Nỗ lực xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

  • 08:28 | Thứ Năm, 06/05/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Chỉ thị số 17/2008/CT-TTg, ngày 5-6-2008 của Thủ tướng Chính chủ về một số giải pháp cấp bách đẩy mạnh công tác xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường (ÔNMT) nghiêm trọng và Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg, Quyết định số 1788/QĐ-TTg...của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở đã gây ÔNMT nghiêm trọng, Quảng Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn, cần được các cấp ngành nhất là ở Trung ương kịp thời tháo gỡ.
 
Kết quả tích cực
 
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT), trên cơ sở được UBND tỉnh giao về thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ sở liên quan tổ chức thực hiện lộ trình xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT trên địa bàn tỉnh.
 
Cùng với đó, sở tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và hướng dẫn các cơ sở áp dụng các biện pháp giảm thiểu ÔNMT phù hợp; sớm bố trí nguồn vốn hoặc huy động nguồn vốn để hoàn thành xử lý ÔNMT theo kế hoạch, lộ trình xử lý đã đề ra, báo cáo tiến độ thực hiện, khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ xử lý.
 
Định kỳ hàng năm, căn cứ vào tình hình triển khai thực hiện việc xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, sở đã tham mưu văn bản báo cáo của UBND tỉnh báo cáo Bộ TN-MT đầy đủ, theo đúng quy định. Đồng thời, hàng năm, Sở đều tổ chức kiểm tra và phối hợp với Bộ TN-MT thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
 
Qua kiểm tra, đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm túc các biện pháp BVMT, khắc phục những tồn tại đối với các công trình xử lý môi trường, khẩn trương khắc phục sự cố, bảo đảm các nguồn thải phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường.
 
Ngoài 22 cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng thuộc danh mục cần xử lý theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg, đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng. Việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đã tạo áp lực mạnh mẽ, buộc các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng phải nghiêm túc thực hiện biện pháp xử lý triệt để. Thông qua đó, cơ quan chức năng cũng nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cơ sở để đề xuất xây dựng, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan, góp phần thúc đẩy tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng. 
Bãi rác ở huyện Quảng Trạch cần tiếp tục được cấp kinh phí để nâng cấp,mở rộng nhằm nâng cao năng lực xử lý và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Bãi rác ở huyện Quảng Trạch cần tiếp tục được cấp kinh phí để nâng cấp,mở rộng nhằm nâng cao năng lực xử lý và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Để có giải pháp về đa dạng hóa nguồn lực tài chính thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, hàng năm, sở đã kịp thời rà soát, lập hồ sơ tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ TN-MT, Bộ Tài chính hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách Trung ương và cân đối các nguồn ngân sách để hỗ trợ đầu tư xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng trên địa bàn, nhất là các cơ sở thuộc khu vực công ích.
 
Đối với các dự án bố trí kinh phí từ ngân sách huy động khác, UBND tỉnh đã huy động nguồn vốn từ dự án y tế nông thôn để trang bị cho các bệnh viện đa khoa: huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, TP. Đồng Hới, Bố Trạch, Bắc Quảng Bình, mỗi bệnh viện 1 lò đốt chất thải rắn y tế với kinh phí 1,5 tỷ đồng/lò. UBND tỉnh cũng đã vay vốn Ngân hàng Thế giới để nâng cấp các lò đốt chất thải rắn y tế bằng công nghệ không đốt cho các bệnh viện. Ngoài ra, UBND tỉnh còn huy động nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây dựng và nâng cấp bãi xử lý rác thải Đồng Hới-Bố Trạch thay cho bãi rác Lộc Ninh đã đóng cửa...
 
Cùng với việc phát huy nội lực, huy động các ngồn vốn khác và được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ TN-MT..., Quảng Bình đã có nguồn lực tài chính đáng kể để xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng, đặc biệt đối với các cơ sở công ích. Ngoài ra, việc tiếp nhận và phân bổ các nguồn kinh phí xử lý triệt để các cơ sở ÔNMT được UBND tỉnh giao cho các đơn vị, như: Sở TN-MT, Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố để triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đáp ứng được tiến độ đề ra, theo đúng quy định.
 
Khó khăn cần kịp thời tháo gỡ
 
Ông Phan Xuân Hào, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết, những năm qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo và Sở TN-MT tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng thuộc danh mục cần phải xử lý khẩn trương và bố trí kinh phí để đầu tư công trình xử lý môi trường, sớm hoàn thành việc xử lý. Tuy nhiên, theo quy định, đa số các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng được bố trí kinh phí theo nguyên tắc đối ứng: Trung ương hỗ trợ 50%, tỉnh chi đối ứng 50%.
 
Song do ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, tỉnh không bố trí đủ kinh phí sự nghiệp dành cho các chương trình, dự án về BVMT cần thiết. Thực tế đó khiến nhiều dự án đã được phê duyệt nhưng thiếu kinh phí nên chưa triển khai thực hiện; hoặc đã triển khai nhưng chưa được thực hiện hoàn chỉnh, đồng bộ hoặc chưa thực hiện đúng quy định về tiến độ xử lý; một số đơn vị công ích tuy đã được đầu tư hệ thống xử lý nhưng còn gặp khó khăn về kinh phí trong việc duy trì hoạt động...
 
Theo ông Phan Xuân Hào, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chủ động đưa ra các biện pháp quản lý, ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ÔNMT, cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn, UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để giúp địa phương tiếp tục xử lý các cơ sở gây ÔNMT nghiêm trọng tại các cơ sở chưa hoàn thành, nhằm bảo đảm tiến độ xử lý như đã đề ra, trong đó, cần hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để thực hiện một số nhiệm vụ BVMT cấp thiết, như: xử lý ô nhiễm tại bãi xử lý rác xã Thanh Trạch (Bố Trạch); nâng cấp, mở rộng bãi xử lý rác thải để nâng cao năng lực xử lý và bảo đảm vệ sinh môi trường tại bãi rác ở các huyện: Quảng Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh; cải tạo hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp tại các bệnh viện đa khoa ở các huyện: Bố Trạch, Quảng Ninh và TP. Đồng Hới; hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải của chợ đầu mối Ba Đồn...
 
Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển công nghệ môi trường cũng như các nguồn lực khoa học công nghệ trong BVMT để hỗ trợ địa phương triển khai những giải pháp hiệu quả trong xử lý môi trường, khắc phục ÔNMT và cải thiện môi trường...
 
Bùi Thành