Người đàn ông tàn tật và chiếc máy khử khuẩn bằng công nghệ tia UV

  • 09:01 | Thứ Năm, 23/09/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đam mê, sáng tạo, khát khao được cống hiến, khám phá ngành điện tử, để ứng dụng vào thực tiễn, người đàn ông tàn tật-Nguyễn Xuân Hồng (SN 1982), ở thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch) đã không ngần ngại bỏ công sức, tiền của, ngày ngày cần cù, tỉ mẫn, nghiên cứu, chế tạo máy khử khuẩn bằng công nghệ tia UV, với mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình, chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
 
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất nghèo ven sông Gianh, tuổi thơ của anh Nguyễn Xuân Hồng luôn gắn bó với ngọn đèn dầu, nên anh nhận thức được tầm quan trọng của ngành điện, điện tử đối với cuộc sống. Đó chính là lý do mà khi trưởng thành, anh Hồng luôn đam mê, ao ước được tiếp cận với công nghệ hiện đại, khám phá ngành điện tử, cố gắng, phấn đấu để trở thành người thợ điện tử giỏi, đóng góp sức lực nhỏ bé của mình phục vụ quê hương.
 
Anh Hồng chia sẻ: “Từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đam mê nghề điện tử rồi, ngoài việc học tôi còn tranh thủ thời gian tìm hiểu, sửa chữa giúp các bạn những vật dụng như: radio, cát-sét, đồng hồ...Sau khi tốt nghiệp cấp THPT, tôi trình bày với bố mẹ, xin đi học nghề, mặc dù gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết tâm theo đuổi việc học và đã tốt nghiệp nghề điện”.
Anh Nguyễn Xuân Hồng chế tạo máy khử khuẩn bằng tia UV.
Anh Nguyễn Xuân Hồng chế tạo máy khử khuẩn bằng tia UV.
Năm 2002 học xong nghề điện trở về quê hương, anh Hồng đã mở dịch vụ sửa chữa điện tử và kết duyên với chị Nguyễn Thị Thanh Hoa. Bằng sự đam mê, tâm huyết với nghề, cơ sở của anh Hồng luôn nhận được sự tin tưởng của người dân đến sửa chữa, hợp đồng cải tạo, lắp đặt các thiết bị điện. Nhưng không may, năm 2013, một tai nạn lao động đã ập đến với anh Hồng, toàn cơ thể của anh đã bị cháy do sự cố về điện, ảnh hưởng nặng ở vùng đầu, khiến đam mê và sự nghiệp của anh đành phải gác lại, bao nhiêu tiền của đều dồn vào việc chữa trị bệnh.
 
Vừa mới sinh đứa con thứ hai được hơn 3 tháng, chị Hoa phải đưa chồng đi khắp nơi cố gắng chạy chữa cho anh. Ròng rã mấy tháng đấu tranh để giành sự sống, anh Hồng đã phải qua 8 lần phẫu thuật để nối các dây chằng bị đứt và xử lý vết thương trên toàn thân. Kiên trì điều trị bệnh gần 3 năm trời, anh Hồng may mắn trở về với cuộc sống thường ngày của chàng thợ điện với cơ thểcòn nhiều di chứng để lại. Thế nhưng với niềm đam mê nghề điện tử vẫn còn vẹn nguyên, anh Hồng liền bắt tay xây dựng lại cơ nghiệp.
 
Đặc biệt, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam, anh Hồng nung nấu ước mơ góp sức mình vào công tác phòng, chống dịch. Trải qua nhiều lần thất bại, trăn trở và tốn kém nhiều tiền của, công sức, anh Hồng đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy khử khuẩn toàn thân bằng công nghệ tia UV.
 
“Qua nhiều lần nghiên cứu, chỉnh sửa khá tốn kém về vật tư, công sức,đến bây giờ, sản phẩm đã hoàn thiện được khoảng 90%.Còn một số lỗi nhỏ tôi đang tìm cách khắc phục đạt hiệu năng tốt hơn, chi phí năng lượng, vật tư rẻ nhất để đến khi sản phẩm ra được thị trường có giá thành thấp nhất, bảo đảm phục vụ rộng rãi, có tác dụng khử khuẩn cao”, anh Nguyễn Xuân Hồng cho biết thêm.
 
Đến thời điểm này, anh Hồng đã sáng chế được 2 sản phẩm gồm: Sản phẩm khử khuẩn tay và sản phẩm khử khuẩn toàn thân. Hiện, anh đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của 2 chiếc máy khử khuẩn.
 
“Là một người tàn tật nặng, nhưng anh Nguyễn Xuân Hồng luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên, tìm tòi học hỏi và sáng tạo. Trong làm ăn kinh tế, anh đã mạnh dạn mở mang các ngành nghề kinh doanh, không những tạo điều kiện cho kinh tế gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên khuyết tật khác, được các cấp tặng nhiều giấy khen. Hy vọng máy khử khuẩn bằng công nghệ tia UV của anh sớm hoàn thiện, góp phần vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn xã Cảnh Hóa”, bà Nguyễn Thị Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa cho biết.
 
Mong muốn hiện tại của anh Hồng là sau khi hoàn thiện chiếc máy khử khuẩn bằng công nghệ tia UV sẽ được các ban, ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng, để sản phẩm được sản xuất đại trà, tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, với giá thành phù hợp, góp phần hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
 
Thế Lực-Mỹ Hiền
(Đài TT-TH Quảng Trạch)