"Gỡ khó" đào tạo nghề cho lao động nông thôn

  • 07:44 | Chủ Nhật, 15/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong giai đoạn 2016-2020, Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020” theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956), được xem như chìa khóa giúp LĐNT có việc làm, tăng nguồn thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững ở nhiều địa phương. Dù hiệu quả đề án mang lại là rất lớn, song cũng còn không ít khó khăn, bất cập cần có biện pháp tháo gỡ để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
 
Những kết quả tích cực
 
Là một lao động phổ thông, năm 2018, chị Nguyễn Thị Hồng, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đăng ký tham gia lớp nghiệp vụ nhà hàng do TP. Đồng Hới phối hợp với Trường cao đẳng nghề Quảng Bình tổ chức. Sau 3 tháng đào tạo, chị Hồng được cấp chứng chỉ nghề. Chị Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, với những kiến thức và kỹ năng tích lũy từ khóa học, chị mở quán giải khát ngay tại nhà. Với thực đơn phong phú và các loại đồ uống pha chế chất lượng, quán thu hút đông khách, góp phần nâng cao thu nhập gia đình...
 
Đây chỉ là 1 trong rất nhiều trường hợp sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cho LĐNT áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Theo bà Trần Thị Lân, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP. Đồng Hới, giai đoạn 2016-2019, thực hiện Quyết định số 1956, thành phố hỗ trợ gần 2.200 LĐNT/66 lớp tham gia học nghề ở các lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp với tổng kinh phí đào tạo gần 12 tỷ đồng.
Các ngành nghề dịch vụ, nghề phục vụ du lịch được nhiều LĐNT lựa chọn vì các doanh nghiệp thường tuyển dụng sau đào tạo.
Các ngành nghề dịch vụ, nghề phục vụ du lịch được nhiều LĐNT lựa chọn vì các doanh nghiệp thường tuyển dụng sau đào tạo.
Theo thống kê, tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo chiếm trên 70%, trong đó, các ngành nghề dịch vụ, nghề phục vụ du lịch được nhiều LĐNT lựa chọn vì các doanh nghiệp, nhà hàng tuyển dụng vào làm việc sau đào tạo, như: may công nghiệp, chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng, pha chế đồ uống-bar…
 
Qua trao đổi, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, thực hiện Đề án 1956, công tác đào tạo nghề LĐNT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trước hết, nhận thức của các cấp chính quyền và người dân với công tác đào tạo nghề cho LĐNT có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều địa phương huy động được sự tham gia cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác đào tạo nghề.
 
Chính quyền các cấp cũng chủ động gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với tái cơ cấu ngành nghề nông nghiệp. Đáng chú ý, công tác đào tạo nghề cho LĐNT được phân cấp trực tiếp về các huyện, thị xã, thành phố, tạo điều kiện cho các địa phương trong việc lựa chọn ngành nghề đào tạo, chủ động phát triển ngành nghề phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, từng vùng, đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.
 
Đặc biệt, người học, người lao động cũng từng bước thay đổi nhận thức, tư duy đối với việc học nghề. LĐNT từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, học chỉ để biết thì chuyển sang chủ động lựa chọn nghề, tham gia đào tạo, học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Nhiều LĐNT học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có trên 62.280 LĐNT tham gia học nghề, trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp hơn 8.180 người; đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng gần 54.100 người. Riêng LĐNT được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 trên 17.900 người (đạt 76% so với số LĐNT được hỗ trợ đào tạo).
 
Điều đáng mừng là nhiều địa phương, hội đoàn thể đã khảo sát, tổ chức dạy những nghề mà LĐNT đang cần, nên sau khi đào tạo phát huy được hiệu quả. Đơn cử, mô hình đào tạo nghề ở xã Sơn Trạch (Bố Trạch), hơn 600 LĐNT chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang làm du lịch, nhiều gia đình xây dựng homestay, tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng thu hút đông đảo khách du lịch, tạo công ăn việc làm cho bản thân, gia đình và xã hội.
 
Ngoài ra, trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, một số nghề được LĐNT đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập và giá trị sản phẩm hàng hóa. Nhiều hộ vươn lên thành hộ khá và giàu từ các nghề, như: nuôi ong lấy mật, chế biến nước mắm, hấp và sấy cá, mực, tôm, trồng và khai thác rừng, cao su, trồng rau an toàn… Tiêu biểu, HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ, chế biến hải sản Long Tám, ở thôn Đồng Dương, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) được chọn để tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP, giải quyết việc làm cho trên 10 lao động sau đào tạo nghề với thu nhập ổn định…
 
Còn đó những bất cập
 
Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn còn những “nút thắt” cần được tháo gỡ. Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, thực tế cho thấy, một trong những khó khăn, bất cập là công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp ở một số địa phương chưa sát với thực tế phát triển kinh tế-xã hội và điều kiện, năng lực của người học. 
   Học viên tham gia thực hành tại lớp đào tạo nghề trồng nấm sò được tổ chức tại phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn).
Học viên tham gia thực hành tại lớp đào tạo nghề trồng nấm sò được tổ chức tại phường Quảng Phúc (TX. Ba Đồn).
Có địa phương lại bỏ qua khâu tư vấn học nghề để tổ chức mở lớp nghề theo đăng ký nên nhiều lớp nghề phải thay đổi đối tượng học, lớp học không bảo đảm sĩ số, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Điều này dẫn đến tình trạng đào tạo không đi đôi với giải quyết việc làm, chưa tiến tới mục tiêu cải thiện điều kiện sống cho LĐNT cũng như thúc đẩy kinh tế địa phương mà đề án đặt ra.
 
Mặt khác, chị Nguyễn Tuyết Mai, LĐNT ở xã Đức Ninh (TP. Đồng Hới), chia sẻ, lâu nay, việc hỗ trợ cho LĐNT thông qua các lớp đào tạo ngành nghề (không phải trực tiếp cho người lao động), nhưng danh mục ngành nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng lại có sự “hạn chế” dẫn đến “cầu một đằng, cung một nẻo”, chưa đáp ứng được nhu cầu thực sự của người học và thực tế đời sống hiện nay. Do vậy, LĐNT chưa được tạo điều kiện trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp để theo đuổi và lập nghiệp.
 
Theo phản ánh của nhiều LĐNT, đối với với các nghề phi nông nghiệp, do thời gian các lớp nghề chủ yếu hỗ trợ đào tạo ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) nên học viên mới sơ bộ nắm được cách sử dụng công cụ và kiến thức cơ bản. Nhiều lớp học nghề được tăng cường trang thiết bị, máy móc dạy nghề nhưng vẫn không theo kịp thay đổi công nghệ sản xuất trong thực tế.
 
Mặt khác, học viên không có điều kiện thực hành tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nên tay nghề yếu, lao động khó tìm kiếm được việc làm sau đào tạo, nhất là lĩnh vực yêu cầu có tay nghề cao, như: hàn, lái máy, kỹ thuật xây dựng, điện…
 
“Một số cơ sở đào tạo nghề ở các địa phương tập trung đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy các nghề phi nông nghiệp, trong khi các nhóm nghề nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lao động đã được đào tạo. Không những vậy, trình độ giáo viên một số nghề và số lượng giáo viên cơ hữu về dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo...”, bà Đinh Thị Ngọc Lan cho biết thêm.
 
Thực trạng hiện nay, lao động trẻ nếu không làm công nhân, viên chức cũng rẽ hướng làm công nhân ở các khu công nghiệp. Thanh niên nông thôn rất ít quan tâm, gắn bó với học nghề, nhất là các nghề nông nghiệp, dẫn đến tình trạng đào tạo nghề cho LĐNT đang thiếu hụt lao động trẻ. Ngoài ra, cơ chế chính sách cụ thể để tạo điều kiện hỗ trợ LĐNT trước và sau khi học nghề chưa thỏa đáng, chưa có sự quan tâm, vào cuộc có hiệu quả của các doanh nghiệp, công ty, nhà máy trong việc hỗ trợ đào tạo, thu hút lao động và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người sau học nghề…
 
Có thể nói, những năm qua, Đề án 1956 đã góp phần thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất để nâng cao đời sống. Nhưng để đạt hiệu quả cao hơn trong thực tiễn, đề án cần được đánh giá một cách toàn diện nhằm có những giải pháp đồng bộ và thiết thực hơn, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển nông thôn bền vững.
 
Thùy Lâm