Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh

  • 08:47 | Thứ Tư, 13/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện đổi mới và phát huy tính linh hoạt, sáng tạo trong công tác cai nghiện ma túy, thời gian qua, bên cạnh việc tổ chức điều trị, chăm sóc phục hồi sức khỏe, cai nghiện ma túy cho học viên, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) còn chú trọng tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, lao động trị liệu. Qua đó, giúp các học viên vừa học nghề vừa tham gia lao động sản xuất để rèn luyện sức khỏe và phát triển các kỹ năng hòa nhập cộng đồng…
 
Sau một lần bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy, N.N.C (SN 1991), ở tổ dân phố 1, thị trấn Hoàn Lão (Bố Trạch) đều dành hầu hết thời gian trong ngày cho những cơn nghiện và say thuốc, cho đến khi gia đình phát hiện, phối hợp với địa phương đưa đi cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Trải qua những cơn vật vã vì “đói” thuốc, được sự chăm sóc tận tình cùng những lời khuyên nhủ, động viên của cán bộ, nhân viên cơ sở, đến nay, N.N.C đang giai đoạn cắt cơn, phục hồi sức khỏe.
 
Vào đây, N.N.C phần nào nhen nhóm hy vọng, sau khi trở về sẽ viết tiếp những giấc mơ còn dang dở. N.N.C bộc bạch: "Chỉ vì một lần muốn thử cảm giác lạ mà tôi đã lạc lối, sa ngã, đánh đổi cả tương lai vào ma túy. Sau này, khi tôi được trở về với gia đình, cộng đồng, từ những kiến thức được giáo dục và lao động trị liệu trong thời gian ở cơ sở, tôi sẽ tìm chỗ để vừa học, vừa làm nhằm ổn định cuộc sống, quyết tâm từ bỏ ma túy, làm ăn lương thiện…”.
 Các học viên tích cực tham gia lao động trị liệu, thực hiện tốt quy chế tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh
Các học viên tích cực tham gia lao động trị liệu, thực hiện tốt quy chế tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh
Trường hợp T.Đ.T (SN 1975), ở xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) phải vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cuối tháng 7-2020 để điều trị, cai nghiện cũng do nghe lời bạn thử cho biết, đến một lúc thì bản thân không còn kiểm soát được và trở thành con nghiện.
 
Vào đây, T.D.T còn được tạo điều kiện tham gia lao động trị liệu bằng hình thức chăn nuôi tăng gia sản xuất tại cơ sở. “Không bao lâu nữa tôi được tái hòa nhập cộng đồng, tôi sẽ tránh xa bạn xấu, quyết tâm làm lại cuộc đời, cố gắng kiếm tiền phụ giúp gia đình, sống có ích cho xã hội…”, T.Đ.T trải lòng…
 
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh hiện có 109 đối tượng, trong đó, 4 đối tượng cai nghiện bắt buộc và 105 đối tượng cai nghiện tự nguyện. Để thực hiện tốt nhiệm vụ cai nghiện cho học viên tại cơ sở, bên cạnh việc chữa bệnh, chăm sóc phục hồi sức khỏe, đơn vị tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe và tư vấn, phổ biến giáo dục pháp luật về chính sách cai nghiện ma túy cho học viên.
 
Từ đó, học viên nâng cao nhận thức và phục hồi hành vi nhân cách. Ngoài ra, các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, như: đánh bóng chuyền, bóng đá, cầu lông… cũng tạo môi trường, không khí vui tươi, lành mạnh để học viên rèn luyện sức khỏe. Đặc biệt, để đa dạng hóa các biện pháp điều trị cai nghiện, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh thường xuyên chú trọng đến công tác dạy nghề gắn với lao động trị liệu cho học viên.
 
Ông Trần Đình Quý, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, cho biết, trước khi mở lớp dạy nghề, cơ sở đều tổ chức khảo sát, lấy ý kiến học viên muốn theo học ngành nghề nào. Các khóa học đều được đào tạo bởi những giáo viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao.
 
Những nghề được đào tạo sát với yêu cầu thực tế, giúp học viên sau khi trở về địa phương có cơ hội tìm được việc làm, tái hòa nhập cộng đồng. Trên cơ sở đó, ngay từ đầu năm 2020, cơ sở xây dựng kế hoạch dạy nghề gắn với lao động trị liệu với các công việc, như: trồng cây xanh, rau xanh, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm…
 
Hiện nay, cơ sở đang từng bước mở rộng khu tăng gia sản xuất để duy trì cho học viên lao động đi đôi việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và bảo đảm dụng cụ, bảo hộ lao động cho học viên. Các học viên đều có ý thức trong tham gia lao động trị liệu, thực hiện tốt quy chế lao động.
 
Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, cơ sở từng bước khắc phục và chủ động phối hợp với các trường cao đẳng nghề trong tỉnh đào tạo cấp chứng chỉ cho 60 học viên và tổ chức nhiều việc làm thường xuyên để học viên lao động trị liệu.
 
Theo ông Trần Đình Quý, thông qua các công việc do cơ sở tổ chức, học viên vừa được phục hồi sức khỏe, rèn luyện các kỹ năng lao động, tính kỷ luật, dẻo dai vừa tăng thu nhập cho đơn vị và cải thiện bữa ăn hàng ngày cho học viên… Từ đó, giúp học viên thay đổi hành vi, nhân cách, có suy nghĩ tích cực hơn trong tham gia các hoạt động.
 
Đáng lưu ý, việc dạy nghề gắn với hoạt động lao động trị liệu còn hỗ trợ các học viên đang cai nghiện và người sau cai nghiện tăng cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tái nghiện. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhất, tiếp thêm niềm tin cho học viên, xóa bỏ mặc cảm, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và phòng, chống tái nghiện hiệu quả.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh hiện còn nhiều khó khăn và bất cập. Đó là tình trạng số người nghiện gia tăng và xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp ngày càng phổ biến đã gây khó khăn trong quá trình điều trị. Bởi, trong khi Bộ Y tế chưa có phác đồ "dùng thuốc" cai nghiện ma túy tổng hợp, mà giải pháp hiện nay chỉ điều trị triệu chứng.
 
Đây cũng là khó khăn trong việc điều trị cai nghiện dứt điểm về cả tâm lý cũng như sức khỏe của người nghiện. Mặt khác, công tác cai nghiện là việc làm đặc thù, thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện độc hại, nhiều nguy cơ, nguy hiểm đến thân thể nên khó thu hút cán bộ, nhân viên vào làm việc. Vì vậy, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế tại cơ sở còn thiếu và chưa có bác sỹ nên trong quá trình khám chữa bệnh cho học viên bị ảnh hưởng, khó đáp ứng theo quy định.
 
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh chia sẻ thêm, cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện và chữa bệnh của đơn vị đến nay đầu tư chưa đồng bộ. Một số hạng mục công trình đã quy hoạch trong tổng thể dự án được UBND tỉnh phê duyệt nhưng hiện vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu nên gây nhiều khó khăn trong công tác chữa trị cai nghiện cho đối tượng.
 
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn liên quan, việc áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải trải qua nhiều tầng nấc, rườm rà, gây khó khăn cho các cấp, ngành trong quá trình thực hiện.
 
Do đó, đối tượng bắt buộc vào cai nghiện tại cơ sở theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP chưa nhiều, chủ yếu là đối tượng cai nghiện tự nguyện với thời gian ngắn. Từ đó, dẫn đến công tác đào tạo nghề còn hạn chế, các học viên sau khi cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về cộng đồng khó kiếm việc làm để ổn định cuộc sống…
 
Có thể nói, thực trạng khó khăn về cơ chế, chính sách hiện tại tác động đến hoạt động tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh. Trong khi đó, tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp, người nghiện tăng nhanh qua các năm. Vì vậy, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, từng bước giảm người nghiện ma túy, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải tiếp tục quan tâm và tháo gỡ những khó khăn cho đơn vị...
 
Thùy Lâm