Tạo sinh kế cho nông dân từ đào tạo nghề

  • 10:00 | Thứ Năm, 21/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Địa hình tự nhiên phức tạp, chủ yếu là đồi núi, khe suối đan xen, cùng với điều kiện kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp đã khiến cho người dân trên địa bàn huyện Tuyên Hóa khó có được việc làm và thu nhập ổn định. Chính vì vậy, những năm qua, Tuyên Hóa xem công tác đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ là giải pháp phát triển các ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
 
Từ một gia đình nhiều năm liền là hộ nghèo, năm 2017, gia đình anh Đinh Tùng Sơn ở thôn 5 Thanh Lạng (xã Thanh Hóa) đã thoát nghèo. Anh Sơn cho biết, gia đình có 4 nhân khẩu, nhưng chỉ có 2 sào ruộng lúa, trong đó có 1 sào thuê lại ruộng của người khác. Trước đây, để có thêm thu nhập nuôi sống gia đình, anh phải làm “thợ đụng”, hễ ai thuê làm việc gì anh cũng làm. “Thú thực, trước đây, tôi còn thời gian đi rừng, làm lâm tặc”, anh Sơn bộc bạch.
 
Năm 2016, khi huyện Tuyên Hóa mở lớp đào tạo nghề làm chổi đót tại xã Thanh Hóa, anh liền đăng ký tham gia. Trước đó, gia đình bố mẹ vợ anh cũng có truyền thống làm nghề chổi đót, nhưng cũng chỉ là nghề phụ. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, thấy được tiềm năng phát triển và nguồn thu nhập của nghề này mang lại, từ đó, cả gia đình anh tập trung làm chổi. Giờ đây, nghề làm chổi đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh với khoảng 9 triệu đồng/tháng.    
Một khóa đào tạo nghề mây tre đan nâng cao của HTX mây tre đan Vân Sơn (xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa).
Một khóa đào tạo nghề mây tre đan nâng cao của HTX mây tre đan Vân Sơn (xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa).
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa cho biết, Thanh Hóa là xã miền núi khó khăn của huyện Tuyên Hóa, nên công tác tạo việc làm cho người dân nơi đây rất gian nan. Các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã do huyện mở đã tạo cơ hội việc làm cho người dân. Nhiều ngành nghề truyền thống trước đó người dân chỉ xem là nghề phụ, nhưng giờ đây đã trở thành nghề chính, mang lại nguồn thu nhập cao. Tuy nhiên, có một số ngành nghề sau đào tạo, người dân không duy trì được. Nguyên nhân là do việc bao tiêu, đầu ra cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Nếu giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả của công tác đào tạo nghề sẽ mang lại kết quả cao hơn.     
 
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa Lương Công Đức cho biết, hàng năm, Tuyên Hóa có khoảng 3.000 đến 3.350 người đến độ tuổi lao động. Nguồn lao động trẻ tăng nhanh đã tạo sức ép lớn về giải quyết việc làm cho địa phương. Vì vậy, huyện đã xác định đào tạo nghề, gắn với phát triển ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động là giải pháp hiệu quả để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Đặc biệt, đào tạo nghề cho lao động nông thôn vừa giúp người dân tạo việc làm tại chỗ, vừa góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Thời gian qua, UBND huyện đã tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.  
 
Qua 4 năm triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện, hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện đã đạt trên 45%, trong đó đào tạo nghề đạt trên 33%. Nhờ được trang bị kiến thức, kỹ thuật lao động sản xuất, người dân đã tự tạo được việc làm tại chỗ, góp phần nâng cao thu nhập.
 
Để đạt được kết quả nói trên, theo ông Lương Công Đức, việc mở các lớp đào tạo nghề trên địa bàn luôn gắn với các lợi thế, tiềm năng sẵn có của từng vùng miền, địa phương và nhu cầu thực tế của người dân. Bên cạnh đó, các khóa đào tạo còn gắn liền với việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, đề án phát triển kinh tế trọng tâm của huyện, như: chăn nuôi bò lai, gia cầm, trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi ong. Điều đó sẽ giúp cho người dân vừa nâng cao kiến thức, kỹ thuật về ngành nghề, vừa tự tạo được việc làm ngay trên mảnh đất quê hương. Do vậy, ngay sau khi tham gia các khóa đào tạo, người dân có thể áp dụng ngay vào thực tiễn.
 
Dương Công Hợp