Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở huyện Minh Hóa:

Cần giải pháp đồng bộ và quyết liệt

  • 07:24 | Thứ Tư, 14/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Huyện Minh Hóa luôn xác định công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một giải pháp quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hàng năm trên địa bàn vẫn đạt thấp so với tiềm năng của địa phương. Thực trạng cho thấy, vấn đề này còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi phải có giải pháp hợp lý để tháo gỡ…
 
Nhiều khó khăn, vướng mắc
 
Thời gian qua, số lượng người đi lao động ở nước ngoài có thời hạn hàng năm ở huyện miền núi Minh Hóa không mấy khả quan. Minh chứng rõ nét, năm 2018, toàn huyện có gần 60 lao động xuất cảnh đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, đến năm 2019 có 67 lao động.
 
Năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên chỉ có 23 người... Các địa phương có số lượng NLĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng xấp xỉ trên dưới 10 người thì “đếm trên đầu ngón tay, như: thị trấn Quy Đạt, xã Hóa Hợp, Hóa Tiến, Trung Hóa, Hồng Hóa…
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Minh Hóa cho biết, một trong những nguyên nhân khiến công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt hiệu quả chưa cao là do nhiều năm trước, một số tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh thông báo tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa đúng quy định của pháp luật, chưa làm hết vai trò, trách nhiệm như họ đã cam kết, dẫn đến làm mất lòng tin trong dân. 
Nhiều lao động của huyện Minh Hóa tham gia sát hạch đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản tại Trung tâm Halim (Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Quảng Bình).
Nhiều lao động của huyện Minh Hóa tham gia sát hạch đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản tại Trung tâm Halim (Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Quảng Bình).
Đến nay, vẫn còn thực trạng nhiều NLĐ được vay vốn ngân hàng để tham gia đi làm việc ở nước ngoài nhưng không có khả năng thanh toán nợ do đơn vị tuyển dụng lao động có hành vi “lừa đảo” với tổng số dư nợ lên đến hàng trăm triệu đồng…
 
Bên cạnh đó, chất lượng lao động trên địa bàn Minh Hóa cũng chưa đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường tuyển dụng, nhất là các thị trường có thu nhập cao. Bởi vậy, xảy ra thực trạng NLĐ muốn làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc với điều kiện làm việc tốt, được trả lương cao nhưng do yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đối với các nước này lại cao, khiến nhiều người bị rớt ngoại ngữ sau vòng sát hạch.
 
Đáng nói, ý thức chấp hành kỷ luật lao động của một số lao động còn thấp, tác phong công nghiệp còn kém. Rõ ràng, mặc dù lực lượng lao động của huyện Minh Hóa đông, trẻ, có sức khỏe nhưng chủ yếu là lao động phổ thông và hạn chế về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tay nghề… đã trở thành lực cản đối với hoạt động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
 
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền một số địa phương trên địa bàn huyện chưa quan tâm nhiều đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nên nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.
 
Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa (Minh Hóa) cho biết, NLĐ chưa thay đổi được nhận thức về vai trò, lợi ích đi làm việc ở nước ngoài mang lại, đặc biệt, đa phần đồng bào dân tộc thiểu số có tâm lý ngại đi xa, không muốn rời gia đình và thích làm việc tự do, sống cộng đồng. Nhiều trường hợp người dân địa phương đăng ký nộp hồ sơ, tham gia học tiếng rất “hăng hái”, song đến khi hoàn thiện hồ sơ đi lao động ở các nước thì lại bỏ cuộc, lấy lý do ngại xa nhà, ngại trả nợ.
 
Trên thực tế, nguốn vốn cho NLĐ tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở các ngân hàng hiện nay không thiếu. Thế nhưng, đa phần những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn nên dù được Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi nhưng mức vay chưa thể đáp ứng đủ chi phí của chuyến đi, nhất là những thị trường đòi hỏi chi phí cao, khiến NLĐ loay hoay mãi với "bài toán nguồn vốn”…
 
Cần có giải pháp đồng bộ
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt, để công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của huyện đạt kết quả cao và bền vững rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, địa phương. Trước hết, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các đợt tuyên truyền, tư vấn đến từng thôn, bản về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hoạt động này.
 
Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức của các cấp, ngành và giúp người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ thông tin về thị trường lao động nước ngoài, những quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời, góp phần ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và hạn chế thiệt hại cho NLĐ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn đến NLĐ về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hoạt động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn đến NLĐ về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về hoạt động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp.
Bên cạnh đó, vấn đề khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp tuyển chọn NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có uy tín mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện tại địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động là một trong những giải pháp thiết thực. Cuối năm 2019, UBND huyện Minh Hóa đã chấp thuận cho Trung tâm tư vấn, đào tạo và giáo dục Quốc tế HaLim (thuộc Công ty cổ phần sách và thiết bị trường học Quảng Bình) được phép tham gia tư vấn, đào tạo và tuyển dụng lao động đi nước ngoài tại huyện Minh Hóa.
 
Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm tư vấn, đào tạo và giáo dục Quốc tế HaLim chia sẻ, với mục tiêu lấy chất lượng làm đầu, kế hoạch hàng năm, công ty tuyển từ 30-50 lao động, học sinh tham gia lao động, học tập tại Nhật Bản, Đài Loan.
 
Đáng lưu ý, đơn vị phối hợp thực hiện vay vốn cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo bằng hình thức tín chấp với Ngân hàng CSXH trên cơ sở hồ sơ đã được chấp thuận của đơn vị nhận NLĐ. Đến nay, đơn vị đã tuyển chọn được 12 NLĐ của huyện Minh Hóa tham gia sơ tuyển đi làm việc ở nước ngoài và hiện có 6 lao động đang chờ xuất cảnh Nhật Bản và Đài Loan. 
 
Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Minh Hóa đề nghị, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp làm công tác tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
 
Theo đó, kiên quyết không để các tổ chức, cá nhân chưa xuất trình giấy phép, hồ sơ pháp lý, kế hoạch tuyển chọn lao động trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài với Sở LĐ-TB-XH, chính quyền địa phương được hoạt động trên địa bàn; đồng thời, kịp thời phát hiện các dấu hiệu sai phạm trong quá trình thực hiện chương trình đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và xử lý nghiêm đối với các hành vi tư vấn, tuyển dụng, lợi dụng lòng tin của NLĐ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác, gây bức xúc trong nhân dân.
 
Mặt khác, các ngân hàng thương mại, Ngân hàng CSXH thực hiện tốt chính sách hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tham gia được vay vốn và ưu tiên cho các đối tượng gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay đi làm việc ở nước ngoài.
 
Đồng thời, giao chỉ tiêu số lao động xuất cảnh gắn với trách nhiệm của người đứng đầu UBND các xã, thị trấn trong việc giới thiệu lao động đi làm việc ở nước ngoài... Chỉ bằng cách làm này mới lấy lại lòng tin trong nhân dân, giúp người dân tự tin lựa chọn hướng thoát nghèo nhanh, bền vững.
 
Theo ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, ngoài nỗ lực của người dân và các đơn vị đưa lao động đi, còn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phải thường xuyên cập nhật danh sách những người trong độ tuổi lao động, thiếu việc làm hoặc việc làm không ổn định có khả năng tham gia đi làm việc ở nước ngoài để tư vấn, vận động bảo đảm hiệu quả nhất.
 
Đặc biệt, đối tượng hướng đến là học sinh phổ thông và thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương. Bởi, đây là các đối tượng có nhận thức tốt, có định hướng nghề nghiệp và phần lớn chưa có gia đình, nên việc tham gia học tập ngoại ngữ để đi làm việc ở nước ngoài tại các thị trường sẽ thuận lợi hơn…
 
Thùy Lâm