Ký ức những ngày tháng Tám...

  • 07:54 | Thứ Ba, 01/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giữa những ngày tháng tám lịch sử, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với cụ Nguyễn Văn Lộc (SN 1928) và cụ Nguyễn Bá Quát (SN 1930), ở tổ dân phố Mỹ Hòa, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn. Hai cụ là anh em ruột và cũng là những người trực tiếp tham gia giành chính quyền tại Ba Đồn mùa thu 75 năm về trước.
 
Theo chân cán bộ văn phòng Đảng ủy phường Quảng Phúc về thăm nhà cụ Nguyễn Văn Lộc ở tổ dân phố Mỹ Hòa. Căn nhà nhỏ, nép mình trong xóm nhỏ yên bình những ngày này rộn vang tiếng cười, kể chuyện của 2 anh em ở tuổi xưa nay hiếm. Cụ Quát-em trai cụ Lộc thi thoảng qua nhà trò chuyện cùng anh trai cho đỡ buồn tuổi già. Những ngày này, hầu như ngày nào, hai cụ đều gặp nhau để cùng ôn lại hào khí một thời oanh liệt.
 
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi gợi nhắc những ký ức mùa thu năm ấy, hai cụ vẫn rành rọt kể lại chi tiết. Cụ Lộc kể chuyện, chỗ nào quên liền được cụ Quát ngồi bên bổ sung.
 
Gia đình 2 cụ có 8 anh chị em thì có 2 người anh là cán bộ lão thành nay đã mất, còn cụ Lộc và cụ Quát là cán bộ tiền khởi. Những năm 40-41 của thế kỷ trước, ở phủ Quảng Trạch nói chung, làng Mỹ Hòa nói riêng, phong trào cách mạng bị thực dân Pháp điên cuồng đàn áp. Nhiều tổ chức đảng phải ly tán vì bị phát giác, chỉ điểm.
  Cụ Nguyễn Văn Lộc (áo trắng) và cụ Nguyễn Bá Quát là 2 anh em ruột đều là cán bộ tiền khởi.
Cụ Nguyễn Văn Lộc (áo trắng) và cụ Nguyễn Bá Quát là 2 anh em ruột đều là cán bộ tiền khởi.
Gia đình cụ có người chú tên Nguyễn Yêm vào Đảng từ tháng 6-1930 ở Sài Gòn-Gia Định, sau đó bị giặc bắt giam đến năm 1941 thì thả và trục xuất về quê giam lỏng. Về quê, cụ Yêm mỗi tháng một lần phải đi trình diện nhưng vẫn móc nối được với các đồng chí đảng viên khác đang hoạt động bí mật trong vùng.
 
Sau đó, tổ chức đảng hoạt động tại làng Mỹ Hòa chọn nhà cụ Nguyễn Trực là thân sinh của cụ Lộc và cụ Quát làm nơi hội họp, liên lạc bí mật.
 
Gia đình cụ Nguyễn Trực nhiều đời làm thầy thuốc nam ở Mỹ Hòa, có uy tín trong làng và hàng ngày nhiều người ra vào thăm khám nên tránh bị chỉ điểm. Trong khoảng thời gian này, anh em cụ Lộc được cách mạng giác ngộ, 2 người anh sau đó được kết nạp vào Đảng khi chi bộ đảng đầu tiên được thành lập tại Quảng Phúc vào tháng 3-1943.
 
Giữa năm 1945, các tổ chức đảng hoạt động mạnh, vận động người dân chuẩn bị giành chính quyền. Cụ Lộc lúc này tham gia đội "tự vệ đỏ", được đưa vào rừng huấn luyện hơn hai tháng. Còn cụ Quát nhận nhiệm vụ canh gác hàng ngày và liên lạc qua lại giữa các cơ sở bí mật. "Đây là thời điểm căng thẳng nhất, vì đưa cả trăm người làng vào rừng huấn luyện mà tránh được tai mắt địch là rất khó. Vì phải huấn luyện ban đêm nên những người làm nhiệm vụ canh gác cũng phải thức xuyên đêm, thời ấy đang tuổi ăn tuổi ngủ nhưng có khi thức mấy đêm liền!", cụ Quát nhớ lại.
 
Đầu tháng 8-1945, để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, Mặt trận Việt Minh tại Quảng Phúc đã tổ chức xây dựng lực lượng, rèn vũ khí, may cờ đỏ sao vàng, vận động quần chúng....Mờ sáng ngày 23-8-1945, đoàn biểu tình của Quảng Phúc tập trung tại đình làng Trung kéo về phủ lỵ.
 
Họ mang theo băng cờ, gươm dao, giáo mác, gậy gộc ào ào kéo vào phủ lỵ hô vang khẩu hiệu "Đả đảo phát xít Nhật", "Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim", "Ủng hộ Mặt trận Việt Minh". Trước khí thế sôi sục cách mạng của quần chúng, tên tri phủ và bọn nha lại xin đầu hàng. Lực lượng tự vệ chiếm phủ đường và công sở. Sổ sách, giấy tờ và triện đồng bị tịch thu và tiêu hủy tại chỗ. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc trụ sở phủ đường.
 
Đến rạng sáng 23-8-1945, trước hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về chợ phiên Ba Đồn, Ủy ban khởi nghĩa đã tổ chức mít tinh tại chợ, tuyên bố với đồng bào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Ba Đồn đã thành công, chính quyền đã về tay nhân dân.
 
Sau khi giành được chính quyền ở huyện, ngay ngày hôm sau, đoàn biểu tình của nhân dân Quảng Phúc đã kéo đến nhà các lý trưởng trong xã thu hồi ấn triện, đồng thời, bầu ra các chức chủ chốt trong xã, chính thức lật đổ chính quyền tay sai, xóa bỏ chế độ thống trị thực dân, phong kiến tại Quảng Phúc. "Không thể tả hết niềm vui thời khắc lịch sử ấy, mọi người cùng nhau reo hò và hô vang chính quyền về tay nhân dân, Mặt trận Việt Minh muôn năm...!", cụ Lộc nhớ lại.
 
Sau khởi nghĩa giành chính quyền, cụ Lộc và cụ Quát tiếp tục tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Riêng cụ Lộc trong thời gian làm Bí thư Đảng bộ xã Quảng Phúc, năm 1966 được ra miền Bắc gặp Bác Hồ. Cụ kể, thời đấy, cả xã hầu hết là đồng bào theo đạo công giáo nhưng nhiều năm liền giữ vững đảng bộ trong sạch vững mạnh. Cụ Lộc kể lại lời Bác, "Cả miền Bắc chỉ được khoảng 5 xã như Quảng Phúc thôi!".
 
Chia tay, hai cụ, hai người anh em cũng là hai người đồng chí lâu năm tiễn chúng tôi ra tận ngõ. Trong những cái bắt tay thật chặt, đôi mắt hướng về con đường làng "thắm đỏ" màu cờ và những miền ký ức hào hùng của mùa thu năm ấy lại hiện về, một thời không thể nào quên...!
 
X.Phú