Mật mía làng Khiên

  • 08:01 | Chủ Nhật, 10/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vào độ trung tuần tháng 11 âm lịch hàng năm, khi tiết trời bắt đầu se lạnh, ấy là lúc làng Khiên (thôn Trung Thủy, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa) bắt đầu mùa mật mía. Nổi tiếng với độ thơm ngon và màu sắc đẹp, mật mía làng Khiên được người dân trong vùng và nhiều nơi khác tìm mua vào dịp giáp Tết Nguyên đán.
 
Nghề trồng mía làm mật đã gắn bó với người dân làng Khiên non thế kỷ nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các thế hệ người dân nơi đây vẫn giữ “ngọn lửa lò” như một nét đẹp truyền thống của làng mình. Theo các cụ cao niên đã gắn bó với nghề làm mật mía lâu năm kể lại, việc trồng mía và nấu mật ở làng Khiên có từ khoảng thập kỷ 30 của thế kỷ trước. Thuở ấy, một số gia đình có điều kiện đã trồng mía và xây lò để nấu mật, dần dần nhiều gia đình cùng làm, tạo nên “thương hiệu” mật mía làng Khiên nổi tiếng xa gần.
 Khi cây mía đủ độ chín, thân mía lên màu vàng óng, người dân chặt bỏ phần ngọn và gốc, sau đó đem về ép mật.
Khi cây mía đủ độ chín, thân mía lên màu vàng óng, người dân chặt bỏ phần ngọn và gốc, sau đó đem về ép mật.
Về làng Khiên những ngày này sẽ bắt gặp hình ảnh người dân đang rộn ràng thu hoạch mía. Quyện trong từng cơn gió, mùi mật mía thơm lừng tỏa ra từ lò mật khiến ta cảm nhận được hương vị của ngày Tết đang đến gần.
 
Để có mùa mật ngọt, người trồng mía đã dày công vun trồng, chăm sóc suốt cả năm. Cây mía trải từng mùa nắng hạn rồi bão lụt để kết tinh trong mình lượng nước vừa ngọt vừa thanh mát. Khi cây mía đủ độ chín, thân mía lên màu vàng óng, người dân chặt bỏ phần ngọn và gốc, sau đó đem về lò ép mật. Công đoạn ép mía trước đây được làm thủ công nên năng suất kém. Ngày nay, người dân làng Khiên đã biết dùng máy ép, vừa năng suất, vừa bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Nước mía thu về được để lắng, lọc cặn rồi đem vào lò nấu mật.
 
Quá trình nấu là công đoạn quan trọng nhất để quyết định chất lượng của một mẻ mật mía. Người nấu mật phải biết giữ cho ngọn lửa trong lò cháy đều. Nếu lửa lớn quá mật sẽ bị trào hoặc bị cháy, lửa nhỏ quá thì sẽ mất thời gian và mật sẽ có độ chua. Trong khi nấu mật, người nấu phải dùng những chiếc vợt lớn luôn tay vớt bỏ phần bọt đen và tạp chất cho sản phẩm có màu đẹp. Khi lượng nước mía trong chảo cạn chừng 30 đến 50% thì nhấc ra khỏi lò, để nguội, sau đó tiếp tục lắng, lọc cặn một lần nữa rồi cho lên lò đun tiếp cho đến khi thành mật.
Mật mía làng Khiên nổi tiếng với độ thơm ngon và màu sắc đẹp.
Mật mía làng Khiên nổi tiếng với độ thơm ngon và màu sắc đẹp.
Quá trình nấu mật mía kết thúc khi mẻ mật trở nên sánh mịn, đặc, thơm, có màu vàng cánh gián. Phải những người có kinh nghiệm mới biết chọn đúng thời điểm để lấy mật đạt chất lượng. Thời gian nấu một mẻ mật mía từ 15 đến 20 giờ.
 
Nét đẹp của nghề làm mật mía làng Khiên là sự đoàn kết, chia sẻ lẫn nhau từ khâu trồng mía cho đến thu hoạch. Cả làng dùng chung một máy ép mía và một lò nấu mật, đến lượt nhà nào thu hoạch thì người làng tập trung làm giúp trong một ngày, hôm sau lại đến nhà khác. Chính vì vậy mà lò mật ở làng Khiên thường đỏ lửa trong vòng một tháng. Hàng đêm, dân làng tụ họp quanh lò nấu mật vừa chuyện trò, vừa canh mật cùng gia chủ. Cũng từ đây, tình làng nghĩa xóm được vun đắp thêm bền chặt.
 
Tuy sản lượng chưa nhiều nhưng nghề làm mật mía làng Khiên cũng đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Ngồi bên những mẻ mật mới ra lò, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, gia đình bà trồng một sào mía, mỗi năm cho thu được khoảng 200 lít mật, giá bán 1 lít hiện nay dao động từ 120.000-150.000 đồng, mật có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.
 
Theo ông Nguyễn Quyết Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Hóa, do tác động của quá trình đô thị hóa nên diện tích trồng mía của địa phương bị thu hẹp dần. Hiện nay, diện tích trồng mía trên địa bàn xã chỉ còn 2ha, riêng ở làng Khiên là 1,5ha. Thu nhập từ nghề làm mật mía hàng năm khoảng 400.000.000 đồng. 
Mật mía có mặt trong bữa ăn của nhiều gia đình.
Mật mía có mặt trong bữa ăn của nhiều gia đình.
Xác định đây là nghề truyền thống và có hiệu quả kinh tế cao nên hiện nay, xã Tiến Hóa đã thành lập Hợp tác xã mật mía làng Khiên và vận động người dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mía, đưa sản phẩm mật mía làng Khiên tham gia chương trình OCOP. Thời gian tới, xã Tiến Hóa sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía, xây dựng thương hiệu để sản phẩm mật mía làng Khiên được nhiều người biết đến, tiêu thụ rộng rãi hơn, mang lại thu nhập cao cho người dân.
 
Ở huyện Tuyên Hóa, nghề làm mật mía hiện nay chỉ còn tồn tại ở làng Khiên và sản phẩm lúc nào cũng được tiêu thụ hết bởi nhiều người có thói quen dùng mật mía để chế biến thức ăn như: kho cá, thịt, dùng nấu chè, làm bánh ngọt trong các dịp lễ, Tết, ngày rằm… Và với nhiều gia đình, Tết sẽ không trọn vẹn nếu không có hũ mật mía trong nhà. Nghề làm mật mía làng Khiên nhờ đó vẫn duy trì theo thời gian như một nét hồn quê níu giữ ta về bên mái nhà xưa, trong một cái Tết ngọt ngào, đầm ấm.
                                                                                                           
Văn Tư