Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

  • 09:15 | Thứ Hai, 03/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) đã tăng cường công tác đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc danh mục cần khẩn trương khắc phục, xử lý theo đúng quy định.
 
 Cần nâng cấp các bãi xử lý rác thải địa phương để việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn.
Cần nâng cấp các bãi xử lý rác thải địa phương để việc xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao hơn.

Cụ thể, đối với 22 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở TNMT đã tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn.

Cùng với đó, đơn vị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và hướng dẫn các cơ sở áp dụng những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm phù hợp; sớm bố trí nguồn vốn hoặc huy động nguồn vốn để hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường theo kế hoạch, lộ trình xử lý đã đề ra; báo cáo tiến độ thực hiện, khó khăn, vướng mắc để Sở TNMT hỗ trợ xử lý.

Nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong giai đoạn xử lý triệt để, hàng năm, Sở đã tổ chức hoặc phối hợp với Bộ TNMT triển khai các đợt thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 22 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
 
Việc chủ động đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, liên tục đã tạo được áp lực mạnh mẽ buộc các cơ sở phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp xử lý triệt để. Và thông qua công tác này, Sở cũng kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của cơ sở để đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách có liên quan, góp phần thúc đẩy tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
Bên cạnh đó, để bảo đảm có nguồn lực tài chính trong việc thực hiện xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hàng năm, Sở đều thực hiện tốt công tác rà soát, lập hồ sơ để tham mưu trình UBND tỉnh đề nghị Bộ TNMT, Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại các cơ sở thuộc khu vực công ích.
 
Cụ thể, nâng cấp và cải tạo bãi xử lý rác thải huyện Lệ Thủy với kinh phí thực hiện hơn 6 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo bãi xử lý rác thải huyện Quảng Ninh với kinh phí thực hiện hơn 5,1 tỷ đồng; thực hiện đóng cửa bãi xử lý rác thải Quảng Long (Ba Đồn) với kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng; nâng cấp và cải tạo bãi xử lý rác thải khu vực du lịch Phong Nha của huyện Bố Trạch với kinh phí hơn 4,8 tỷ đồng; nâng cấp và cải tạo bãi xử lý rác thải huyện Quảng Trạch với kinh phí hơn 7 tỷ đồng...
 
Nhằm kiểm soát, ngăn chặn tình trạng phát sinh mới các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Sở đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng của Sở tăng cường tổ chức các cuộc, đợt kiểm tra và phối hợp với Bộ TNMT thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
 
Từ đó, lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, khắc phục những tồn tại; khẩn trương khắc phục sự cố, bảo đảm các nguồn thải phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn cho phép trước khi xả thải ra môi trường.
 
Vì vậy, ngoài 22 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc danh mục cần xử lý theo quy định đến nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
 
Theo ông Phan Xuân Hào, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT), để phát huy kết quả đã đạt được và tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chủ động quản lý, ngăn ngừa và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn, cần tiếp tục có kinh phí hỗ trợ, nhất là từ Trung ương.
 
Một số nhiệm vụ bảo vệ môi trường cấp thiết hiện nay cần được triển khai, như: xử lý ô nhiễm tại bãi xử lý rác thải xã Thanh Trạch (Bố Trạch); nâng cấp, mở rộng một số bãi xử lý rác thải để nâng cao năng lực xử lý bảo đảm vệ sinh môi trường tại các bãi rác ở huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy và Quảng Ninh; cải tạo hệ thống xử lý nước thải của các bệnh viện đa khoa đã xuống cấp ở huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và thành phố Đồng Hới; xây dựng hệ thống xử lý nước thải của chợ đầu mối Ba Đồn, đây là một trong các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg.
 
Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển công nghệ môi trường cũng như các nguồn lực khoa học công nghệ để hỗ trợ cho các địa phương giải quyết hiệu quả công tác xử lý môi trường, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường...
                                                                                      Bùi Thành