Chủ động phòng chống bão số 5

  • 08:35 | Thứ Năm, 17/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 16-9, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức họp triển khai chuẩn bị phòng chống cơn bão số 5.
Đồng chí Trần Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Đồng chí Trần Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Đồng chí Trần Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan.
 
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Bình, hồi 10 giờ ngày 16-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13, 2 độ vĩ Bắc; 117,1 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoảng Sa khoảng 750km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyến theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh thêm.
 
Đến 10 giờ ngày 17-9, vị trí tâm bão ở khoảng 14,7 độ vĩ Bắc; 114,0 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh thêm.
 
Đến 10 giờ ngày 18-9, vị trí tâm bão khoảng 16,3 độ vĩ Bắc; 108,7 độ kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 đến 12, giật cấp 14. 
 
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 đến 25km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Bình đến Đà Nẵng với sức gió mạnh nhất cấp 10, cấp 11, giật cấp 13 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 19-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,5 độ vĩ Bắc; 103,5 độ kinh Đông, trên khu vực Thái Lan. Do ảnh hướng của bão số 5 nên từ chiều 17-9 đến đêm 18-9 các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 200 đến 300mm/đợt, có nơi trên 400mm.  
Đại diện lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Đại diện lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phát biểu tại cuộc họp
Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến 10 giờ ngày 16-9, tỉnh ta còn 913 phương tiện/5.930 lao động đang hoạt động trên biển. Riêng vùng ven biển Quảng Bình có 210 phương tiện/730 lao động và có 5.607 phương tiện/17.011 lao động đã neo đậu tại bờ.
 
Hiện tại, các hồ chứa nước trên địa bàn cơ bản an toàn, không có sự cố. Có 8 tuyến đê kè trong quá trình thi công gần hoàn thiện. Các loại cây trồng vụ hè-thu cũng đã cơ bản thu hoạch xong. Diện tich thủy sản hiện đang thả nuôi có 6.522,5 ha và 1.529 lồng bè đang nuôi trên sông…
 
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trần Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đây là cơn bão có tốc độ nhanh, có thể ảnh hưởng đến tỉnh ta. Để ứng phó với bão, các thành viên Ban Chỉ huy, sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần nghiêm túc thực hiện Công điện số 116 và 117/CĐ-BCH ban hành ngày 16-9-2020 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh; tuyệt đối không chủ quan với diễn biến, đường đi, vùng ảnh hưởng của cơn bão số 5 và các hình thế thời tiết gây mưa trước, trong, sau bão; quán triệt phương châm “4 tại chỗ”, khẩn trương triển khai phương án phòng, chống mưa, bão; kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào bờ, kiểm đếm, sắp xếp neo đậu an toàn. 
 
Đối với các sở, ngành, địa phương cần triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, khách du lịch, các em học sinh trước, trong, sau bão; sẵn sàng di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm; vận hành, bảo vệ an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là hồ chứa xung yếu, bị hư hỏng; gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, chặt tỉa cây. Đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cần lưu ý người dân gia cố chuồng trại, giảm thiệt hại đối với lồng bè, vùng nuôi trồng thủy, hải sản, vườn cây lâu năm, trang trại chăn nuôi, công trình đang thi công; chủ động dự trữ lương thực, thiết yếu tại khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa, lũ; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính, tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra...
 
Ngay sau cuộc họp này, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh sẽ thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống bão số 5 tại các địa phương trong tỉnh.
 
X.V