Quỹ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển": Đồng hành cùng phụ nữ nghèo

  • 14:12 | Thứ Tư, 20/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, Quỹ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển” (thuộc Hội LHPN tỉnh) đã tạo động lực cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn tỉnh mạnh dạn phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
 
Quỹ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển” được triển khai với phương thức vay tín dụng, thông qua tổ bảo lãnh trả góp hàng tháng, mức cao nhất là 50 triệu đồng/hộ/năm. Quỹ tập trung ưu tiên hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ làm chủ hộ, phụ nữ vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để đầu tư sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình nhằm song hành mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội. Ngoài đối tượng cho vay là hộ nghèo, nguồn vốn còn được mở rộng đến các hộ khó khăn, thiếu vốn trong chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ.
 
Hiện nay, Quỹ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển” đang triển khai hoạt động tín dụng tiết kiệm tại 74 xã trên toàn tỉnh với 18.992 thành viên tham gia; tổng dư nợ toàn quỹ đến cuối năm 2020 là 246.570 triệu đồng.
 
Quỹ đã tổ chức giám sát, hỗ trợ 73 nhóm “Tiết kiệm vốn vay thôn bản”  với 1.019 thành viên tại 15 xã vùng núi, vùng dân tộc thiểu số với tổng số tiền tiết kiệm được gần 2,5 tỷ đồng, cho 278 thành viên vay vốn với số tiền gần 1,4 tỷ đồng để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ. 
Bà Lê Thị Loan với vườn dưa lưới của gia đình.
Bà Lê Thị Loan với vườn dưa lưới của gia đình.
Mô hình hoạt động của quỹ phù hợp với hộ hội viên có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo. Việc cung cấp các khoản vay phù hợp theo hình thức trả dần hàng tháng đã tạo thói quen tiết kiệm thường xuyên. Nhiều mô hình kinh tế được xây dựng, duy trì và mở rộng quy mô.
 
Bà Đỗ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, Giám đốc Quỹ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển” cho biết: "Quỹ đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, khóa đào tạo, tham quan mô hình phát triển kinh tế; hội thảo về tài chính nông nghiệp, nông thôn dành cho người nghèo.
 
Nguồn vốn vay của quỹ đã góp phần giúp 159 hộ nghèo có thành viên vay vốn thoát nghèo, 155 hộ cận nghèo vươn lên hộ trung bình, 8 hộ trung bình vươn lên hộ khá, 98 thành viên vay vốn có mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi; vận động 600 thành viên vay vốn xây dựng nhà vệ sinh và công trình nước sạch đạt chuẩn, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường".
 
Gia đình bà Lê Thị Loan, sinh năm 1957, thôn Tân Lộc, xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy vốn là một hộ cận nghèo của xã. Năm 2010, với khoản vay trên 5 triệu đồng từ Quỹ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển” thông qua chi nhánh huyện Lệ Thủy, bà bắt đầu thực hiện mô hình dưa lưới với diện tích nhỏ.
 
Ban đầu, bà trồng dưa lưới chủ yếu dựa trên kinh nghiệm truyền thống, chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật, chưa chú trọng đầu tư hệ thống tưới tiêu ... nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao. Không nản lòng, bà cùng con gái đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm của nhiều hộ gia đình trồng dưa lưới, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do dự án, địa phương tổ chức.
 
Năm 2017, bà tiếp tục vay vốn tại quỹ và các tổ chức tài chính khác kết hợp với số tiền tích lũy được, bà xây dựng hệ thống nhà màng để trồng dưa lưới và đầu tư làm thêm nhiều giàn để trồng các loại rau, củ, quả, như: mướp đắng, thanh long... Đồng thời, bà tìm tòi, học hỏi và áp dụng kỹ thuật trồng cây dưa lưới mang lại năng suất, chất lượng cao, chủ động tìm đầu ra tiêu thụ cho các sản phẩm tại các chợ địa phương, cửa hàng rau, quả sạch....
 
Đến nay, mô hình cho thu hoạch 2 lứa/năm, cung cấp cho các hộ dân tại địa phương và các tỉnh lân cận, tạo việc làm thường xuyên cho 3 thành viên trong gia đình và 5 lao động thời vụ. Mô hình kinh tế đã mang đến cho gia đình bà nguồn thu 250-300 triệu đồng/năm và giúp gia đình thoát nghèo năm 2017. Bà Loan cho biết, trong tương lai, bà có kế hoạch mở rộng quy mô diện tích nhà kính từ 700m2 lên 1.500m2, trồng thêm thanh long ruột đỏ, dưa lưới quả to, các loại rau sạch... cung cấp tận nhà cho các hộ dân, tạo thêm việc làm cho nhiều chị em phụ nữ trong thôn, xã.
 
Quỹ "Hỗ trợ phụ nữ phát triển” đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn của phụ nữ là rất lớn, đặc biệt là phụ nữ nghèo, trong khi nguồn vốn vay của quỹ còn hạn chế. Vì vậy, để phát huy hơn nữa hiệu quả của nguồn quỹ, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành. Đồng thời, cần tuyên truyền, vận động để các thành viên đẩy mạnh phát triển những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
 
Phạm Hà