Bức chân dung đẹp giữa đời thường

  • 07:05 | Thứ Năm, 10/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hẹn gặp chị vào lúc 8 giờ sáng nhưng mãi đến 9 giờ mới diện kiến được với nhau. Tháo hết tất cả những khăn, khẩu trang trùm kín mặt, đưa vạt tay áo thấm vội mồ hôi, tôi thấy chị lấp lánh nụ cười hồn hậu. Chị bảo: “Dậy lúc 5 giờ sáng, lo chuyện gia đình, 6 giờ đến cơ quan phân việc cho anh chị em… xong là xuống cơ sở vệ sinh, thu gom rác cùng mọi người. Nên để em chờ vậy đó!”.
 
Ngồi cùng tôi trong khuôn viên khá cũ kỹ của Ban quản lý các công trình công cộng (BQL CCTCC) huyện Quảng Ninh vốn trước đây là trụ sở Trung tâm giáo dục thường xuyên, nhân vật của tôi lột bỏ tất cả những nhọc nhằn, vất vả nghề “lao công” để trở về nguyên bản người phụ nữ hồn hậu, chất phác, giản đơn… Giản đơn như công việc “làm dâu trăm họ” của chị hàng ngày.
  Chị Nguyễn Thị Tự
Chị Nguyễn Thị Tự
Nguyễn Thị Tự là tên chị, sinh năm 1970, quê quán xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, “bén duyên” với nghề “lao công” từ năm 2005. Bấm đốt ngón tay nhẩm đếm, chị Tự có hơn 15 năm gắn bó với nghề.
 
Trong bản lý lịch của chị, ở phần học hàm, học vị, chức vụ tôi thấy duy nhất một chữ “không” bé nhỏ. “Nhưng hiện tại, chị đang giữ chức tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường đó chứ?”-tôi hỏi đùa.
 
Chị cười giòn: “Chức vụ chi chú, chẳng qua là kiêm nhiệm thêm. Tổ vệ sinh thuộc BQL CCTCC huyện Quảng Ninh gồm 18 người, trong đó có 15 công nhân vệ sinh và 3 lái xe chuyên dụng. Thủ trưởng đơn vị và anh chị em tín nhiệm tiến cử, để làm sao công việc của tổ luôn thông suốt, khoa học và hiệu quả, tăng năng suất lao động và giảm chi phí, công sức công nhân. Với chị, mọi thứ diễn ra bình thường, dậy lúc 5 giờ sáng, lo chuyện gia đình xong, 6 giờ đến cơ quan phân việc cho anh chị em… 6 giờ 15 phút là xuống cơ sở vệ sinh, thu gom rác như mọi người trong tổ”.
 
Quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân công, chị Nguyễn Thị Tự luôn tận tụy, hoàn thành xuất sắc mọi công việc. Chị nhớ lại, năm 2017, trước tình hình khó khăn về nhân lực của đơn vị khi địa bàn thu gom rác trong huyện ngày càng mở rộng thêm, chị mạnh dạn đề xuất với thủ trưởng đơn vị thực hiện thí điểm việc giao khoán cho chị em theo hình thức khoán quản, chia đoạn đường gom, đoạn đường quét, chia thùng, chia xe đẩy rác để cá nhân tự phụ trách. Địa bàn thí điểm là thị trấn Quán Hàu.
 
Sau khi áp dụng, công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường chuyển biến rõ nét. Thành viên trong tổ vệ sinh môi trường sâu sát địa bàn, nắm chắc giờ giấc sinh hoạt từng gia đình thuộc địa bàn mình quản lý để vận động nhân dân đổ rác đúng nơi quy định, tổ chức thời gian thu gom hợp lý, khoa học.
 
Nhờ vậy, vào những lúc cao điểm, như: ngày lễ, tết, hội hè… hay như lúc thiên tai, bão lụt, lượng rác tăng lên gấp hai, gấp ba nhưng vẫn thu gom kịp thời, không để rác tồn đọng ảnh hưởng đến môi trường và sinh hoạt người dân.
Công việc thầm lặng hàng ngày của chị Nguyễn Thị Tự.
Công việc thầm lặng hàng ngày của chị Nguyễn Thị Tự.
Ngoài việc trực tiếp tham gia thu gom rác thải, chị Nguyễn Thị Tự cùng thành viên trong tổ còn là những “tuyên truyền viên” phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể huyện Quảng Ninh tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không xả rác ra đường và khu vực công cộng. Tổ thu gom áp dụng mô hình và lịch thu gom mới, bảo đảm tất cả các địa phương không có rác tồn đọng.
 
Nhờ vậy, trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có 14 xã, thị trấn (trừ xã miền núi Trường Sơn) ký hợp đồng với BQL CCTCC huyện thu gom, vận chuyển rác thải về xử lý tập trung tại khu vực bãi rác của huyện.
 
Câu chuyện về mô hình “một hố rác một cây xanh” tại nhà mệ Dấu ở thị trấn Quán Hàu là một cách làm hay do chị Nguyễn Thị Tự đề xuất vào năm 2018. Tất cả các loại rác hữu cơ có thể phân hủy, đốt được, như: rau, củ, quả, cỏ, cây cối, hoa lá rụng…, được gom lại, sau khi đốt thành tro, trộn đều với đất để trồng cây ăn quả. Cứ thế, hố này đầy, trồng cây, tiếp tục đào hố khác, vừa sạch vườn, vừa tốt cây.
 
“Giải pháp này đang áp dụng ở nhiều gia đình khu vực nông thôn, là một bước đột phá mới nâng cao nhận thức cho người dân nông thôn trong xử lý rác thải, giảm được một khối lượng lớn rác hữu cơ trong rác sinh hoạt.”, chị Nguyễn Thị Tự chia sẻ.
 
Ông Trần Văn Tuyến, Trưởng BQL CCTCC huyện Quảng Ninh cho biết: “Đơn vị chỉ có 33 cán bộ, công nhân viên thực hiện rất nhiều nhiệm vụ liên quan đến vệ sinh môi trường, như: thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; phụ trách mảng cây xanh đô thị, hệ thống điện chiếu sáng công cộng; quản lý, bảo vệ các công trình công cộng… Riêng tổ vệ sinh môi trường của chị Tự có số lượng công nhân đông nhất với 18 người và là bộ phận quan trọng nhất trong việc góp phần bảo vệ môi trường, giúp địa bàn huyện Quảng Ninh ngày càng xanh, sạch, đẹp. Hơn 15 năm công tác, những cống hiến của chị Tự luôn được đơn vị ghi nhận, tôn vinh. Chính chị là tấm gương sáng để tất cả cán bộ, công nhân viên trong cơ quan học tập”.
 
15 năm gắn với nghề “lao công”, chị Nguyễn Thị Tự bảo với tôi rằng âu đó đã trở thành nghiệp của mình, còn sức khỏe, chị còn cống hiến… vì một môi trường sống xanh. Dù nghề nào, nghiệp nào, nếu nỗ lực hết mình, yêu nghề, yêu nghiệp thì xã hội luôn tôn vinh.
 
Đối với chị Nguyễn Thị Tự quả đúng như vậy khi 10 năm liên tục (2010-2019) chị luôn giữ vững danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; chiến sỹ thi đua cấp tỉnh giai đoạn (2017-2019); bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh các năm 2014, 2015, 2018 cùng rất nhiều giấy khen do Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh trao tặng.
 
Hồ An
.