Quảng Bình có 8 người bị thương do bão số 5

  • 18:29 | Thứ Sáu, 18/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) – Thông tin từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, đến chiều 18-9, do ảnh hưởng của bão số 5, Quảng Bình đã có 8 người bị thương và một số điểm giao thông bị chia cắt.
 
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão số 5, tính từ ngày 17 đến sáng ngày 18-9, trên địa bàn tỉnh ta đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 300mm/đợt, có nơi trên 400mm.
 
Sáng 18-9, vùng đồng bằng ven biển có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Trên vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Bình có gió bão mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9; giật cấp 11. Sóng biển cao từ 3 đến 5 m. Biển động dữ dội. Hiện nay, mực nước tại các trạm thủy văn đang ở dưới mức báo động I.
Các công trình hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta vẫn đảm bảo an toàn.
Các công trình hồ đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta vẫn đảm bảo an toàn.

Theo báo cáo của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, hơn 6.560 phương tiện tàu thuyền và gần 22.950 lao động đã vào khu neo đậu, tránh trú bão an toàn trước khi bão số 5 sáng nay đi vào đất liền.

Để ứng phó với bão số 5, TP. Đồng Hới di dời 12 hộ dân/43 khẩu ở xã Bảo Ninh; huyện Tuyên Hóa đã tổ chức di dời 33 hộ/141 khẩu ở xã Đức Hóa.
 
Do ảnh hưởng của bão số 5 toàn tỉnh đã có 8 người bị thương. Có 4 người dân tại bản Cáo (xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa) đi rừng chưa về gồm: Phạm Văn Liệu (SN 1968), Phạm Văn Chanh (SN 1997), Hồ Văn Hiếu (SN 2003) và Hồ Văn Giang (SN 1998).
Toàn bộ tàu thuyền của tinh ta đều vào bờ và  được neo đậu an toàn.
Toàn bộ tàu thuyền của tỉnh ta đều vào bờ và được neo đậu an toàn.
Về giao thông, tại địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa) có 1 điểm ngầm tại 2 bản Ka Ai và Ka Vang bị chia cắt. Địa bàn Đồn Biên phòng Ra Mai (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) có 4 điểm ngầm tại 7 bản (Pa Chong, Ra Mai, Si, Dộ, Tà Vờng, Lòm, Cha Oóc, Cây Dừa) bị chia cắt. Địa bàn Đồn Biên phòng Cồn Roàng (xã Thượng Trạch, Bố Trạch) có 1 điểm ngầm tại 3 bản (Cồn Roàng, Cóc, Cu Tồn) bị chia cắt.
 
                                        Bùi Thành
 
* Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Minh Hóa, do ảnh hưởng của cơn bão số 5, từ đêm 17-9, trên địa bàn huyện có mưa to, khiến nhiều nơi bị chia cắt.
Ngầm qua bản Rôông, xã Trọng Hóa đã bị ngập sâu
Ngầm qua bản Rôông, xã Trọng Hóa đã bị ngập sâu.
Cụ thể, tại xã Trọng Hóa có 4 điểm ngầm trên con đường vào vùng Lòm ngập sâu, khiến 7 bản vùng trong gồm Pa Chong, Ra Mai, K.Óoc, Si, Chà Cáp, Dộ-Tà Vờng và Lòm với 420 hộ dân bị chia cắt, cô lập; toàn xã có 12 nhà bị tốc mái. Còn tại xã Dân Hóa cũng  có 1 điểm ngầm ngập sâu, chia cắt 2 bản Ka Vàng và Ka Ai. 
 
Theo thống kê ban đầu, tính đến 15 giờ chiều 18-9, ảnh hưởng của bão số 5 đã làm 2 người ở huyện Minh Hóa bị thương. Cả 2 người bị thương gồm anh Trần Thanh Hoàng (SN 1990) và anh Trương Đình Nam (SN 1985) đều trú tại xã Minh Hóa. Anh Hoàng và anh Nam bị thương trong lúc chằng chống nhà cửa phòng, chống bão số 5, trong đó anh Hoàng bị thương ở vùng đầu khá nặng đang được điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới. 
: Huyện Minh Hóa phân bổ khẩn cấp 10 tấn gạo cho hai xã Thượng Hóa và Trọng Hóa.
Huyện Minh Hóa phân bổ khẩn cấp 10 tấn gạo cho hai xã Thượng Hóa và Trọng Hóa.
Tại xã Trọng Hóa, trưa 18-9, trong lúc mưa to gió lớn, có 1 sản phụ ở bản La Trọng 1 là chị Hồ Thị Bun vừa sinh con ở nhà, chính quyền xã đã phải điều xe ô tô chở lên trạm y tế chăm sóc, bảo đảm an toàn cho 2 mẹ con. 
 
Hiện toàn xã có 8 ca sắp sinh con, UBND xã Trọng Hóa đang theo dõi chặt để giúp đỡ bà con khi cần thiết. Cũng trưa 18-9, xã Trọng Hóa đã di dời hơn 400 người dân ở những ngôi nhà có nguy cơ đổ, sập và vùng ngập lũ ven suối lên trụ sở UBND xã và các trường học kiên cố để tránh bão lũ; đồng thời cấp phát mì tôm, lương khô, nước uống cho bà con... Thống kê đến 15 giờ 30 phút, trên địa bàn xã Trọng Hóa còn có 29 người dân đang đi rừng chưa về.
 
Trước đó, chiều 17-9, UBND huyện Minh Hóa đã phân bổ khẩn cấp 10 tấn gạo cho hai xã Thượng Hóa và Trọng Hóa, là hai địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số, đường sá đi lại khó khăn và thường bị cô lập do mưa lũ.
Người dân Trọng Hóa vào tránh trú bão lũ ở trụ sở UBND xã.
Người dân Trọng Hóa vào tránh trú bão lũ ở trụ sở UBND xã.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên ảnh hưởng của bão sẽ tiếp tục gây mưa lớn. Hiện UBND huyện Minh Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
 
Đặc biệt, tại 2 xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa - nơi đang bị nước lũ chia cắt nhiều thôn bản - các lực lượng cần bám chặt địa bàn, thực hiện phòng chống lụt bão lũ với phương châm “4 tại chỗ”; tuyên truyền bà con không đi rừng, không xuống khe bắt cá, đồng thời có phương án ổn định đời sống nhân dân  sau khi lũ đi qua.
 
Phan Phương
 
* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tuyên Hóa, trên địa bàn có 5 người bị thương khi tham gia phòng chống bão số 5.
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa kiểm tra các có nguy cơ sạt lở ven bờ sông Gianh.
Lãnh đạo huyện Tuyên Hóa kiểm tra các có nguy cơ sạt lở ven bờ sông Gianh.
Cụ thể: xã Thuận Hóa 1 người, Lâm Hóa 1 người, Tiến Hóa 2 người, thị trấn Đồng Lê 1 người. Đáng chú ý, các trường hợp nói trên đều do bị ngã trong quá trình chằng chống nhà cửa, trong đó, một trường hợp bị chấn thương sọ não, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế.
 
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù bão số 5 đã suy yếu, song từ chiều 18-9, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa vẫn có mưa to, nguy cơ xảy ra lũ lụt. Huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị không được lơ là, chủ quan và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để kịp thời cảnh báo, triển khai các phương án ứng phó.
 
Các xã, thị trấn cử lực lượng canh gác không cho người và phương tiện qua lại những khu vực nguy hiểm, nghiêm cấm việc vớt củi trong lũ lụt; tổ chức lực lượng thường trực canh gác 24/24 giờ ở những điểm nguy hiểm trong thời gian xảy ra lũ, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân
 
Đối với các xã ven sông, có nguy cơ ngập lụt cao, BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê, xây dựng phương án di dời dân ra khỏi vùng ngập lụt, sạt lở đến nơi trú ẩn an toàn và chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh để kịp thời hỗ trợ người dân khi cần thiết.
 
D.C.H