Bão số 7 gây gió giật cấp 11 ở vùng biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

  • 17:07 | Thứ Ba, 13/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Vị trí tâm bão lúc 13 giờ ngày 14-10 ở 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11.
Lực lượng đồn biên phòng Sầm Sơn (Thanh Hóa) tuyên truyền, thông báo cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương vào nơi tránh, trú bão an toàn. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Lực lượng đồn biên phòng Sầm Sơn (Thanh Hóa) tuyên truyền, thông báo cho các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển khẩn trương vào nơi tránh, trú bão an toàn. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 13 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão số 7 ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc).
 
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.
 
Dự báo, từ 13 giờ ngày 13-10 đến 13 giờ ngày 14-10, bão số 7 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Vị trí tâm bão lúc 13 giờ ngày 14-10 ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/giờ), giật cấp 11.
 
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông từ 13 giờ ngày 13/10 đến 13 giờ ngày 14-10 (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là từ vĩ tuyến 16,5 đến 20,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.
 
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
 
Từ 13 giờ ngày 14-10 đến 13 giờ ngày 15-10, bão số 7 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km, đi vào đất liền các tỉnh Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10 và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp trên khu vực thượng Lào.
 
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10, giật cấp 12; biển động rất mạnh.
 
Ở vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12; biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 3-5 m. Khu vực ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An có nước dâng cao 0,5 m.
 
Trên đất liền, từ trưa 14/10, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; riêng vùng ven biển các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
 
Do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 đến ngày 16-10 ở khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Nam Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến khoảng 200-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt; các nơi khác ở Bắc Bộ và Hà Tĩnh: khoảng 50-150 mm/đợt. Mức độ rủi ro thiên tai cấp 3. 
 
Ngoài ra, ở vùng biển phía Đông miền Trung Philippines đang có một áp thấp nhiệt đới hoạt động, áp thấp nhiệt đới này đi vào Biển Đông trong ngày 15-10; sau đó có khả năng mạnh thêm.
 
Về diễn biến lũ trên các sông thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trưa 13-10, mực nước trên các sông thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đang biến đổi chậm và phổ biến ở mức thấp hơn báo động 1 từ 2-5m.
 
Từ ngày 14-10 đến ngày 16-10, do ảnh hưởng của bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to và rải rác có dông với tổng lượng mưa phổ biến 150-350 mm/đợt, có nơi trên 400 mm/đợt.
 
Từ ngày 14-10 đến 16-10, trên lưu vực sông Đà, sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Cầu và sông Hoàng Long, hệ thống sông Mã, sông Cả sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên các sông Bắc Bộ từ 2-4 m, sông Mã, sông Cả từ 3-10m.
 
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao và sông Chảy ở mức báo động 2, trên sông Hoàng Long ở mức báo động 1; ở trung, thượng lưu sông Mã, sông Cả lên mức báo động 1- báo động 2, riêng ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông Bưởi lên mức báo động 2- báo động 3, ở hạ lưu sông Mã, Cả lên mức báo động 1.
 
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
 
Nguy cơ ngập úng ở các đô thị, các thành phố lớn như Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất cấp 2.
 
Dự báo, tối 13-10, diễn biến mực nước trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy (Quảng Bình) xuống mức 2,2m, ở mức báo động 2; sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn (Quảng Trị) xuống mức 5,5m, dưới báo động 3 là 0,5m; sông Bồ tại Phú Ốc xuống mức 3,8m, dưới báo động 3 là 0,7m; sông Hương tại Kim Long (Thừa Thiên-Huế) xuống mức 2,2m, trên báo động 2 là 0,2m; sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) xuống dưới mức báo động 1.
 
Tình trạng ngập lụt ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình); Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà (Quảng Trị); Quảng Điền, Phong Điền, thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà (Thừa Thiên-Huế). Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế. Cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai cấp 2.
 
Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...
 
Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền. Phải xác định, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
 
Các chuyên gia cho rằng những biện pháp phi công trình được kết hợp một cách hài hoà với biện pháp công trình, hỗ trợ biện pháp công trình sẽ phát huy hiệu quả cao trong việc đối phó với lũ quét.
 
Các biện pháp phi công trình bao gồm lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (xác định vùng nguy cơ cao; nguy cơ trung bình và vùng ít có khả năng xảy ra lũ quét).
 
Bản đồ này là một trong những căn cứ quan trọng để đề ra các biện pháp phòng tránh lũ quét. Quản lý sử dụng đất: Quy hoạch sử dụng vùng đất hạn chế phát triển trong vùng có nguy cơ lũ quét cao; đối với các khu dân cư đã phát triển thiếu quy hoạch trước đây thì cần được quy hoạch lại, chính quyền cần lập kế hoạch tái định cư, đưa đân ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
 Lực lượng biên phòng thành phố Sầm Sơn tích cực giúp đỡ ngư dân chằng chống, neo, buộc tàu thuyền nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Lực lượng biên phòng thành phố Sầm Sơn tích cực giúp đỡ ngư dân chằng chống, neo, buộc tàu thuyền nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Tại Thanh Hóa, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 12 giờ ngày 13-10, Thanh Hóa đã kêu gọi 6.745 phương tiện với 24.535 lao động vào các nơi tránh trú bão an toàn; còn 466 phương tiện với 2.081 lao động đang hoạt động ở các vùng biển khác cũng đã nhận được thông tin về cơn bão và đang tìm về nơi tránh trú bão cũng như thường xuyên giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương.
 
Tại cảng Lạch Hới và âu tránh trú bão tàu thuyền Bắc Trung Bộ (phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) vào sáng 13-10 có hàng trăm phương tiện đang tích cực di chuyển tàu thuyền về bến cũng như tiến hành các công đoạn neo đậu, chằng chống tàu thuyền.
 
Các vật dụng thiết yếu từ tàu thuyền cùng ngư lưới cụ được khẩn trương đưa từ thuyền lên bờ để đề phòng bão đổ bộ bất ngờ. Hệ thống tời dây được huy động tối đa để kéo tàu thuyền lên bãi tránh trú.
 
Phường Quảng Tiến (thành phố Sầm Sơn) có 247 phương tiện và 1.860 lao động, đến nay đã có 200 phương tiện về tránh trú an toàn tại các bến trong tỉnh, 7 phương tiện khác đã vào tránh trú ở các tỉnh khác như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Phòng.
 
Ông Trịnh Thế Thiệu, chủ tàu TH 91986 TS, cho biết: "Nghe thông tin bão số 7 từ các phương tiện thông tin liên lạc, cũng như sự kêu gọi của chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng, dù đang đánh bắt trên biển nhưng tôi cùng các thuyền viên đã lập tức cho tàu quay về âu tránh trú bão Quảng Tiến để đảm bảo an toàn cho người và tàu. Hết bão, chúng tôi sẽ tiếp tục ra khơi đánh bắt."
 
Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sầm Sơn Lê Anh Sơn cho biết, trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 7, từ ngày 12/10, Đồn đã triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chính như duy trì trực canh 24/24h trên vô tuyến điện nhằm thông báo với ngư dân trên biển; tiếp nhận các thông báo khi có tai nạn trên biển xảy ra; phối hợp với địa phương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn; làm tốt công tác kiểm soát ở các cửa lạch, kiên quyết không cho các phương tiện hoạt động trên biển trong điều kiện thời tiết xấu.
 
Ngoài ra, Đồn bố trí thường trực quân số tại cảng và âu thuyền để hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn, đảm bảo an ninh, trật tự cũng như tăng cường phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương vận động, hướng dẫn ngư dân phòng chống trước, trong và sau bão, nhằm giảm thiểu mức thiệt hại thấp nhất về người và tài sản.
 
Đến đầu giờ chiều 13/10, tại thành phố Sầm Sơn 2.691 phương tiện đã vào khu vực tránh trú bão an toàn, trong đó có 14 phương tiện đang tránh trú tại các tỉnh khác.
 
Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7 (bão NANGKA) tăng cường thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
 
Các địa phương tích cực theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện cũng như sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
 
Hiện tại tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ đập lớn nhỏ nhưng việc kiểm tra cho thấy, có tới 78 hồ chứa không đảm bảo an toàn. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã yêu cầu các địa phương sẵn sàng triển khai các phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt là tại các trọng điểm xung yếu về đê điều, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công dở dang./.
 
Theo Diệu Thúy-Hoa Mai -Khiếu Tư (TTXVN/Vietnam+)