Ký ức nghề "săn" lệch biển...

  • 08:59 | Chủ Nhật, 20/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi nhắc đến đặc sản biển của Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), ngoài mực một nắng, mực nháy, cá nục bơi, cá khoai…, không thể không nói đến một thứ đặc sản nữa, đó là con lệch biển và những món ngon “khó quên”!
 
Lệch biển thuộc họ da trơn, cùng nhóm với lươn, chình, lụy… nhưng sống rải rác ở vùng nước mặn dọc bờ biển từ xã Quảng Đông (Quảng Trạch) trở vào. Nhưng vùng lệch biển cư trú chủ yếu vẫn là biển Bảo Ninh và đoạn eo cửa Nhật Lệ (TP. Đồng Hới). Lệch biển có những con dài đến 1,5m và nặng từ 2 đến 3,5kg. Chúng có chiếc đuôi rất khỏe và đặc biệt là hai hàm với hàng chục chiếc răng cứng nhọn hoắt.
 
Trên lưng lệch biển từ đầu đến đuôi được "trang trí" hoa văn loang lổ màu xám hoặc vàng nhạt. Màu sắc còn tùy theo vùng nước nơi lệch biển sinh sống. Nếu ở dọc bờ biển thì hoa văn màu nhạt, nếu ở vùng cửa sông có bùn thì hoa văn có màu xám đen.
 
Lệch biển khá tinh khôn. Cứ đến khi nước kiệt là chúng vào gần bờ (có khi chỉ ở độ sâu không đến 0,5m), giấu mình phục kích dưới lớp cát trắng và chỉ để lộ hai con mắt ở đỉnh đầu. Phần thân “lộ thiên” thông thường không lớn hơn đầu ngón tay cái, mỗi khi có con mồi ngang qua là lệch biển "đớp" ngay. Vì vậy, để bắt được lệch biển rất khó khăn.
Biển Bảo Ninh là vùng nước nơi lệch biển sinh sống. Ảnh: M.Quý
Biển Bảo Ninh là vùng nước nơi lệch biển sinh sống. Ảnh: M.Quý
Muốn có được con lệch biển, người ta không thể câu. Vì khi cắn mồi, lệc biển sẽ tụt sâu xuống cát và dùng chiếc đuôi như là một chiếc “neo” bám vào cát cố thủ, dây câu sẽ bị đứt bởi sức trì của nó. "Vũ khí" duy nhất để có thể bắt được lệch biển là cây đoọc ba chĩa. Vào những năm trước chiến tranh đánh Mỹ, tuy lệch  biển nhiều nhưng ngư dân chỉ lo bám biển đánh bắt cá, không ai quan tâm bắt lệch biển, hơn nữa về mặt giá trị kinh tế…không đáng là bao.
 
Thời đó, những hải sản, như: cá khoai, đẻn (rắn biển), lệch biển… thuộc dạng hải sản bậc thấp. Vì vậy, “nghề” này thuộc về lớp trẻ con choai choai từ 13-15 tuổi và xem đây như một thú vui. Chúng tôi thường lập thành nhóm. Mỗi nhóm từ 2 đến 3 đứa và đứa nào cũng chuẩn bị cho mình một cây đoọc. Thời kỳ ban đầu cây đoọc chúng tôi làm ra rất…''thô sơ”! Đứa nào cũng “lấy trộm” đũa bếp bằng những thanh sắt trong nhà, đem mài nhọn rồi chui lỗ cố định vào một que gỗ tròn cỡ ngón chân cái, dài độ hơn 1m tạo thành cây đoọc có ba chĩa (như dụng cụ đâm chuột mùa lũ ở Lệ Thủy).
 
Khi “vào trận”, với sức mạnh của những con lệch biển có trọng lượng từ 2kg trở lên, chúng thường vặn mình “chún” cong các que sắt và thoát ra!. Sau này có điều kiện, bọn trẻ nhờ ông thợ rèn trong làng rèn cho mỗi đứa một cây đoọc “hiện đại” hơn!
 
Mùa khai thác lệch biển ở quê tôi thường là vào cuối tháng 5 đến tháng 7. Đó là khi thời tiết miền Trung chuyển sang giữa hè. Ngọn gió Lào khô nóng từ dãy U Bò chính diện tràn về thị xã Đồng Hới ngày trước, rồi vượt sông Nhật Lệ qua Bảo Ninh thẳng ra biển khơi, vậy nên mặt biển thời điểm này không có sóng vỗ bờ mà phẳng như mặt hồ với làn nước trong xanh màu ngọc bích.
 
Trong 1 tháng, chỉ có 2 kỳ của con nước có thể khai thác lệch biển. Đó là vào những buổi sáng đầu tháng và giữa tháng (âm lịch). Khi mặt trời nhô lên từ ngoài khơi là khi con nước kiệt (quê tôi gọi nước ròng sát). Nước biển rút ra xa tạo nên những ao cạn và để lại những bãi cát lộ thiên mịn màng ven bờ.
 
Từ 5h sáng, lũ trẻ con chúng tôi quần đùi cởi trần, cây đoọc trên vai đã í ới gọi nhau chạy bộ ra bãi biển, ùa xuống ngụp lặn trong làn nước biển mát lạnh buổi sáng, bắt đầu cho một chuyến “hành nghề”.
 
Những hôm gặp may, chúng tôi mỗi đứa cũng được cả chục con lệch biển, kèm theo cá bơn, cá hô, ngao…, hăm hở vác từ biển vào nhà "báo cáo" với mạ!
 
Lệch biển mùa này ngon lắm. Thịt có màu trắng, hai bên lườn là hai sa mỡ béo ngậy và có thể chế biến ra những món ăn hấp dẫn. Tuy vậy, lệch biển có nhược điểm là nhiều xương hom, đặc biệt là dãy xương sống rất…cứng. Vì vậy, sau khi làm sạch xong, cắt đầu và bỏ hết nội tạng, người ta lấy một chiếc chày gỗ nhỏ hoặc sống dao dằn suốt dọc sống lưng lệch biển cho mềm xương, sau đó dùng dao mỏng sắc khứa chéo cả hai bên lườn để làm cho mất tác dụng của xương hom.
 
Món ngon nhất chế biến từ con lệch biển là món lệch biển um chua! Lệch biển được cắt thành từng khúc (3cm) để ráo nước, sau đó trộn đều với gia vị (nước mắm ngon, ớt bột, tiêu, sả củ, nghệ tươi vằm nhỏ…). Ngoài ra, không thể thiếu một chút hương vị quê hương là ruốc quết. Sau khi ướp khoảng 30 phút cho ngấm gia vị, chảo nóng phi hành mỡ bốc mùi thơm là cho thịt lệch vào nồi, nhỏ lửa trộn đều.
 
Khi sắp chín, thêm cà chua thái lát và hành ngò, vắt thêm nửa quả chanh… Lúc này, trên bàn đã có một đĩa lệch biển um chua với đầy đủ các sắc màu: màu trắng thịt lệch biển, màu đỏ và vị cay của ớt, vị chua của chanh, màu vàng của nghệ và thoang thoảng mùi thơm béo ngầy ngậy của ruốc..., kèm theo đĩa bánh ướt.
 
Trước chiến tranh chống Mỹ, tôi cùng lũ bạn thuộc nhóm “đại ca đâm lệch biển”. Tiếp đó là những ngày xa quê, xa biển cầm súng ở chiến trường, nhưng trong lòng vẫn đau đáu kỷ niệm một thời về con lệch biển và những món ăn quê hương chế biến từ lệch biển.
 
Nghỉ hưu, tôi sắm lại một cây đoọc. Tất nhiên là “hiện đại” hơn ngày xưa bằng inox. Nhưng bây giờ ra biển tìm bắt cho được đôi ba con lệch biển cũng quá khó và nghề "săn" lệch biển chắc dần sẽ đi vào quên lãng!...
                                             
Trung Bảo Nhật