Khởi sắc diện mạo nông thôn mới

  • 20:02 | Thứ Tư, 28/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 5 năm thực hiện các mục tiêu đề ra của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Bình đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, hiện đại hơn. Đây là kết quả mang nhiều dấu ấn của một nhiệm kỳ nỗ lực, không chỉ với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, mà còn có sự đồng hành, chung sức của nhân dân toàn tỉnh.
 
Chung sức dựng xây
 
Những ngày đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng chưa phát triển… Thời điểm năm 2010, toàn tỉnh mới đạt 3,6 tiêu chí/xã, có nhiều xã “trắng” về các tiêu chí NTM.
 
Xác định xây dựng NTM là chương trình mang tính lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Cấp ủy các cấp đã chủ động ban hành Nghị quyết, xây dựng chương trình hành động thực hiện chương trình xây dựng NTM; Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đã được thành lập ở ba cấp (tỉnh, huyện, xã).
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng triển khai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết, trách nhiệm; đi sâu vào từng chỉ tiêu, tiêu chí, nội dung của chương trình; chú trọng thực hiện các nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân, như: phát triển sản xuất, vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu, môi trường, an ninh trật tự xã hội... Nhiều địa phương quyết liệt trong luân chuyển, bố trí cán bộ đủ năng lực để xây dựng NTM.
 
Công tác tuyên truyền về NTM cũng được triển khai có hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, của cán bộ, nhân dân. Với vai trò trách nhiệm trong xây dựng NTM, hơn 10 năm qua, người dân toàn tỉnh đã đóng góp trên 886 tỷ đồng (hiến đất, tài sản, ngày công, tiền mặt…) để làm đường giao thông, nhà văn hóa và các công trình khác.
 
Ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã có 67 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 52,3%, vượt 2,3% so với mục tiêu đến năm 2020 tại Nghị quyết số 04 NQ/TU, ngày 15-7-2011 của BCH Đảng bộ tỉnh, khóa XVI. Phong trào xây dựng NTM đã có tính lan tỏa sâu rộng, góp phần huy động sự tham gia của người dân và nguồn lực xã hội hóa”.
 
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở nhiều địa phương trong tỉnh đã đổi thay rõ nét. Đời sống người dân được cải thiện, đến cuối năm 2019, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 33,97 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đến đầu năm 2020 còn 4,98%; điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa được cải thiện; cảnh quan môi trường có nhiều chuyển biến rõ nét.
 
Hướng tới phát triển bền vững
 
Quán triệt quan điểm “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; NTM là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt, người nông dân là chủ thể”, cùng với những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, ngành nông nghiệp tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện các chương trình, dự án, đặc biệt là đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
 
5 năm qua, lĩnh vực trồng trọt được cơ cấu lại theo hướng hàng hóa, chất lượng, giá trị nên hiệu quả sản xuất từng bước nâng lên; giá trị sản xuất bình quân 5 năm (2016-2020) tăng 1,5%. Các địa phương đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, nhất là chuyển đổi linh hoạt đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn, như: dưa hấu, rau các loại, sen, ngô, lạc, đậu xanh…, với diện tích bình quân 1.987ha/năm, hiệu quả cao hơn 2-10 lần so với trồng lúa…
Chương trình MTQG xây dựng NTM tạo được sức lan tỏa lớn trong toàn dân. Ảnh: T. Hành
Chương trình MTQG xây dựng NTM tạo được sức lan tỏa lớn trong toàn dân. Ảnh: T.Hành
Từng bước ứng dụng công nghệ cao, nhất là trồng cây trong nhà màng, nhà lưới; tưới tiết kiệm nước theo công nghệ của Israel; áp dụng quy trình canh tác hữu cơ… đã góp phần tạo sản phẩm có năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nổi bật có các dự án, như: trồng dược liệu của Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm, trang trại nông nghiệp công nghệ cao của Công ty CP thực phẩm sạch Đông Dương, Công ty TNHH MTV An Nông...
 
Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cũng triển khai ứng dụng hiệu quả nhiều tiến bộ kỹ thuật, giống gia súc, gia cầm và quy trình chăn nuôi mới, điển hình có trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc của Công ty TNHH chăn nuôi Buntaphan Quảng Bình, Công ty TNHH TABICO… Việc liên kết theo chuỗi giá trị được chú trọng, nổi bật là liên kết chăn nuôi lợn thịt của Công ty CP Việt Nam, chăn nuôi lợn hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm…
 
Nuôi trồng thủy sản từng bước phát triển theo hướng chuyển đổi mạnh từ nuôi quảng canh sang thâm canh, công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất lâm nghiệp từng bước xã hội hóa và chuyển đổi theo hướng giá trị; công tác phát triển, sử dụng rừng hợp lý và hiệu quả, từng bước nâng cao giá trị rừng. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) mặc dù mới triển khai nhưng đã thu được nhiều kết quả quan trọng; tạo sức lan tỏa từ tỉnh đến cơ sở.
 
Ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, nhiệm kỳ qua, ngành nông nghiệp đối mặt với những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, dịch bệnh, thị trường. Nhờ sự quan tâm của Trung ương, quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, nỗ lực cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 19,19% GRDP toàn tỉnh; giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp bình quân 5 năm tăng 4,1%; sản lượng lương thực bình quân 30,5 vạn tấn/năm...
 
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM…
 
Để đạt được những mục tiêu trên, đòi hỏi toàn ngành phải chung sức, đồng lòng, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, trong đó, cần chú trọng một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, như: nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM; phát triển chăn nuôi theo phương thức trang trại, công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế từng vùng; tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi, nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ; tăng cường phát triển lâm nghiệp bền vững...
 
Lê Mai