Ký sự pháp đình:

"Đòi" máy cưa nhận án tù

  • 08:40 | Chủ Nhật, 06/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với ý định “đòi” lại máy cưa bị cán bộ thu giữ trước đó, Hồ Xanh ở xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) rủ hơn 10 người đi uống bia rồi kéo đến trạm bảo vệ rừng gây hấn. Sẵn có chút men trong người, Hồ Xanh và một số thành viên trong nhóm đã đập phá, gây thương tích đối với 2 cán bộ, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
 
Tháng 7-2020, chiều hè dần tối, thay vì cơm nước nghỉ ngơi để ngày mai làm việc thì Hồ Xanh (SN 1986) chợt nhớ đến chiếc máy cưa mà cán bộ bảo vệ rừng thu giữ trước đó. Ấm ức trong người, sẵn có 2 người bạn đến chơi, Hồ Xanh nói, đi xuống trạm bảo vệ rừng xin lại máy cưa, nếu không được thì đánh người.
 
Sau đó, Hồ Xanh gọi thêm 10 người để cùng nhau đi uống bia tại quán hàng trên địa bàn. Tại đây, có thêm 3 người nhập hội. Có chút men bia, Hồ Xanh khoát tay cùng cả nhóm kéo đến trạm bảo vệ rừng “đòi” máy cưa của mình.
 
Lúc này, các cán bộ bảo vệ rừng đang ăn cơm tối, Hồ Xanh và 3 người nữa bước vào trạm, số thanh niên còn lại đứng ở ngoài đường. Thay vì trình bày sự việc để giải quyết theo trình tự thì cả nhóm lao vào xô đẩy và dùng hung khí đánh 2 cán bộ, đồng thời phá hỏng một số vật dụng tại trạm.
 
Sau khi gây rối thì cả nhóm bỏ về nhà, 2 cán bộ được đưa đi sơ cứu và chuyển về Bệnh viện đa khoa huyện điều trị. Trạm bảo vệ rừng bị hư hỏng 1 quạt điện; vỡ 3 ô kính cửa sổ, 6 ly thủy tinh và 3 bát ăn cơm. Theo kết luận pháp y về thương tích, cả 2 cán bộ bảo vệ rừng đều có tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên từ 4-6%.
 
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Minh Hóa đã truy tố các bị cáo Hồ Xanh, Hồ Huân, Hồ Bun về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Hành vi của các đối tượng còn lại chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã chuyển xử phạt vi phạm hành chính.
 
Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên phạt Hồ Xanh 9 tháng tù, Hồ Huân 6 tháng tù; riêng Hồ Bun nhận 6 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 12 tháng, đồng thời giao cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục.
 
Sau đó, Hồ Xanh và Hồ Huân (SN 2000) đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Hồ Xanh và Hồ Huân khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội đúng như nội dung của bản án sơ thẩm. 
(QBĐT) - Với ý định “đòi” lại máy cưa bị cán bộ thu giữ trước đó, Hồ Xanh ở xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) rủ hơn 10 người đi uống bia rồi kéo đến trạm bảo vệ rừng gây hấn. Sẵn có chút men trong người, Hồ Xanh và một số thành viên trong nhóm đã đập phá, gây thương tích đối với 2 cán bộ, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, trong quá trình tranh tụng tại tòa, người bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của các bị cáo vì bị cáo đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là người dân tộc thiểu số nên nhận thức pháp luật còn hạn chế. Các bị cáo là lao động chính trong gia đình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đồng thời đã bồi thường đầy đủ số tiền cho bị hại và nguyên đơn dân sự.
 
Bên cạnh đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tham gia phiên tòa cũng đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm theo hướng giảm cho bị cáo Hồ Xanh khoảng 3 tháng tù; giữ nguyên mức án và chuyển cho bị cáo Hồ Huân được hưởng án treo, thời gian thử thách 12 tháng.
 
HĐXX phiên tòa phúc thẩm nhận định, trong vụ án bị cáo Hồ Xanh là người khởi xướng và đánh người, hành vi này khiến các bị cáo khác cùng thực hiện hành vi phạm tội,
 
Do đó, bị cáo Hồ Xanh phải chịu trách nhiệm chính và bị phạt mức án cao nhất là thỏa đáng. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vì lý do trước đó đã khai thác rừng trái phép nên bị lực lượng bảo vệ rừng tịch thu máy cưa.
 
Hành vi của bị cáo thể hiện sự coi thường pháp luật, vì vậy không thể cho bị cáo hưởng án treo mà cần phải áp dụng hình phạt tù để răn đe, giáo dục chung. Nhưng xét thấy bị cáo là người dân tộc thiểu số, điều kiện cuộc sống và sự hiểu biết pháp luật và xã hội nói chung còn thấp, bị cáo được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ, nên giảm cho bị cáo một phần hình phạt là phù hợp theo quy định của pháp luật.
 
Đối với Hồ Huân, bị cáo tham gia với vai trò đồng phạm, vết thương gây ra đối với người bị hại nhẹ (tỷ lệ tổn thương thấp), là người dân tộc thiểu số, có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên không cần thiết phải bắt chấp hành án phạt tù.
 
Từ những nhận định này, HĐXX quyết định chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hồ Xanh, Hồ Huân sửa phần hình phạt của án sơ thẩm. Cụ thể, áp dụng điểm a, khoản 1, Điều 134; các điểm b, i, s khoản 1, khoản 2, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với bị cáo Hồ Xanh, Hồ Huân; áp dụng thêm Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với bị cáo Hồ Huân. Với hành vi phạm tội “Cố ý gây thương tích”, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Hồ Xanh 6 tháng tù, Hồ Huân nhận án 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
 
Ông bà ta thường nói “Đánh không được người mặt đỏ như vang/ Đánh được người mặt vàng như nghệ”, để nói những người không biết kiềm chế bản thân gây nên những hành vi vi phạm pháp luật. Lẽ ra, Hồ Xanh bớt nóng giận, suy xét mọi việc thận trọng thì không chỉ bản thân tránh được vòng lao lý mà còn góp phần giữ gìn sự bình yên nơi miền biên viễn phía tây tỉnh nhà.
 
Đông A