Lưu giữ những ký ức vẻ vang...

  • 09:17 | Thứ Tư, 02/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi may mắn được gặp và nghe câu chuyện kể của người chiến sỹ là nhân chứng lịch sử, chứng kiến giờ phút cả nước cùng nổi dậy, đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân. Đối với ông, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 thực sự là ký ức được lưu giữ với niềm tự hào sâu sắc nhất…
 
Ông Nguyễn Văn Trạch.
Ông Nguyễn Văn Trạch.
Ông là Đại tá Nguyễn Văn Trạch, ở tổ dân phố 4, phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới), năm nay đã hơn 70 năm tuổi Đảng và 95 tuổi đời. Ông là nhân chứng lịch sử của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng, khi chúng tôi nhắc về cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 giành lại chính quyền, mọi ký ức trong ông lại hiện về xúc động và tự hào.
 
Ông kể: “Tôi sinh năm 1925 trong gia đình nghèo ở thị xã Đồng Hới. Năm 1938, lúc đó tôi mới 13 tuổi thì bố lâm bệnh và mất. Tôi sống trong tình thương yêu của nuôi dưỡng của mẹ và chị gái. Vào đầu những năm 1930, ngay thị xã đã có trường tiểu học dạy chữ quốc ngữ là chính, tiếng Pháp là sinh ngữ kèm theo từ lớp tư, ba, nhì, nhất.
 
Năm 17 tuổi, tôi thi đậu tốt nghiệp tiểu học (bằng Primaire). Học hết cấp tiểu học muốn lên trung học công lập phải vào Huế hay ra Vinh để học các ngành chuyên nghiệp. Vì không có tiền theo học các trường trung học ở xa nên tôi theo học trường trung học tư thục Đồng Hới do một số giáo sư hợp nhau mở lớp. Tôi theo học được 2 năm đến đệ nhị niên trung học thì dừng lại vì không đủ tiền trả học phí. Mùa thu năm 1944, trường trung học tư thục được chính thức thành lập tại Tam Tòa (thị xã Đồng Hới) và tôi xin vào dạy học để kiếm sống.
 
Thời kỳ này, tại thị xã Đồng Hới diễn ra nhiều sự kiện. Phát xít Nhật ồ ạt nhảy vào giải giáp quân Pháp, gây nên những vụ lùng sục, bắt bớ, chém giết nhau. Lúc này, nạn đói hoành hành khiến cuộc sống của đồng bào ta vô cùng cơ cực. Bà con lao động ở thị xã và ở các vùng nông thôn kéo nhau về kiếm ăn. Ngày nào, tôi cũng chứng kiến cảnh xác người da bọc xương la liệt ở ngoài đường, vỉa hè, đình làng, xó chợ…
 
Cảnh tượng lúc ấy càng thôi thúc tôi muốn tham gia cách mạng hơn, đi theo Đảng, được cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, được tuyên truyền, giác ngộ của bạn bè thân thiết về âm mưu hành động, tội ác của thù trong, giặc ngoài, với bầu máu nóng của tuổi thanh xuân, tôi nhanh chóng nhận rõ, sớm nhập cuộc vào phong trào cứu quốc của nhân dân và thanh niên thị xã Đồng Hới…”.
 
Đầu năm 1945, ông được các đồng chí Nguyễn Quang Chiếu, Nguyễn Sảng tuyên truyền, giới thiệu tham gia hoạt động phong trào thanh niên cứu quốc và được gia nhập Đoàn thanh niên cứu quốc khu phố Đồng Hải thuộc Thị bộ Việt Minh Cô Tám tại thị xã Đồng Hới.
 
Thời điểm này, ông Trạch và một số bạn bè trong Đoàn thanh niên cứu quốc hăng hái tham gia hội họp bí mật và được cán bộ Thị bộ Việt Minh phổ biến thời sự thế giới, trong nước. Cùng với đó, ông hăng say tập luyện quân sự, gia nhập đội đồng ca, tập hát những bài ca cách mạng và chuẩn bị băng cờ, biểu ngữ, gậy gộc... cùng với quân và dân toàn tỉnh tham gia giành chính quyền tại thị xã Đồng Hới.
 
Ánh mắt đầy xúc động, ông Nguyễn Văn Trạch chia sẻ, lúc ấy, Việt Minh về tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đảo chính, giành lại chính quyền chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, người dân thị xã ai cũng một lòng theo Việt Minh, sục sôi ý chí đấu tranh. 
 Ký ức về cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 được ông Nguyễn Văn Trạch lưu giữ với niềm tự hào sâu sắc trong cuốn hồi ký cá nhân.
Ký ức về cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 được ông Nguyễn Văn Trạch lưu giữ với niềm tự hào sâu sắc trong cuốn hồi ký cá nhân.
“Đó là khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ mà cả cuộc đời tôi không bao giờ quên. Đêm ngày 22-8-1945, các đơn vị tự vệ chiến đấu của thị xã Đồng Hới đã phối hợp với quân khởi nghĩa bí mật tiến vào đánh chiếm dinh Tỉnh trưởng, Nhà nông khố ngân hàng, Nhà máy điện, Bưu điện, Nhà bang tá và các công sở của địch. Khoảng 4giờ 30 phút sáng ngày 23-8-1945, một hồi còi điện rú lên, báo hiệu cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta tại Đồng Hới đã hoàn toàn giành thắng lợi. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh lực lượng khởi nghĩa và nhân dân ôm chầm lấy nhau trong nước mắt, niềm vui không nói nên lời…!”, ông Nguyễn Văn Trạch xúc động nhớ lại.
 
Cách mạng Tháng Tám thành công đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho lớp thanh niên như ông tiếp tục tham gia kháng chiến. Ông được biệt phái sang công tác ở Phòng thông tin-tuyên truyền huyện Quảng Ninh, thị xã Đồng Hới làm nhiệm vụ tìm hiểu tình hình, tuyên truyền về âm mưu, hành động tội ác của giặc Pháp; giải thích chủ trương, chính sách của Chính phủ, ổn định tư tưởng trong nhân dân và cùng với cán bộ cơ sở giúp đỡ, sắp xếp nơi ăn, chốn ở cho đồng bào.
 
Sau đó, ông chuyển về Tỉnh đoàn thanh niên cứu quốc và phụ trách Chánh văn phòng Tỉnh đoàn. Quá trình công tác tại đây, năm 1949, ông được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Liên hiệp công đoàn tỉnh Quảng Bình.
 
Năm 1952, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định điều ông sang Ty Công an Quảng Bình công tác. Từ năm 1964-1984, ông giữ chức vụ Trưởng phòng Bảo vệ chính trị Ty Công an Quảng Bình và Phó trưởng Ban chỉ huy an ninh nhân dân Công an Bình Trị Thiên cho đến khi về hưu…
 
Nhớ lại mùa thu Tháng Tám lịch sử của dân tộc cách đây 75 năm, ông Nguyễn Văn Trạch khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám-1945 giúp nhân dân giành lại chính quyền đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi vận mệnh của dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tôi vẫn thường giáo dục các con, cháu luôn phải ghi nhớ và phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của cha ông, ra sức học tập, lao động, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…”.
 
Thùy Lâm