Nghĩa tình cựu chiến binh đặc công Hải quân

  • 10:07 | Thứ Sáu, 30/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được thành lập từ năm 1996, Ban liên lạc Cựu chiến binh (BLL CCB) đặc công Hải quân tỉnh đã và đang trở thành “mái nhà chung” của những người lính biển. Tình đồng đội được thể hiện bằng những việc làm tình nghĩa và sự chia sẻ trong lúc khó khăn cũng như lưu giữ những ký ức đẹp đẽ, hào hùng của một "thời hoa lửa"…
 
Ông Trần Hữu Phước, Trưởng BLL CCB đặc công Hải quân tỉnh, chia sẻ: “BLL của chúng tôi hiện còn 60 đồng chí, tất cả đều là lính đặc công Hải quân qua các thời kỳ đã nghỉ hưu, nghỉ công tác chuyển ngành, xuất ngũ đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Trong đó, hiện có 9 CCB đặc công Hải quân từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh…”.
 
Qua những câu chuyện của các CCB đặc công Hải quân, ký ức về cuộc chiến  vẫn còn nguyên vẹn trong mỗi người lính đã làm nên chiến thắng ngày 30-4 lịch sử. Ông Hoàng Mạnh Châm, Chi hội trưởng Chi hội CCB đặc công Hải quân TP. Đồng Hới nhớ lại, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, bộ đội đặc công đã chiếm giữ các vị trí trọng điểm, đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất, tạo điều kiện cho 5 cánh quân chủ lực thần tốc tiến vào đánh chiếm Sài Gòn-Gia Định, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Từ năm 1977 đến năm 1986, lực lượng này tiếp tục chiến đấu bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. 
Các CCB đặc công Hải quân chụp ảnh lưu niệm trong dịp gặp mặt Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4.
Các CCB đặc công Hải quân chụp ảnh lưu niệm trong dịp gặp mặt Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4.
CCB Phạm Văn Bạo, nguyên trung tá, trợ lý giáo dục của Cục Chính trị Quân đoàn 4, là 1 trong 9 CCB đặc công Hải quân tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh bồi hồi nhớ lại... Cuối năm 1973, lúc ấy ông đang là Đại đội phó Đại đội 5, Trung đoàn 1, Đoàn 126 Hải quân đã cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Đông Nam bộ để bắt đầu tham gia chiến dịch. Đơn vị của ông được phân công nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu tại 2 cầu Bến Cát (Bình Dương) và cầu Bình Phước, góp phần đánh vào "thủ đô" địch, phát triển chiến tranh nhân dân tại chỗ, giữ căn cứ, bảo đảm hành lang vận chuyển.
 
Từ tháng 2 đến tháng 4-1975, đơn vị lại được giao nhiệm vụ bảo vệ các cầu để các đoàn quân tiến về Sài Gòn… Đúng 8 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cầu Bình Phước đã chứng kiến một đội quân hùng dũng, với vũ khí hiện đại, ào ào như vũ bão, rầm rập qua cầu tiến vào giải phóng Sài Gòn…
 
Tuổi trẻ của CCB đặc công Hải quân Đào Hữu Hiệp là những năm tháng chiến đấu trong lòng địch với những kỷ niệm không bao giờ quên. Khi biết tin có cán bộ về địa phương tuyển bộ đội đặc công, với ước mơ của tuổi trẻ được cống hiến cho Tổ quốc, ông đã tình nguyện viết đơn xin tham gia quân ngũ. Năm 1972, ông được tham gia chiến đấu trực tiếp tại chiến trường miền Đông Nam bộ. Những trận đánh ông tham gia chủ yếu theo lối đặc công lấy ít đánh nhiều, mỗi trận đánh chỉ từ 5-7 người đột nhập vào trong lòng địch, đi trinh sát các mục tiêu nhằm cung cấp tài liệu cho cơ quan cấp trên để bước vào một chiến dịch quy mô toàn mặt trận…
 
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, phần lớn bộ đội đặc công Hải quân đều phục viên, chuyển ngành. Một số ít cán bộ, chiến sĩ có điều kiện và có trình độ văn hóa tiếp tục học cao đẳng, đại học. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, một số CCB đặc công Hải quân tiếp tục có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, hăng hái thi đua, lao động sản xuất, kinh doanh, nhiều CCB đặc công đã trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương. Nhưng nhiều CCB vừa phải chịu đựng những cơn đau khi vết thương tái phát, vừa phải chật vật mưu sinh giữa đời thường.
 
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, xuất phát từ nguyện vọng chung, BLL CCB đặc công Hải quân tỉnh được thành lập, trong đó, đa phần CCB tham gia nhập ngũ tháng 1-1972. Đây là tổ chức tham gia tự nguyện chủ yếu là đoàn kết tập hợp CCB chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tham gia hoạt động nghĩa tình đồng đội, giúp các hội viên sống vui, sống khỏe và nêu gương sáng.
 
Ông Trần Hữu Phước cho biết, từ khi thành lập đến nay, BLL CCB đặc công Hải quân tỉnh và các chi hội tổ chức cho hội viên họp mặt, tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Cứ vào các năm chẵn kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, BLL lại tổ chức gặp mặt các CCB đặc công Hải quân trên địa bàn tỉnh để cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang, những kỷ niệm của một thời hào hùng, là dịp để các CCB chia sẻ, tâm sự những khó khăn, niềm vui của cuộc sống thường nhật…
 
Với sự nỗ lực cố gắng, BLL đã tạo được nguồn quỹ gần 50 triệu đồng để hỗ trợ nhau nguồn vốn khi cần thiết. Đặc biệt, một số CCB trong BLL đã tổ chức, tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, đồng đội đưa về địa phương, về với thân nhân, gia đình…
 
Những người lính đặc công Hải quân năm xưa, nay phần đông đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trong họ vẫn luôn gìn giữ bản chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Hơn thế, mỗi CCB luôn là một nhân tố tích cực trong xã hội, góp phần thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ để hướng thế hệ trẻ sống có lý tưởng, hoài bão, ý chí phấn đấu vươn lên, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Ông Trần Hữu Phước xúc động cho biết: "Đến thời điểm này, nhiều đồng đội đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, nhiều người đã mất do bệnh tật, còn nhiều đồng chí vĩnh viễn nằm lại trên các chiến trường. Với suy nghĩ, trách nhiệm của những người còn sống, nhất là cùng “chia ngọt sẻ bùi” trong kháng chiến, chúng tôi luôn mong muốn trong thời gian tới, BLL CCB đặc công Hải quân sẽ tiếp tục là "mái nhà chung" thắm đượm nghĩa tình đồng đội".
 
Thùy Lâm