Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong giai đoạn mới

  • 16:12 | Thứ Sáu, 30/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Việc hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập đối với phụ nữ nông thôn những năm qua được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xác định là giải pháp quan trọng nhằm cải thiện đời sống kinh tế, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và giảm nghèo bền vững.
 
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Minh Tâm cho biết: Hiện phụ nữ chiếm 50% dân số, hơn 49% lực lượng lao động xã hội trong toàn tỉnh, trong đó có 80% lao động nữ sống ở nông thôn, chủ yếu làm việc trong các ngành nghề dịch vụ, các nghề truyền thống, buôn bán, nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.
 
Lao động nữ ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng biển, vùng khó khăn chiếm tỷ lệ cao nhưng phần đông chị em chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với việc học nghề, tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề chỉ mới đạt 22,7%, nên tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của lao động nữ vẫn còn cao.
Sau khi học nghề, nhiều chị em áp dụng thành công vào các việc làm cụ thể, có thu nhập ổn định.
Sau khi học nghề, nhiều chị em áp dụng thành công vào các việc làm cụ thể, có thu nhập ổn định.
Từ nhận thức đó, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội chú trọng hỗ trợ công tác học nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nữ, nâng cao trình độ sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo việc làm ổn định, tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Các cấp hội đã tập trung lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; thông qua các chương trình tập huấn, sinh hoạt chi hội, tổ hội và qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho người lao động về chính sách hoạt động dạy nghề, học nghề.
 
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai và chỉ đạo các cấp hội tuyên truyền, vận động lao động nông thôn, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia học nghề; đồng thời, chú trọng đến công tác điều tra, khảo sát và nắm bắt nhu cầu học nghề của chị em phụ nữ để có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm. Công tác vận động học nghề và giới thiệu việc làm trở thành một trong các chỉ tiêu thi đua của phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp hội.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nông dân-phụ nữ Quảng Bình, chia sẻ: Trong 10 năm qua, được sự hỗ trợ nguồn kinh phí từ các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, trung tâm đã phối hợp tổ chức thực hiện đào tạo 16 nghề trong 2 lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, như: chế biến món ăn, kỹ thuật làm bánh và sản phẩm lên men, thêu ren, thiết kế tạo mẫu tóc, dịch vụ chăm sóc gia đình, tin học văn phòng, kỹ thuật làm nón, làm chổi, chăm sóc sắc đẹp, may công nghiệp, chế biến thủy sản, nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm... Trung tâm đã tổ chức được 148 lớp đào tạo nghề cho 4.478 học viên với tổng kinh phí trên 9 tỷ đồng.
Phụ nữ trên địa bàn tỉnh ứng dụng KHKT vào trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết lao động nông nhàn ở địa phương.
Phụ nữ trên địa bàn tỉnh ứng dụng KHKT vào trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết lao động nông nhàn ở địa phương.
Ngoài ra, từ sự hỗ trợ của các tổ chức, dự án trong và ngoài nước, Hội Phụ nữ các cấp còn chủ động phối hợp với các trung tâm dạy nghề của huyện, thị xã, thành phố tổ chức gần 3.000 lớp dạy nghề và tập huấn chuyên môn cho gần 115.000 học viên; bồi dưỡng kiến thức kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, khởi nghiệp cho 1.548 hộ sản xuất, kinh doanh…
 
Sau đào tạo, đã có 80% với 1.289 hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh có việc làm, mang lại thu nhập ổn định và cải thiện được cuộc sống, góp phần cùng chính quyền địa phương thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các nghề được chị em áp dụng, phát huy như: dịch vụ gia đình, chế biến món ăn, trồng rau sạch, trồng hoa, mây tre xiên, làm nón lá, làm tóc, chế biến bún bánh, trồng trọt chăn nuôi…
 
Chủ tịch LHPN huyện Quảng Ninh Dương Thị Hồng Chuyên cho hay: Để nâng cao hiệu quả trong hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với sở, ngành, dự án triển khai các hoạt động theo hướng hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo, tổ chức sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên phụ nữ. Hội cũng đã hỗ trợ thành lập mới các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết do phụ nữ làm chủ trên địa bàn huyện Quảng Ninh hoạt động hiệu quả như: HTX Hưng Phát Vạn Ninh, Khoai deo Hải Ninh...
 
Đồng thời, để các mô hình phát triển kinh tế của chị em bền vững, ngoài việc hỗ trợ kiến thức, vốn vay, hội còn quan tâm hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX mua máy móc, thiết bị và dụng cụ sản xuất như: máy ép chân không, máy sấy khoai deo, giàn phơi... Nhờ đó, việc đào tạo nghề ngày càng có tiến triển tích cực; giúp chị em chuyển đổi được cung cách làm ăn, giải quyết lao động trong thời gian nông nhàn cho phụ nữ nông thôn.
 
Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Minh Tâm, công tác hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn thời gian qua đã được các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh triển khai đồng bộ, toàn diện; là đòn bẩy tạo đà cho chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế. Một bộ phận lao động nữ chưa xác định được nghề để học và làm, cũng như không xác định học để có nghề và làm nghề đã học; sự nhận biết về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm ở một bộ phận còn chưa đầy đủ. Một số chị em sau khi học nghề còn lúng túng, chưa biết lựa chọn hay áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.
 
“Vì vậy, thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về học nghề và việc làm cho phụ nữ, khuyến khích phụ nữ chủ động tham gia học nghề. Hội LHPN tỉnh sẽ là cơ quan đầu mối tăng cường tham mưu với tỉnh về các chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho chị em; tiếp tục hỗ trợ vốn cho hội viên khó khăn vay để phát triển nghề đã học; xây dựng mô hình tổ liên kết tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn; đồng thời, gắn công tác dạy nghề cho lao động nữ với giải quyết việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm.
 
Hội cũng đa dạng hóa các hình thức dạy nghề cho lao động nữ tại cộng đồng phù hợp với khả năng, trình độ và đặc thù phát triển kinh tế ở địa phương, tạo cơ hội để chị em phát huy khả năng, áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội ngày nay.”, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Minh Tâm trao đổi thêm.
 
                                                                                     Hương Trà