Khi internet về với bản làng của đồng bào Arem, Ma Coong...

  • 07:31 | Thứ Ba, 22/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến cáp quang băng rộng tại 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chấp thuận đầu tư vừa được khánh thành. Giờ đây, đồng bào A Rem, Ma Coong ở đây đã có thể kết nối internet tốc độ cao để cập nhật các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hay tìm hiểu kiến thức để phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần.
 
Tân Trạch và Thượng Trạch là hai xã miền núi biên giới thuộc huyện Bố Trạch, nơi có đông đồng bào Arem, Ma Coong sinh sống. Nằm ở địa bàn biên giới xa xôi, cách trở nên đến hôm nay, Tân Trạch và Thượng Trạch là 2 xã cuối cùng của tỉnh được tiếp cận với internet băng rộng. Vì vậy, ngay khi công trình hoàn thành, người dân nơi đây đã không giấu được niềm vui mừng vì từ nay, họ được "giảm nghèo thông tin" và gần hơn với cộng đồng, thế giới rộng lớn.
 
Chị Y Hoa (bản Cà Roòng 2, xã Thượng Trạch) cho biết, có internet, người dân rất vui mừng, ai cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh vào mạng để tìm hiểu thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc tự tìm hiểu thông tin bổ ích về các mô hình, cách làm hay để phát triển kinh tế.
 
Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Bố Trạch (đóng ở xã Thượng Trạch) mặc dù đã được trang bị hệ thống máy tính phục vụ học sinh học tập nhưng không kết nối được internet nên các tiết học chỉ dừng lại ở việc đánh văn bản. Giáo viên khi muốn tìm kiếm thông tin phải ra thị trấn Phong Nha cách hơn 40km đường rừng mới có thể tiếp cận mạng internet. Vì vậy, khi công trình cáp quang, internet băng rộng hoàn thành, thầy và trò nhà trường đều không giấu được sự vui mừng.
  Niềm vui của đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch khi được sử dụng internet tốc độ cao.
Niềm vui của đồng bào Ma Coong ở xã Thượng Trạch khi được sử dụng internet tốc độ cao.
“Do không có internet nên trước đây, việc học của em chủ yếu dựa vào sách vở với những bài giảng của thầy cô trên lớp. Giờ đây, có internet, ngoài thời gian học trên sách vở, em sẽ vào mạng tìm kiếm thêm thông tin phục vụ việc học tập cũng như trau dồi thêm kiến thức xã hội.”, em Y Mân, học sinh lớp 9 chia sẻ.
 
Sau khi kết nối được với mạng internet, cán bộ, công chức xã Thượng Trạch đã sử dụng hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành cũng như cập nhật các thông tin trên trang thông tin điện tử của xã.
 
Ông Nguyễn Trường Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch cho biết: Nếu như trước đây, mỗi lần cập nhật các thông tin lên trang thông tin điện tử của xã Thượng Trạch, cán bộ, công chức xã phải về trung tâm huyện lỵ, nhưng bây giờ, chỉ cần ngồi tại trụ sở xã là có thể thực hiện công việc này một cách dễ dàng…
 
Hệ thống truyền dẫn và mạng internet băng rộng tại 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam chấp thuận đầu tư với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Dự án được triển khai với tuyến cáp quang dài 62km, quy mô xây dựng gồm 1 tuyến cáp quang dài 62km và dựng hơn 1.300 cột sắt, cột bê tông.
 
Như vậy, đến nay, internet đã phủ sóng tại 100% các xã, phường, thị trấn của tỉnh Quảng Bình. Internet về đến 2 xã biên giới này đã giúp cán bộ, công chức địa phương ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số truy cập vào internet để tra cứu, tìm hiểu thông tin thị trường cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
 
Việc đưa internet về đến xã chắc chắn sẽ đưa Thượng Trạch từng bước vươn lên. Bởi, khi internet về đến, nghĩa là những kết nối với kiến thức và con người trên toàn thế giới cũng đã đến với bản làng của đồng bào người Arem, Ma Coong trên mảnh đất biên cương này.
 
Lâm An