Chuyện kể bên dòng Đại Giang…

  • 14:07 | Thứ Sáu, 10/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đồng Tư-mảnh làng đã hình thành vài trăm năm nay nằm nép mình bên dòng Đại Giang thuộc xã Hiền Ninh (Quảng Ninh). Làng được bao quanh bốn bề sông nước, bởi vậy, bao đời nay, những cư dân sinh sống ở làng đều ám ảnh nỗi lo lớn là sống chung, đối phó với thiên tai như thế nào mỗi khi mùa mưa bão đến. Phải chăng vì thế ý thức trách nhiệm, tình đoàn kết, tình người nơi đây vẫn luôn thấm đượm…
 
Từ ý thức chủ động phòng, chống thiên tai...
 
Chúng tôi tìm về làng Đồng Tư trong những ngày cuối năm, con đường phía trước làng đang thi công dở dang nên rất khó đi, hai bên đường vẫn còn lưu những lớp bùn non sót lại của các đợt mưa lũ vừa qua. Đã hẹn trước với Trưởng thôn Đồng Tư Phạm Xuân Phương, sau chén trà "chào hỏi", những câu chuyện được kể từ quá khứ-hôm nay ở Đồng Tư khiến chúng tôi cảm thấy tự hào…
 
Làng Đồng Tư có hơn 300 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Nằm ở vị trí địa lý thấp trũng, hơn nữa, lại được bao bọc bốn bề là sông nước, nên  khi có mưa lớn, làng lại mênh mông nước. Mỗi năm làng ít nhất đón 1-2 đợt lụt, năm vừa rồi, cũng có một đợt lụt nhỏ ảnh hưởng. Lụt thấp nhất, nước vào nhà, ngập khoảng 20-30cm, còn lớn nhất là trận “đại hồng thủy” năm 2020, có nhà nước gần chạm nóc.
 
Ông Phạm Xuân Phương chia sẻ: “Lũ lụt như là "đặc sản" của làng Đồng Tư rồi!Cứ có mưa lớn, nghe áp thấp nhiệt đới, dân làng lại gọi nhau soạn lụt, đồ đạc trong nhà được kê lên cao; gia súc lại phải lùa lên các xã có địa thế cao hơn để tránh lũ. Bởi quen và ý thức được việc sống chung với lũ lụt, vì vậy, trận “đại hồng thủy” năm 2020, dù làng ngập chìm trong biển nước, nhưng cơ bản không có thiệt hại gì đáng kể…”.
 
Trong câu chuyện này, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Tư Lê Ngọc Linh giãi bày, ở đây, có lẽ ký ức chạy lụt cứ ám ảnh người dân, do vậy, dù khó khăn, người dân cũng phải đi vay mượn tiền để nâng nền nhà cao, nhà ai trong làng cũng phải làm gác mái để mỗi khi lũ về, có nơi mà tránh…
Làng Đồng Tư phía xa, nằm bên dòng Đại Giang.
Làng Đồng Tư phía xa, nằm bên dòng Đại Giang.
“Làng chủ yếu dựa nông nghiệp, cây hoa màu như ngô, lạc là chủ lực, nhưng trước khi trồng cũng phải cân đo, đong đếm làm sao để kịp thu hoạch trước khi lũ lụt về, không lại trắng tay. Ở đây, ý thức phòng chống thiên tai và chủ động các phương án di dời người, tài sản khi lũ lụt đã trở thành thói quen của người dân từ bao đời nay rồi”, ông Linh cho biết.
 
Bàn chuyện ý thức chủ động phòng, chống thiên tai của làng Đồng Tư, ông Trần Văn Lai, Chủ tịch UBND xã Hiền Ninh chia sẻ: Đồng Tư là làng thấp trũng của địa phương nên mỗi khi đến mùa mưa lũ, người dân gặp rất nhiều khó khăn. Câu chuyện sống chung với lũ lụt ở làng Đồng Tư từ bao đời nay đã trở thành thói quen. Với họ, lũ lụt cũng đem lại những lợi ích riêng như phù sa màu mỡ để phát triển sản xuất.
 
Cũng theo ông Lai, giải pháp lâu dài cho làng lụt Đồng Tư là chính quyền địa phương động viên, khuyến khích bà con sửa sang lại nhà cửa, nâng nền nhà lên cao, gia đình nào có điều kiện thì xây nhà cao tầng. Ngoài ra, địa phương cũng tranh thủ mọi nguồn lực, dự án để đầu tư làm đường tránh lũ, xây cầu vượt lũ nhằm giúp bà con chủ động, ổn định cuộc sống hơn.
 
…đến con đường của lòng dân
 
Theo nguyện vọng cấp thiết của nhân dân, chính quyền xã Hiền Ninh đã làm tờ trình xin tỉnh một con đường tránh lũ, có quy mô và tầm vóc với tổng chiều dài khoảng 1.200m, mặt đường rộng 6,5m, vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng. Nhưng, để hình thành được con đường tránh lũ này, là cả một quá trình vận động, tuyên truyền cam go, đầy thách thức từ chính quyền và người dân.
 
Dẫn chúng tôi đi trên con đường đang được xây dựng, nâng cấp, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Tư Lê Ngọc Linh quả quyết: “Chuyện không tưởng chú ạ! Những tưởng con đường chỉ là ước mơ của người dân, nhưng rồi vẫn thực hiện được. Bao nhiêu cuộc đối thoại, gặp gỡ, họp dân mới hình thành được con đường tránh lũ mơ ước này…!”.
Con đường tránh lũ của làng Đồng Tư sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay.
Con đường tránh lũ của làng Đồng Tư sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay.
Cái không tưởng mà theo như Bí thư Chi bộ thôn Đồng Tư, đó là, đoạn đường tránh lũ đi qua khu dân cư làng không đủ bề rộng theo thiết kế, hơn nữa, đây là con đường trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, vì vậy, người dân sẽ không được đền bù giải phóng mặt bằng. Trước thực tế đó, một số hộ dân bị giải tỏa hàng rào, đất đai không chịu bàn giao mặt bằng. Có những lúc bất lực, làng xin đề nghị chỉ đổ bể tông trên nền đường cũ, không giải phóng mặt bằng nữa.
 
Nhưng rồi, kiên trì tuyên truyền, vận động, suy nghĩ của người dân cũng đã "thông thoáng" hơn. 25 hộ dân đã tự nguyện hiến 450m tường rào, gần 700m2 đất ở và hàng chục cây trồng lâu năm, các công trình phụ trợ, tháo dỡ hàng quán kết hợp nhà ở sinh hoạt tạm thời để thi công con đường.
 
Ông Võ Văn Thế (SN 1955), một trong những hộ tự nguyện hiến đất, tường rào để làm con đường tránh lũ chia sẻ với chúng tôi rằng: “Ban đầu, gia đình tôi cũng không đồng ý, vì nhà tôi xây dựng đã lâu, lại thấp hơn đường mới thiết kế. Rồi, sau khi giải tỏa làm đường, gia đình tôi cũng chẳng còn lại được bao nhiêu đất, đất lại ăn sâu vào nhà, không được đền bù. Vậy nên không thông. Nhưng, được vận động tôi mới hiểu, vì vậy, gia đình đã hiến 35m tường rào và hơn 1,5m đất ở chiều ngang…”.
 
Chúng tôi ấn tượng với gia đình ông Bùi Ánh Ninh (SN 1949) cùng các con Bùi Ánh Tình (SN 1977), Bùi Ánh Bình (SN 1973) đã hiến gần 100m tường rào và hơn 100m2 đất. Gia đình ông Ninh còn phải phá cả bàn thờ trời của gia đình để hiến đất làm đường tránh lũ.
 
Ông Ninh bảo với chúng tôi “Bây giờ hoặc không bao giờ nữa, tất cả vì tương lai cho các thế hệ sau, việc làm đường tránh lũ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, sản xuất thuận lợi, nhất là trong mùa mưa lũ...”.
 
Rảo bước chân trên con đường tránh lũ sắp được hoàn thiện, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Tư chia sẻ với chúng tôi: “Ở làng Đồng Tư, mỗi hộ dân tự nguyện hiến đất sẽ được hỗ trợ 600.000 đồng để xây dựng lại 1m tường rào. Kinh phí đó chủ yếu là từ nguồn đóng góp của người dân trong làng (mỗi khẩu 250.000 đồng) và hơn 100 triệu là tiền của những người con xa quê hỗ trợ. Đó là tình cảm quý báu, nghĩa tình quê hương, để hình thành nên con đường của lòng dân này…”.
 
Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Hiền Ninh cho biết: “Để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, địa phương đã cùng làng Đồng Tư tuyên truyền, vận động các hộ dân hiến đất, hiến tài sản, giải phóng mặt bằng. Ban đầu, còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, sau một thời gian vận động, các hộ dân đã hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm chiến lược của việc xây dựng con đường tránh lũ, quyền lợi của mình, nên đã tự nguyện tháo dỡ hàng quán, đập phá tường rào, hiến đất cho dự án được thi công thuận lợi...”.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Ý kiến của các sở, ban, ngành tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026

(QBĐT) - Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đã nêu những vấn đề cử tri quan tâm.

Đừng nặng nề!

(QBĐT) - Vừa đi làm về, bước vào cửa, chị H. đã nghe tiếng cu P. khóc bù lu bù loa, còn bà nội P. hậm hực, quát rõ to:

Nhận BHXH một lần: Gỡ khó trước mắt, thiệt hại lâu dài

(QBĐT) - Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động dẫn đến người lao động (NLĐ) mất việc làm. Vì điều kiện gia đình khó khăn, một số người lao động đã lựa chọn nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, với lựa chọn này, NLĐ tạm thời gỡ khó được trước mắt nhưng sẽ thiệt hại về lâu dài.