thức. Mong muốn của già là góp phần nhỏ bé để bản Xà Khía thành bản kiểu mẫu, học sinh của bản nhiều cháu là học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.”
 
Lưu giữ vốn quý Bru-Vân Kiều
 
Bí mật của già làng Hoàng Bảo được hé mở khi chúng tôi được biết, ông là cán bộ mẫn cán của bản làng với 10 năm làm Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy. Trước đó, ông làm Bí thư Xã đoàn, Trưởng Công an xã. Vốn là Huyện ủy viên từ năm 1987 đến năm 1997 nên ông thường xuyên được đi dự hội nghị, học tập các lớp lý luận chính trị.
 
Từ đó, già làng tích lũy nhiều vốn liếng quý giá về công tác Mặt trận, xây dựng khối đại đoàn kết, giữ gìn tuyệt đối chủ quyền an ninh biên giới. Xuất phát từ thực tiễn, ông đã vận động con cháu đến Công an xã giao nộp dụng cụ đánh bắt cá bằng điện. Ông là người đi đầu trong việc dặn dò, tuyên truyền tác hại của hôn nhân cận huyết, bỏ tục lệ “bỏ của”, chấm dứt việc hôn nhân trước tuổi của thanh niên trong bản Xà Khía.
 
Với học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy, ông thường xuyên gặp mặt Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo trao đổi về việc tăng cường giữ gìn tiếng Bru-Vân Kiều cho lớp trẻ. Ông dạy cho các thầy, cô giáo và học sinh tiếng Vân Kiều cổ, các phong tục tập quán tốt đẹp của bà con cần gìn giữ. Theo ông, điều cốt yếu nhất bây giờ là duy trì bằng được văn hóa cồng chiêng và việc mặc xấn (váy) với phụ nữ.
 
Vì vậy, ông động viên bà con và học sinh duy trì văn hóa cội nguồn này. Với các thầy cô, ông dặn phải có thật nhiều cái tiếng đồng bào để biết tấm bụng của dân bản: “Nào các thầy cô, đây là ngôi trường, chúng ta đọc là “đung riên”, bà con dân bản đọc là “Kuai tầng Vil”, con đường đọc là “Rana”…Cứ thế, hình thức truyền dạy mưa lâu thấm dần trong xây dựng trục liên tưởng thú vị: Con vịt (atia), con trâu (tàriệk), cuốn sách (chơấy), mở sách (pớq chơấy), cuốn sách màu đỏ (chơấy ểng kù xaou), mặt trăng (liêng), cánh rừng (xàrưng), ăn cơm (chaq đôi), uống nước (nguãi đỡq)... được già làng Hoàng Bảo chỉ dạy rất tâm huyết và tận tụy. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào Bru-Vân Kiều được ông đặc biệt chú ý trong cách đi đứng, lên xuống cầu thang nhà sàn.
 
Đặc biệt, góc thờ cúng của gia đình với những vật tượng trưng cho ông bà tổ tiên được già làng tự tay làm để đến khi hội bản, cúng dòng họ. Hiện tại, cùng với các già làng trên biên giới Lâm Thủy như: Hồ Tình, Hồ Mưa, ông Hoàng Bảo thực sự pho sử sống, lưu giữ những vốn quý đồng bào Bru-Vân Kiều. Họ là những “túi khôn” có nhiều kinh nghiệm sản xuất, tín ngưỡng, luật tục, tiếng nói, cần được lưu giữ. Đó là nguồn sữa nuôi dưỡng văn hóa cội nguồn, tạo ra những “kháng thể” chống lại sự “xâm lăng” của những thứ văn hóa ngoại lai thiếu lành mạnh. 
 
Đến với Lâm Thủy trong những ngày đầu đông này, hình ảnh đẹp lưu trong tâm trí chúng tôi là già làng Hoàng Bảo ngồi bên bếp lửa kể cho con cháu nghe chuyện người Bru-Vân Kiều hồn hậu, chân chất trên những đỉnh núi xa thẳm...
 
Hình như tôi, còn nghe đâu đó tiếng cồng chiêng vang vang trong những bước chân ở ngày hội mừng lúa mới với tiếng nhạc dập dìu: “Người Vân Kiều tấm lòng trong trắng/Như cánh hoa, xinh đẹp giữa rừng/Bão tố cây rung mà lòng không lay/Trong gian khó, vẫn lớn lên như khóm măng rừng/Giữ đất buôn làng giữ bầu trời xanh”.
 
Trong lần gặp mặt các già làng và trưởng bản ở Lâm Thủy năm 2019, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy đã biểu dương: “Già làng Hoàng Bảo là đảng viên gương mẫu, uy tín cao. Ông là cán bộ có năng lực và nhiều sáng tạo, tâm huyết với bản làng, thực sự là tấm gương về đại đoàn kết của đồng bào Bru-Vân Kiều”.

Ngô Mậu Tình

tin liên quan

"Ánh sáng vùng biên" về với bà con Vân Kiều

(QBĐT) - Từ ngày 27 đến 29-12, Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP tỉnh Quảng Bình và chính quyền xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cùng với Hội thiện nguyện "Từ bi hỷ xả" tiếp tục mang hệ thống đường điện "Ánh sáng vùng biên" về với bản Hôi Rấy, bản Nước Đắng.

Prudential Việt Nam: Ghi dấu 22 năm hành động vì sự phát triển bền vững của cộng đồng

Năm 2021 là cột mốc đánh dấu chặng đường 22 năm Prudential đồng hành cùng người dân Việt Nam. Hơn hai thập kỷ qua, Prudential không chỉ mang đến những giải pháp bảo vệ tài chính cho hàng triệu gia đình Việt, mà còn ghi dấu bởi những đóng góp ý nghĩa vì sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân tử vong do tai nạn giao thông

(QBĐT) - Thực hiện kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia về tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT)" năm 2021, trong các ngày 27 và 28-11-2021, Ban ATGT các cấp đã thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người thân bị tử vong do TNGT trên địa bàn tỉnh.