Khôi phục hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

  • 08:43 | Thứ Tư, 24/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2020, hoạt động đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài là một trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Để từng bước phục hồi hoạt động phù hợp với tình hình, các cấp, ngành, địa phương phải chuẩn bị các điều kiện để thúc đẩy hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hậu Covid-19 đạt hiệu quả.
 
Qua trao đổi, ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh (LĐ-TB-XH) cho biết, hàng năm, nhu cầu NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh khoảng từ 5.000-7.000 lao động. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 15.000-17.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng tháng gửi về nước hàng trăm tỷ đồng. Hiệu quả mà lao động đi làm việc ở nước ngoài mang lại không thể phủ nhận về cả mặt kinh tế lẫn xã hội.
 
Trước hết, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với việc làm trong nước, trong khi vốn đầu tư ít nhưng mang lại lợi ích kinh tế cao, đời sống bản thân và gia đình được cải thiện đáng kể. Mặt khác, trong quá trình làm việc tại nước ngoài, NLĐ được học hỏi thêm về ngoại ngữ, tiếp cận với các phương pháp làm việc tiên tiến, tiếp thu công nghệ mới, có điều kiện nâng cao tay nghề… nên sẽ tạo cơ hội sau khi về nước để lập nghiệp. 
Các lao động có nhu cầu đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng tham gia tập huấn nâng cao kiến thức xuất ngoại an toàn.
Các lao động có nhu cầu đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng tham gia tập huấn nâng cao kiến thức xuất ngoại an toàn.
Ngoài ra, công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài được coi là một bộ phận của chính sách giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng làm giảm bớt các tệ nạn xã hội do tình trạng thất nghiệp gây ra.
 
Vì vậy, số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong 2 năm trở lại đây đã tăng mạnh. Cụ thể, năm 2018, toàn tỉnh có 3.350 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đến năm 2019, gần 4.200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến năm 2020, sự xuất hiện và bùng phát của đại dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội.
 
Từ đó, số NLĐ được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài cũng buộc tạm hoãn thời gian xuất cảnh do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Năm 2020, tỉnh ta chỉ có khoảng 2.100 lao động được xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 57% kế hoạch năm), trong đó chủ yếu các thị trường, như: Đài Loan 690 người, Nhật Bản 450 người, Hàn Quốc 80 người...
 
Ông Hồ Tân Cảnh cho biết, trong năm 2021, tỉnh phấn đấu có khoảng 3.500 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 hiện còn diễn biến phức tạp, hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ở trong nước, dịch bệnh đã lan ra nhiều tỉnh, thành, do đó, công tác tuyển lao động mới không thể triển khai rộng rãi.
 
Các thị trường lao động nước ngoài cũng hạn chế tiếp nhận lao động, trong đó, đáng chú ý, thị trường Nhật Bản hiện đã dừng cung cấp visa cho lao động nước ngoài. Mặt khác, nhằm mở rộng thị trường lao động và tạo điều kiện cho NLĐ có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức đoàn công tác sang làm việc tại thành phố Yeongju (Hàn Quốc) và hai địa phương đã ký bản ghi nhớ chương trình hợp tác về lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chương trình thí điểm đưa lao động nông nghiệp sang làm việc tại Hàn Quốc đến nay vẫn chưa thể triển khai được…
 
Trước những khó khăn, thách thức như vậy, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Sở LĐ-TB-XH, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Công văn số 1945 yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, xác định trạng thái bình thường mới, từng bước khôi phục và thúc đẩy hoạt động đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trên cơ sở đó, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh cần quan tâm và chuẩn bị các điều kiện để đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng hậu Covid-19.
 
Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách và đưa ra các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với NLĐ trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các địa phương phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lao động-việc làm, nhất là hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh để NLĐ nắm bắt và thực hiện hiệu quả.
 
Bên cạnh đó, các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương chấn chỉnh tình trạng một số doanh nghiệp, cá nhân không có chức năng, không có giấy phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng lợi dụng sự thiếu thông tin, kém hiểu biết cộng với tâm lý NLĐ để thực hiện lừa đảo, gây thiệt hại về kinh tế và mất ổn định về xã hội.
 
Theo ông Phan Nam, Trưởng phòng Chính sách lao động (Sở LĐ-TB-XH), đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm dịch vụ việc làm đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và dịch vụ việc làm (Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên); 10 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
 
Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trên tinh thần vừa tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế, vừa xác lập tình trạng bình thường mới trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
 
Cụ thể, các doanh nghiệp dịch vụ nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn của cơ quan chức năng địa phương về phòng, chống dịch Covid-19 trong công tác tư vấn, tuyển chọn, đào tạo NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; kết hợp đào tạo trực tuyến đối với NLĐ chưa thể tập trung đào tạo trực tiếp.
 
Doanh nghiệp cũng phải chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài trên cơ sở chính sách, quy định sở tại về xuất, nhập cảnh và tiếp nhận lao động nước ngoài để bảo đảm NLĐ nhập cảnh hợp pháp, an toàn, bảo đảm tối đa quyền lợi của NLĐ trong trường hợp phải thực hiện cách ly sau khi nhập cảnh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ tiền lương, sinh hoạt của NLĐ theo hợp đồng đã ký…
 
Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng đề xuất giải pháp, đó là chú trọng đào tạo và giáo dục định hướng nghề nghiệp cho NLĐ để tạo nguồn cung lao động có chất lượng; đồng thời, tổ chức các khóa tập huấn định hướng về đưa NLĐ đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng để tạo nguồn kịp thời cho các doanh nghiệp. Có như vậy, khi dịch bệnh Covid-19 ổn định, NLĐ đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng sẽ sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu vào các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao và giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại các nước…
 
Thùy Lâm