Hành trình 20 năm giúp người mù hòa nhập cộng đồng

  • 09:17 | Thứ Tư, 09/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được thành lập từ năm 2000, hiện nay, Hội Người mù tỉnh Quảng Bình có 42 chi hội với 1.342 hội viên. Hội Người mù tỉnh là "mái nhà chung", tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ người mù trong tỉnh từng bước vươn lên, tự tin hòa nhập với sự phát triển chung của xã hội; từ đó, góp phần làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ của cộng đồng đối với người mù.
 
Những ngày đầu mới thành lập, Hội Người mù tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, không có nơi làm việc, cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ hội chưa được qua trường lớp đào tạo chuyên ngành, trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, các tài liệu liên quan đến hội cũng chỉ là một ít văn bản để làm cẩm nang…và rất nhiều trở ngại khác phát sinh trên hành trình hoạt động của hội. Tuy nhiên, với sự đồng lòng, đồng sức của Ban Chấp hành (BCH) lâm thời, Hội Người mù tỉnh ngày càng phát triển.
 
Theo số liệu thống kê sơ bộ vào thời điểm năm 2000, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 4.000 người mù, trong đó, phụ nữ chiếm 55%, trẻ em 9%, người trong độ tuổi lao động chiếm 43%, đại đa số là nghèo đói và thất học. Xác định nhiệm vụ then chốt của hội là tuyên truyền, tập hợp người mù vào tổ chức hội để có sự chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người đồng cảnh ngộ, khơi dậy tinh thần “tự thân vận động”, giúp họ xóa bỏ mặc cảm tự ti, phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”. 
 Để nâng cao tay nghề, tạo công ăn việc làm cho hội viên, hàng năm, Hội Người mù tỉnh đều tổ chức hội thi tay nghề cho các hội viên.
Để nâng cao tay nghề, tạo công ăn việc làm cho hội viên, hàng năm, Hội Người mù tỉnh đều tổ chức hội thi tay nghề cho các hội viên.
Để làm được điều đó, BCH lâm thời Hội Người mù tỉnh quyết tâm phải sớm thành lập được các hội cơ sở. Từ 3 hội cấp huyện với 114 hội viên, qua 20 năm hoạt động với 4 nhiệm kỳ đại hội, mạng lưới tổ chức hội đã phát triển thêm 5 hội cấp huyện (đạt 8/8 huyện, thành phố có Hội Người mù) với 1.342 hội viên, thành lập được 42 chi hội, 4 hội cấp xã và 15 tổ nhóm.
 
Công tác chăm lo đời sống cho hội viên cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội. Nhiều năm qua, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, kết hợp vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất, đến nay, gần 100 hộ gia đình hội viên nghèo, khó khăn về nhà ở được làm nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương. Hội hỗ trợ sửa chữa 154 ngôi nhà; trợ cấp khó khăn, trợ cấp đột xuất do thiên tai bão lụt cho hàng nghìn lượt hội viên… với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, hội tích cực điều tra, khảo sát tình hình đời sống hội viên để kịp thời đề xuất với chính quyền địa phương quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho hội viên, hiện nay, đã có 962 hội viên được cấp thẻ BHYT hoặc giấy chứng nhận người nghèo, con của người mù đi học được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp khác.
 
Xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nhiều năm qua, Tỉnh hội đã đề xuất với Trung ương hội phân bổ nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi. Tỉnh hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), tổ chức cho người mù vay vốn, tạo điều kiện cho người mù cùng gia đình phát triển chăn nuôi trồng trọt, làm dịch vụ buôn bán nhỏ…
 
Năm 2003, với nguồn vốn ban đầu 160 triệu đồng (được vay theo kênh của Trung ương Hội Người mù), hội đã giải quyết cho 81 hội viên vay. Đến nay, hội đã lập được nhiều dự án với doanh số cho vay hơn 4 tỷ đồng. Ngoài nguồn vay theo kênh của Trung ương hội, nhiều hội viên cũng được chính quyền địa phương quan tâm giải quyết cho vay theo nguồn của địa phương và các kênh khác.
 
Thực tế số tiền mỗi hộ được vay chưa phải là nhiều (mức thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất là 20 triệu đồng), thời gian vay còn ngắn (từ 12 tháng đến 36 tháng tùy theo dự án), nhưng đối với người mù thì đây là nguồn vốn vô cùng quý báu.
 
Từ nguồn vốn vay, với sự cần cù, sáng tạo, chịu thương chịu khó, nhiều người mù đã biết phát huy nguồn vốn vay đem lại hiệu quả thiết thực như trang trại của gia đình anh Phan Thanh Sơn ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch mỗi năm cho thu nhập từ 200 triệu đến 250 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 5-7 người cũng là người khuyết tật trong thôn, trong đó 4 lao động thời vụ, 3 lao động thường xuyên… và rất nhiều điển hình khác đã tích cực đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng, làm dịch vụ buôn bán…, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Vừa tích cực đứng ra lập dự án cho hội viên vay vốn, hội vừa tích cực mở các cơ sở, dịch vụ, tổ sản xuất để tạo việc làm cho nhiều hội viên trong độ tuổi lao động. Các cơ sở xoa bóp tẩm quất của hội ở TP. Đồng Hới, huyện Lệ Thủy, huyện Bố Trạch, TX. Ba Đồn đã tạo việc làm cho hơn 70 người mù với mức thu nhập bình quân 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.
 
Các tổ làm tăm tre, chổi đót ở huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ cũng đã thu hút được hàng chục hội viên tham gia. Người mù trong tỉnh từ chỗ đói nghèo, tự ti, mặc cảm với xã hội đã được khơi dậy, động viên bằng tinh thần lẫn vật chất, đời sống hội viên ngày càng được nâng lên, nhiều người đã xóa được đói, giảm được nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống từ 72% (năm 2002) đến nay còn 25%.
 
Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, các cấp hội đã đẩy mạnh phong trào văn nghệ, thành lập các tổ nhóm văn nghệ và khuyến khích động viên anh chị em tham gia. Các buổi sinh hoạt hội được lồng ghép những tiết mục thơ, ca, hò, vè... mang lại không khí vui tươi phấn khởi giúp hội viên thêm tin yêu vào cuộc sống.
 
Tại các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dành cho người khuyết tật, nhiều hội viên đã tích cực tham gia và đạt được giải cao, đem niềm vui, niềm tự hào về cho Hội Người mù tỉnh. Đặc biệt, anh Nguyễn Văn Mỵ ở Quảng Xuân, Quảng Trạch bị mù 2 mắt nhưng đã có sáng kiến dùng máy bộ đàm làm "Người thông tin làng chài" giúp ích cho bà con đi biển ở quê anh, được Chủ tịch nước gửi thư khen.
 
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết, trải qua 20 năm hình thành và phát triển, Hội Người mù tỉnh luôn đồng hành, là chỗ dựa tinh thần cho hội viên toàn tỉnh hòa nhập với cộng đồng. Thời gian tới, hội tiếp tục phấn đấu để đời sống hội viên ngày càng được nâng lên. Hội cũng mong muốn các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm tiếp tục chung tay giúp đỡ, hỗ trợ để người khiếm thị thêm tự tin, động lực tự lập tạo dựng cuộc sống.
 
Với những nỗ lực cố gắng trong 20 năm qua, cán bộ, hội viên Hội Người mù tỉnh Quảng Bình đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý: bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng cho 2 tập thể hội và 2 cá nhân; bằng khen của Ủy ban Trung ươngMTTQVN; 2 lần Tỉnh hội được Trung ương Hội Người mù Việt Nam và UBND tỉnh tặng Cờ đơn vị xuất sắc; Trung ương Hội Người mù Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì hạnh phúc người mù”…
 
Phạm Hà