Người dân dần thích nghi cuộc sống trong khu phong tỏa

  • 11:04 | Thứ Bảy, 31/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn 1 tuần thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, tại khu vực phong tỏa của phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, người dân đang từng bước vượt qua khó khăn, thích nghi dần với cuộc sống dưới sự giúp đỡ của cán bộ y tế, các cấp chính quyền, bảo đảm sinh hoạt thường nhật vẫn diễn ra ổn định.
 
Tuyến đường Hoàng Diệu (phường Nam Lý) vốn khá nhộn nhịp tại TP. Đồng Hới. Kể từ khi thực hiện lệnh phong tỏa, nhịp sống tại đây thay đổi hoàn toàn. Hàng quán, cửa hàng đóng cửa, đường phố, ngõ hẻm vắng lặng, người dân không còn tụ tập đông người, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
 
Chị Dương Phương Linh, một người dân ở khu vực phong toả cho biết: “Kể từ khi thực hiện cách ly, nhà nào ở nhà đấy, chúng tôi gần như không ra khỏi nhà, những nhu yếu phẩm cần thiết đều được người thân bên ngoài mua giúp rồi đặt ở chốt kiểm dịch để mình đến lấy.
 
Nhiều người thân, bạn bè ở bên ngoài cũng gọi điện hỏi thăm thường xuyên; chính quyền địa phương ngoài việc giám sát chặt chẽ cũng luôn động viên, quan tâm đến từng hộ dân bằng việc giúp đỡ chuyển lương thực, thực phẩm cho bà con”.
Tại các chốt trực khu vực phong tỏa, luôn có một chiếc bàn để người dân gửi hàng tiếp tế, đảm bảo khoảng cách tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Tại các chốt trực khu vực phong tỏa, luôn có một chiếc bàn để người dân gửi hàng tiếp tế, đảm bảo khoảng cách tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Tại các chốt kiểm soát ra, vào khu vực phong tỏa luôn có mặt của các lực lượng công an, dân quân tự vệ, bảo vệ dân phố, cán bộ y tế làm nhiệm vụ 24/24 giờ, bảo đảm không để người từ vùng phong tỏa ra ngoài cũng như người từ bên ngoài vào vùng phong tỏa. 
 
Có mặt tại chốt phong tỏa những ngày này, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi vất vả của các lực lượng trực chốt. Sự nỗ lực của họ chính là động lực giúp bà con trong các khu vực phong tỏa yên tâm hơn; công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch cũng trở nên hiệu quả, nhanh chóng hơn.
 
Đã hơn 1 tuần nay, ông Hoàng Công Thắng, dân quân tự vệ, nhận nhiệm vụ tăng cường tại chốt kiểm soát khu vực đường Thái Phiên, phường Nam Lý. Ông chia sẻ: “Những ngày đầu thực hiện phong tỏa, một số người dân vẫn đến các chốt để xin ra ngoài. Chúng tôi đã phải nhắc nhở và hướng dẫn, tuyên truyền để mọi người chấp hành. Đến nay, đa số người dân đều hiểu và thực hiện nghiêm túc việc tự cách ly tại nhà. Điều này giúp giảm bớt áp lực tại các chốt trong những ngày dịch bệnh căng thẳng thế này.”
 
Ông Tưởng Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Nam Lý, TP.  Đồng Hới, cho biết: “Chúng tôi đã thiết lập 16 chốt kiểm soát, huy động các lực lượng công an, quân sự, bảo vệ dân phố và đoàn viên, thanh niên để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ khu vực phong tỏa; đồng thời phối hợp chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân”.
Nhận thấy sự vất vả của các cán bộ ngày đêm túc trực ở các điểm chốt chặn, nhiều hộ dân ở gần đã có những hành động hết sức thiết thực, chân tình, kịp thời động viên dành cho các cán bộ đang làm nhiệm vụ.
 
Chị Phạm Thị Tuyên, đường Tôn Đức Thắng, phường Nam Lý, bày tỏ: “Vì điểm chốt được đặt ngay cạnh nhà nên thỉnh thoảng chúng tôi mang cho họ phích nước sôi, ấm trà... Những ngày nắng nóng, chúng tôi cho mượn thêm chiếc quạt, ổ cắm điện... Nhìn thấy họ vất vả, chúng tôi rất đồng cảm.”
 
Hiện tại, phường Nam Lý có hơn 400 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu đang được phong tỏa. Lực lượng chức năng đưa ra nhiều phương án hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trong khu vực phong tỏa.
 
Đặc biệt, những ngày qua, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm trên địa bàn đã vận chuyển nhu yếu phẩm đến các điểm chốt chặn, chia thành các phần nhỏ để cán bộ trao đến các hộ dân khó khăn, ưu tiên người già neo đơn, gia đình chính sách… đang trong khu vực bị phong tỏa.
 
Bà Trần Thị Sáu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Đồng Hới chia sẻ: “Trong những ngày qua, chúng tôi đã vận động sự giúp sức từ các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm ủng hộ các nhu yếu phẩm thiết yếu như: rau, củ, quả, gạo, mắm, muối, mì chính... để hỗ trợ cho bà con bảo đảm đời sống trong khoảng thời gian cách ly xã hội.”
 
Mỹ Hạnh