Covid-19 và "bài toán" về hay ở?

  • 08:39 | Thứ Bảy, 31/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, những ngày gần đây, nhiều lao động tại TP. Hồ Chí Minh đã về quê tránh dịch bằng xe mô tô. Đến thời điểm này, Quảng Bình có khoảng 500 người dân về quê bằng xe mô tô đang được cách ly. Hành động tự phát này đã và đang gây ra những áp lực cho cả chính quyền, người dân bởi quy mô, điều kiện của các khu cách ly và khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Quảng Bình còn nhiều khó khăn.
 
Khó khăn và rủi ro
 
Trước tình trạng người dân về quê tránh dịch tự phát những ngày qua, để góp phần bảo đảm an toàn giao thông, đặc biệt là kiểm soát lộ trình, ngăn ngừa việc người dân vô tình phát tán mầm bệnh Covid-19, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã phối hợp chặt chẽ với các tỉnh trong khu vực để hướng dẫn bà con.
 
Tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy), lực lượng chức năng đã nắm thông tin, phân loại và hướng dẫn bà con là người Quảng Bình về các khu cách ly trong tỉnh. Tại đây, bà con được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và yêu cầu cách ly y tế 14 ngày theo quy định.
 
Qua tìm hiểu được biết, đa số bà con đều chấp hành quy định về cách ly y tế, tuy nhiên vẫn có những trường hợp chống đối. Điển hình là 18 người đi về bằng xe ô tô bán tải đã gây mất trật tự, yêu cầu tỉnh phải miễn phí tiền cách ly y tế. Phải mất nhiều thời gian thuyết phục và đưa ra các chế tài xử phạt, những người này mới chịu hợp tác.
Người dân đi xe máy về quê tránh dịch tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Sen Thủy (Lệ Thủy) sáng 30-7
Người dân đi xe máy về quê tránh dịch tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Sen Thủy (Lệ Thủy) sáng 30-7
Có khá nhiều người do không nắm được thông tin về việc phải thanh toán phí cách ly y tế với mức 3.870.000 đồng/người nên mới tự phát đi xe máy về quê. Anh Trần Văn Minh, làm nghề xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Thấy bạn về tôi cũng về theo vì hiện tại không có việc làm. Nhưng về cách ly và đóng phí gần 4 triệu đồng là số tiền rất lớn. Nếu biết trước chắc tôi sẽ cầm cự đã, lâu dài thì chưa tính, nhưng tầm 1 đến 2 tháng nữa vẫn ổn!”.
 
Tương tự, chị Trần Thị Thúy Ngân, hiện đang học nghề cũng nhập đoàn về quê, chia sẻ: “Tình hình ở TP. Hồ Chí Minh khó khăn thật, nhưng nếu về quê và đóng phí cách ly như hiện nay, tôi sẽ tạm thời ở lại đã. Về như bây giờ khó cho cả tỉnh và cả bản thân tôi! Nhà tôi cũng nghèo nên gần 4 triệu đồng là một khoản tiền lớn!”. Hiện anh Minh và chị Ngân đang cách ly tại điểm Trường THCS và THPT Chu Văn An (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới).
 
Khu cách ly Trường THCS và THPT Chu Văn An hiện đang cách ly trên 200 người. Do trưng dụng trường học làm điểm cách ly nên tất cả mọi người phải sử dụng nhà vệ sinh chung. Đây cũng là tình trạng chung của đa số các khu cách ly trong tỉnh. Nếu rủi ro trong số này có người mang vi rút SARS-CoV-2 thì hậu quả sẽ khó lường.
 
Mặc dù việc sàng lọc, xét nghiệm được tiến hành theo quy định nhưng trên thực tế có những trường hợp sau nhiều lần xét nghiệm mới cho kết quả dương tính. Các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong số những người được đón bằng tàu hỏa và đi xe mô tô về quê tránh dịch. Đến thời điểm này, một số địa phương đã bị “quá tải” như Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế, không đủ năng lực tiếp nhận người dân về tránh dịch.
 
“Chúng tôi vừa động viên vừa yêu cầu bà con thực hiện nghiêm quy định của khu cách ly để hạn chế rủi ro. Đa số bà con thực hiện tốt nhưng cũng có các trường hợp thiếu hợp tác, gây khó khăn cho cán bộ, chiến sỹ trong quá trình làm nhiệm vụ. Và có những trường hợp bị tai nạn hoặc bị đói, mệt, lạc đoàn, chúng tôi phải phối hợp với các lực lượng để tìm đón về!”, anh Trần Ngọc Quỳnh, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự TP. Đồng Hới cho biết.
 
Trao đổi việc nên hay không nên về quê tránh dịch cùng những rủi ro trong thời điểm này, anh Nguyễn Quang Huy, người Quảng Bình hiện là Điều dưỡng trưởng khoa Loạn nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất, đang trực tiếp tham gia chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Hiện tại, việc hỗ trợ người dân về quê tránh dịch có nhiều cái khó. Không hỗ trợ thì tội bà con, nhưng ít nhất an toàn cho mọi người và tỉnh nhà, vì tình trạng F0 âm tính giả nhiều. Có những F1 cách ly tại nhà test PCR sau lần 3 mới cho kết quả dương tính.
 
Do đó, nếu bà con về quê thì cần bắt buộc có test PCR trong 72 giờ. Sau đó về khu cách ly tập trung và xét nghiệm ít nhất 7 ngày 1 lần PCR, sau 2 lần mới có thể cho về cách ly tại nhà thêm 1 tuần. Điều quan trọng là các khu cách ly và khả năng y tế của tỉnh có đáp ứng được và người dân có tuân thủ không!
 
Tối 29 và sáng 30-7-2021, Quảng Bình tiếp nhận gần 200 người và phân bổ về các khu cách ly. “Theo thông tin mới cập nhật, chiều 30-7, có khoảng 400 xe với 600 người, chủ yếu là các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An sẽ đến địa phận tỉnh ta. Chúng tôi tiến hành kê khai y tế cho bà con và tiếp nhận người Quảng Bình về các khu cách ly!”, ông Trần Văn Bình Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải, cho biết.  
 
Chung tay thực hiện Chỉ thị 16
 
Hiện tại, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16 với những nội dung chặt chẽ, quy định nhất quán là phải ngồi yên tại chỗ để khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan. Việc bà con về quê tránh dịch tự phát như thời gian qua là vi phạm các nội dung của Chỉ thị 16, đồng thời sẽ vô tình phát tán vi rút. Nhiều địa phương đã ngừng tiếp nhận công dân trở về bởi sự quá tải và nguy cơ phát tán dịch bệnh.
Ông Mai Xuân Bình, Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại T.P Hồ Chí Minh trao quà cho em Cao Thị Diên (bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa)
Ông Mai Xuân Bình, Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại T.P Hồ Chí Minh trao quà cho em Cao Thị Diên (bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa)
Anh Phạm Tuấn Anh, TP. Thủ Đức cho biết, khi dịch bệnh căng thẳng, anh có ý định để mẹ và vợ con về quê. Nhưng nghĩ đến việc mình có thể vô tình gieo mầm bệnh cho người thân, nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly cùng với kinh phí cách ly cho cả gia đình cũng khá lớn nên anh quyết định cả gia đình sẽ ở lại!
 
Quảng Bình hiện có 25 điểm cách ly với khả năng tiếp nhận 3.500 người. Tính đến ngày 30-7, có 10 điểm cách ly đã tiếp nhận trên 1.200 người; 15 điểm cách ly hiện chưa triển khai vì chưa được trang cấp vật dụng phục vụ cách ly và bộ máy điều hành. Kinh phí cách ly bà con tự túc chi trả theo quy định là 3.870.000 đồng/người.
 
Tỉnh đã kích hoạt Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô 120 giường, hiện đang điều trị 20 ca dương tính (6 ca từ ngày 21-7 trở về trước và 14 ca nhập cảnh ngày 28-7)
Đối với Quảng Bình, trước những khó khăn, bất cập nêu trên, để bà con nói chung, người Quảng Bình sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng yên tâm phòng, chống dịch, tuân thủ các nội dung của Chỉ thị 16, tỉnh đã hỗ trợ khẩn cấp 3,8 tỷ đồng. Thông qua Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh, lao động người Quảng Bình có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận kinh phí hỗ trợ với mức 1 triệu đồng/hộ. Ngoài ra Hội đồng hương, các tổ chức thiện nguyện của tỉnh đã gửi hàng trăm tấn hàng để tiếp tế cho bà con.
 
Chiều 30-7, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã chở 21 tấn hàng với tổng trị giá 410 triệu đồng vào hỗ trợ bà con Quảng Bình tại TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Chính phủ đã có công văn hỏa tốc khai thông “luồng xanh” từ 0 giờ ngày 30-7-2021, không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có QRCode vận chuyển hàng hóa, là yếu tố thuận lợi để tỉnh có thể tiếp tế cho bà con tại TP. Hồ Chí Minh yên tâm chống dịch.
 
Em Cao Thị Diên (bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa), giúp việc tại TP. Hồ Chí Minh đã nhận được kinh phí hỗ trợ của tỉnh là 1 triệu đồng. Cá nhân ông Mai Xuân Bình, Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Bình tại thành phố cũng đã hỗ trợ thêm 1 triệu đồng để em yên tâm ở lại. Ông Bình cho biết, hội luôn cố gắng động viên bà con cả về tinh thần và vật chất để mọi người yên tâm thực hiện Chỉ thị 16, tránh để dịch lây lan.   
 
Ông Hoàng Văn Phúc, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) nhấn mạnh: "Trong bối cảnh hiện tại, việc tỉnh hỗ trợ kinh phí, lương thực, thực phẩm động viên bà con Quảng Bình có hoàn cảnh khó khăn tại TP. Hồ Chí Minh là giải pháp phù hợp nhất. Bà con lựa chọn về quê tránh dịch trong điều kiện các khu cách ly, bệnh viện dã chiến của tỉnh không đáp ứng được yêu cầu, sẽ đối diện với nhiều nguy cơ. Số kinh phí cách ly với mức gần 4 triệu đồng/người cũng là cả vấn đề!”. 
 
Cùng với việc hỗ trợ bà con, Ủy ban MTTQVN các cấp đã thông báo các đầu mối hỗ trợ đến tận xã, thôn để các gia đình có con em ở TP. Hồ Chí Minh gặp khó khăn liên hệ. Nhiều địa phương đã làm tốt việc này, liên hệ giúp đỡ trực tiếp theo từng địa chỉ, giúp bà con yên tâm vượt qua khó khăn.     
 
Với khả năng xét nghiệm từ 450 đến 500 mẫu/ngày (mẫu đơn), từ ngày 1 đến 29-7-2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Bình đã xét nghiệm gần 10.800 mẫu. Đặc biệt từ khi tỉnh nhà xuất hiện F0 và bà con đi xe mô tô về quê tránh dịch, CDC phải tập trung làm xét nghiệm 24/24 giờ, cao điểm có ngày xét nghiệm 1.500 mẫu. “Nếu thời gian tới, số bệnh nhân và người về quê tiếp tục tăng, CDC sẽ bị “quá tải” về nhu cầu xét nghiệm!”, bác sỹ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết.
 
Ngọc Mai