Trắng đêm săn lươn đồng

  • 09:05 | Chủ Nhật, 11/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đến mỗi vụ gieo lúa, nhiều người dân huyện Minh Hóa lại bắt đầu ra đồng săn lươn vào ban đêm. Công việc săn lươn không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân mà còn được ví như thú vui dân dã sau một ngày lao động vất vả.
 
Một ngày đầu tháng 7, tôi có dịp  đi săn lươn đồng cùng anh Đinh Xuân Giang, ở tổ dân phố 5, thị trấn Quy Đạt-người có kinh nghiệm gần 25 năm "làm nghề" săn lươn. Để chuẩn bị đi săn, anh Giang chuẩn bị 2 cần câu, trong đó 1 cần câu lươn nhỏ, 1 cần câu lươn to. Lưỡi câu lươn được làm bằng thép mài nhọn rồi uốn cong. Sau đó, anh dùng dây cước buộc và xe hai dây lại với nhau, đầu kia của dây câu nối vào que tre dài khoảng 15cm. Dụng cụ săn lươn còn có một cái kéo tự chế để kẹp lươn, xô đựng lươn, đèn pin đeo trên đầu và mồi câu là giun đất.
 
Mỗi năm, người dân Minh Hóa đi săn lươn 2 đợt. Địa bàn có lươn nhiều là thị trấn Quy Đạt, các xã: Tân Hóa, Xuân Hóa, Minh Hóa, Hóa Hợp… Mùa đi săn lươn bắt đầu từ khi bà con làm đất gieo lúa đến khi lúa đẻ nhánh thì dừng. Bởi thời điểm đó, lúa mọc dày, cỏ 2 bên bờ ruộng phát triển tốt nên rất khó thấy lươn và hang của chúng. Và đây cũng là mùa sinh sản của lươn nên những người thợ săn không muốn bắt vì sợ lươn giảm trong các vụ sau.
Anh Đinh Xuân Giang đang tìm lươn trên các bờ ruộng
Anh Đinh Xuân Giang đang tìm lươn trên các bờ ruộng
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc anh Giang dẫn tôi về xã Tân Hóa để săn lươn. Anh Giang cho biết: “Thời điểm này, ở xã Tân Hóa, người dân vừa xả nước vào ruộng để cấy lúa, bón phân nên lươn nhiều và dễ thấy hang. Lươn ở đây nhiều và to hơn những nơi khác”.
 
Gần 20 giờ đêm, anh Giang đi theo các bờ ruộng để tìm lươn. Đây là thời điểm lươn thường đi ăn và làm hang nên dễ bắt gặp. Đi khoảng 2 bờ ruộng, anh Giang phát hiện 1 hang lươn vừa mới xây, đất trên miệng hang còn rất mới. Xác định con lươn này chỉ bằng ngón tay giữa, anh Giang dùng cần câu nhỏ xoáy vào hang, vài giây sau thì lươn cắn câu. Ngay lập tức, anh Giang kéo con lươn ra khỏi miệng hang chừng 10cm và dùng kéo kẹp cho vào xô.
 
Tiếp tục đi theo các bờ ruộng, anh Giang gặp nhiều hang và câu được vài chục con lươn to nhỏ khác nhau. Khoảng 21 giờ đêm, gió trời càng mát, những thợ săn lươn vẫn miệt mài với công việc. Đến bờ ruộng khá cao, nước trong, bùn dày thì gặp một hang lươn to bằng cổ tay, đất trên miệng hang còn mới.
 
Ngay lập tức, anh Giang bước nhẹ chân, rón rén lấy lưỡi câu to ra, móc một khúc giun to bằng chiếc đũa rồi xoáy sâu vào hang. Khoảng 30 giây, mặc dù không có động tĩnh gì nhưng anh vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Gần 2 phút trôi qua, một dòng nước đục từ miệng hang phun ra. Rụp, lươn đã cắn câu và kéo căng cả một đoạn dây vào hang.
 
Sau hơn 2 phút giằng co, anh Giang cũng kéo được con lươn to hơn ngón chân cái, nặng gần 3 lạng ra khỏi hang. Anh Giang kể: “Có bữa, tôi gặp con lươn chừng 3-4 lạng thò đầu ra. Khi đưa câu đến thì lươn ăn và kéo đứt lưỡi câu khiến tôi tiếc ngẩn ngơ. Bữa sau, tôi phải làm lưỡi câu buộc cước to hơn mới câu được. Có trường hợp lươn không cắn câu thì đánh dấu lại đến khi nào gặt lúa xong thì đến đào bắt”. Gần 1 giờ sáng ngày hôm sau, bước chân anh Giang vẫn miệt mài trên các đồng ruộng ở xã Tân Hóa. Anh Giang chia sẻ: “Càng về khuya lươn càng nhiều và to. Tôi gắng bắt thêm để bán kiếm tiền mua sữa, áo quần cho các con vào năm học mới”.
Một con lươn khá to được anh Giang vừa câu ra khỏi hang
Một con lươn khá to được anh Giang vừa câu ra khỏi hang
Gần 2 giờ sáng, lươn trong xô của anh Giang cũng được chừng 4kg. Hiện lươn có giá bán tại chợ Quy Đạt trên 150 nghìn đồng/kg. Nếu bán hết số lươn này anh cũng kiếm về khoảng 600 nghìn đồng. Lúc này, đoàn đi cùng anh cũng bắt đầu gọi nhau về. Trong đó, anh Tuyến, anh Tuân, anh Tú… mỗi người cũng săn được từ 3 đến 4kg lươn.
 
Anh Giang tâm sự: “Có hôm may mắn, tôi có thể bắt được đến 7kg lươn, bán được hơn triệu đồng. Tuy nhiên, có hôm chỉ bắt được khoảng hơn 1 cân thôi. Nghề bắt lươn không quá vất vả nhưng đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó cũng kiếm được nhiều tiền hơn một số nghề nặng nhọc”.
 
Ông Đinh Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) cho biết: "Trên địa bàn có nhiều người dân làm nghề săn lươn. Nghề này  không những kiếm ra tiền mà còn góp phần giúp bờ ruộng khỏi bị đục phá do lươn. Để đàn lươn đồng nói riêng và các loại thủy sản nói chung hồi phục, phát triển, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng xung điện đánh bắt…".
 
      Xuân Vương