Dịch giã đi qua, tình người đọng lại
(QBĐT) - Ai đó nói, trong lúc dịch giã "ở yên tại nhà" cũng là một cách chống dịch, nhưng "ở yên" mà vẫn chìa tay giúp người lúc khốn khó mới thật đáng quý. Dịch giã rồi sẽ qua đi nhưng đọng lại là tình người, là nghĩa đồng bào trong lúc gian khó...
Những ngày dịch giã phức tạp, bên cạnh sự chấp hành, tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, người dân xã Quảng Lộc (TX. Ba Đồn) luôn tích cực tham gia các hoạt động, chung tay cùng các cấp chính quyền nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.
Nghĩa đồng bào lúc gian khó
Cuối tháng 8-2021, dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp các địa phương trong toàn tỉnh. TX. Ba Đồn lúc này đang là "vùng xanh", nhưng áp lực chống dịch ngày càng tăng. Các khu cách ly tập trung (CLTT) của thị xã đều vượt "công suất" với hàng trăm F1. Ngay sau đó, khu CLTT cấp xã ở Quảng Lộc được kích hoạt nhằm "giảm tải".
Trong dịch giã khó khăn, để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của khu cách ly là một vấn đề không hề đơn giản, nhất là Quảng Lộc, địa phương còn nhiều khó khăn với hơn 70% dân số là đồng bào công giáo. Nhưng với tinh thần “chia lửa” cùng tuyến đầu chống dịch, hàng trăm người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã có nhiều hoạt động ý nghĩa thiết thực.
Người có tiền cho tiền, hay đơn giản chỉ là cân gạo, bó rau cho những bếp ăn nấu cơm miễn phí hỗ trợ lực lượng kiểm soát dịch ở các chốt, đồng bào trong khu cách ly... Những đóng góp dù nhiều, dù ít, nhưng chẳng ai muốn đứng ngoài cuộc chiến với dịch Covid-19.
San sẻ với những khó khăn của đồng bào đang thực hiện cách ly, linh mục Phạm Thành Luân và bà con giáo xứ Vĩnh Phước đã quyên góp kinh phí nấu cơm miễn phí mỗi ngày gần 100 suất cho khu cách ly ở Trường mầm non Quảng Lộc. Ngay từ sáng sớm, bà con trong giáo xứ đã tất bật chia nhau đi chợ, nấu nướng, chuẩn bị những suất cơm chu đáo, nghĩa tình gửi cho đồng bào và các lực lượng làm nhiệm vụ trong khu cách ly.
Chị Nguyễn Thị Hồng, giáo xứ Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc chia sẻ, chống dịch là việc chung của toàn xã hội. Của ít lòng nhiều, hy vọng mỗi người cần góp sức một ít để chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Trước đó, linh mục Phạm Thành Luân và bà con giáo xứ Vĩnh Phước cũng đã chuẩn bị 260 suất ăn cho người dân và cán bộ làm nhiệm vụ ở 2 khu CLTT của TX. Ba Đồn.
Kinh tế gia đình cũng chỉ thuộc diện "đủ ăn", thế nhưng anh Nguyễn Xuân Việt, thôn Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc vẫn đăng ký 1 ngày nấu cơm phục vụ khu cách ly của xã. Anh Việt chia sẻ, mình có khó cũng không bằng bà con kẹt lại ở miền Nam mấy tháng trời được, mình mệt cũng không bằng lực lượng chức năng chống dịch được. Vậy nên, cố gắng trong điều kiện có thể, dù ít dù nhiều cũng là tấm lòng giúp nhau lúc khốn khó.
Tình người đọng lại
Ông Đinh Xuân Thùy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Quảng Lộc cho biết, hiện tại khu cách ly của xã còn hơn 20 người, là con em từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê đợt vừa rồi. Để hỗ trợ nhu cầu ăn uống của người dân và lực lượng làm nhiệm vụ tại đây, ngoài các tổ chức đoàn thể, trường học trên địa bàn thì có rất nhiều cá nhân, gia đình đăng ký nấu cơm miễn phí. Người có điều kiện thì nấu một ngày, không thì nấu 1 bữa hoặc góp thêm gạo, rau củ, mắm muối cho người khác nấu...
Bà Nguyễn Thị Cúc (SN 1965), thôn Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc là một trong những người may mắn đáp "chuyến tàu yêu thương" được tỉnh Quảng Bình tổ chức đón về quê. Con gái ở Xuân Lộc, Đồng Nai mang bầu khó, bà Cúc vào chăm và bị kẹt lại 5 tháng nay.
Những tưởng vào Nam đỡ đần được cho con ai dè dịch bùng phát, nhà gánh thêm miệng ăn trong lúc hai vợ chồng con làm công nhân mất việc vì dịch.Về quê, bà cảm thấy nhẹ người hẳn. Bà Cúc chia sẻ: "Ở khu cách ly vệ sinh sạch sẽ, mỗi lần đến giờ cơm lại được nghe của người này, người kia trong xã hỗ trợ thì cảm động lắm. Thiệt không đâu bằng quê mình."
Ở khu cách ly nhưng với chị Hoàng Thị Loan (SN 2000), thôn Vĩnh Phước, xã Quảng Lộc thì đây có lẽ là quãng thời gian nhẹ nhàng nhất với một bà bầu tháng thứ 8. Trong khu cách ly, ngoài cơm nước chu đáo từng bữa, chị được nhân viên y tế thăm khám, hỏi han sức khỏe mỗi ngày. Chị Loan tâm sự: "Về quê, thoát khỏi sự ngột ngạt, lo sợ dịch bệnh đã thấy mái hẳn rồi, lại còn được bà con lối xóm chia sẻ từng bữa cơm mỗi ngày, ấm lòng lắm anh ạ...".
Trong cuộc chiến với dịch Covid-19, bên cạnh sự quyết liệt của lực lượng tuyến đầu như: Y tế, công an, quân sự... thì sự tham gia, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Họ chính là những "chiến sỹ" chống dịch trong "pháo đài" xã, phường. Và khi mỗi người dân là một "chiến sỹ" sẽ phát huy sức mạnh tổng lực để đẩy lùi dịch bệnh.
Trong gần 2 tháng dịch bùng phát, người dân Quảng Lộc đã quyên góp được gần 150 triệu đồng tiền mặt, nhiều tấn nhu yếu phẩm và hỗ trợ gần 800 suất ăn cho đồng bào, lực lượng làm nhiệm vụ tại các khu cách ly. |
X.Phú