Triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững năm 2021

  • 07:42 | Thứ Tư, 28/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dịch bệnh Covid-19 dự báo tiếp tục còn ảnh hưởng kéo dài đến mọi mặt của đời sống xã hội. Chính vì vậy, công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững trong thời gian tới vẫn là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài. Từ đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và toàn dân trên địa bàn tỉnh phải có sự quyết tâm và nỗ lực lớn để tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp, thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững năm 2021 đạt mục tiêu đề ra.
 
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh, qua rà soát đến đầu năm 2021, toàn tỉnh có 9.887 hộ nghèo (chiếm 3,9% tổng số hộ toàn tỉnh) và 12.405 hộ cận nghèo (chiếm 4,89% tổng số hộ toàn tỉnh).
 
Trong đó, 3.932 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội; 3.312 hộ nghèo dân tộc thiểu số; 404 hộ nghèo thuộc chính sách ưu đãi người có công (chủ yếu là người có công hưởng trợ cấp một lần); hộ nghèo còn lại sau khi trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội và hộ nghèo dân tộc thiểu số là 2.239 hộ. Đáng chú ý, toàn tỉnh có 621 hộ nghèo ở khu vực thành thị và 9.266 hộ ở nông thôn.
Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, khả năng của người nghèo sẽ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo
Việc xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, khả năng của người nghèo sẽ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo năm 2020, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2021 là 0,6%/năm (riêng huyện nghèo Minh Hóa giảm bình quân trên 2,5%/năm), đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2021 xuống còn 3,3% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh 0,8%/năm, đưa tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2021 xuống còn 4,09% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020); đồng thời, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú…
 
Thực tế cho thấy, trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong năm 2021, “cuộc chiến” giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững thực sự là một thử thách lớn đối mà tỉnh phải đối mặt. Đáng nói, khó khăn càng tăng thêm đối với những nhóm yếu thế, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Để triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian tới đạt kết quả cao, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành LĐ-TB-XH, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong đã đề nghị các địa phương phát huy những kết quả, bài học kinh nghiệm, những mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo để thực hiện hiệu quả kế hoạch giảm nghèo năm 2021.
 
Theo đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, xác định giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đồng thời, gắn việc hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo với trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị.
Ngân hàng CSXH thực hiện giải ngân vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển sản xuất.
Ngân hàng CSXH thực hiện giải ngân vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo để phát triển sản xuất.
Bà Trương Thị Thanh Hoa, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB-XH) cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác giảm nghèo năm 2021, là tỉnh tổ chức tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Nghị định số 07/2021 ngày 27-1-2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Đây được xem là khâu quan trọng để hoạch định và triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ, chương trình an sinh xã hội kịp thời, hiệu quả giai đoạn 2022-2025.
 
Vì vậy, vấn đề rà soát, đánh giá thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các địa phương theo nhóm nguyên nhân nghèo bảo đảm chính xác sẽ góp phần đề ra những chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, cụ thể với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.
 
Một vấn đề đáng bàn là cơ chế, phương thức hỗ trợ giảm nghèo cần đổi mới mạnh mẽ, chuyển từ cho không sang hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn và cho vay phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động và phát huy tinh thần trách nhiệm của người nghèo…
 
Các địa phương, cơ sở cũng cần chủ động xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể với các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, hiệu quả, trong đó, tập trung triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Đơn cử, hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được xem là một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo nhanh và bền vững.
 
Bởi vậy, các địa phương chú trọng vận động và tạo môi trường thuận lợi để người dân có đầy đủ thông tin lựa chọn và tham gia vào các thị trường lao động có thu nhập cao, ổn định. Hay xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với nhu cầu, khả năng của người nghèo, gắn với đầu ra của sản phẩm và ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo người có công, hộ nghèo ở những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
 
Ông Nguyễn Sĩ Phúc, Chủ tịch UBND xã Lâm Trạch (Bố Trạch) nêu ý kiến, hàng năm, việc phân bổ vốn cho các công trình, dự án giảm nghèo theo kế hoạch mà địa phương đăng ký còn tình trạng dàn trải, chậm. Nên chăng, nguồn vốn cần được phân bổ tập trung hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn. Như vậy, việc triển khai các dự án thực hiện mục tiêu chung về giảm nghèo bền vững sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn…
 
Trao đổi về giải pháp trong thời gian tới, ông Trịnh Đình Dương nhấn mạnh, các ngành, địa phương cần xác định rõ những công trình, dự án nào có thể lồng ghép với dự án khác. Trên cơ sở này, việc lồng ghép liên dự án đối với các chương trình, dự án có cùng mục đích đầu tư cần được chú trọng nhiều hơn.
 
Các địa phương tích cực huy động, lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách đang triển khai trên địa bàn tỉnh để cùng thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, bảo đảm hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội…
 
Thùy Lâm