Tấm lòng rộng mở

  • 07:57 | Chủ Nhật, 09/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chưa giàu, không nghèo, thậm chí hai vợ chồng ở tuổi xế chiều vẫn đang nuôi một người con bị bệnh tâm thần, thế nhưng, tấm lòng ông vẫn rộng mở. Thông điệp rất bình dị ông gửi giữa phố thị Ba Đồn rằng-cho đi là còn mãi. Ông tên Trần Huy Hoàng, quê quán TDP Thủy Sơn, phường Quảng Long.
 
Khổ nhưng không khó
 
Giữa cái nắng rát tháng bảy, về phường Quảng Long, hỏi nhà ông Hoàng “ve chai” hay làm từ thiện, người dân chỉ cho chúng tôi ngôi nhà cấp bốn nằm sâu trong con ngõ nhỏ. “Ông Hoàng ở đó, nhưng trưa trật ông ấy mới về”. Chờ đến sém trưa, ông về, dáng người bé nhỏ, khắc khổ trên chiếc xe đạp cà tàng lỉnh kỉnh đồ đồng nát: chồng bìa giấy các-tông cột phía sau, bao vỏ lon bia ở giỏ xe phía trước, nơi ghi-đông xe lủng lẳng đùm vỏ chai nhựa… Ông chào khách, khoe: “Tài sản của tui tích cóp cho người yếm thế đều nằm nơi cái xe đạp ni!”
 
Ông Trần Huy Hoàng kể: “Vợ chồng sinh được 4 đứa con trai, ba đứa lớn có gia đình đi làm ăn xa, riêng thằng út tên Trần Công Tứ, năm nay 32 tuổi bị thần kinh bẩm sinh, sống cuộc đời thực vật, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phụ thuộc vào hai vợ chồng”.
 
Ngoài việc nhặt ve chai hàng ngày, ông Hoàng có thêm một nghề phụ là sửa chữa quạt điện. Ông bảo: “Nhờ tài lẻ ni mà gia đình thêm phần thu nhập nuôi con, nuôi cháu và giúp đời chút ít. Cuộc sống hiện tại vẫn còn khổ nhưng không khó”.
 Ông Trần Huy Hoàng:
Ông Trần Huy Hoàng: "Tôi còn sức khỏe thì vẫn tiếp tục giúp đời".
Trước đây, ông Hoàng bám chợ Ba Đồn làm nghề bốc vác thuê. Sau thấy sức khỏe yếu dần, ông nghỉ hẳn ở nhà giúp vợ chuyện đồng áng, lo vườn tược, chăm đứa con tật nguyền và đứa cháu nội. Vợ ông cũng không nghề nghiệp ổn định, chạy chợ ngày hai buổi bán mớ rau, nải chuối cùng ông trang trải cuộc sống qua ngày.
 
Hỏi ông bén duyên với chuyện giúp người, giúp đời từ lúc nào, ông kể: “Ấy là vào Tết Nguyên đán năm 2019, khi đưa Trần Công Tứ vào chữa bệnh tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Trong phòng có ông cụ già yếu gia cảnh rất nghèo người Bố Trạch. Ngày đưa Tứ ra viện, thấy ông cụ yếu quá, vét hết trong người được 100 nghìn đồng đưa cho, ghi số điện thoại lại để tiện liên lạc.
 
Ngày mùng một Tết, người nhà ông cụ điện ra thông báo cụ mất. Bản thân chợt suy nghĩ, người già neo đơn, trẻ em mô côi nghèo trong xã hội còn nhiều lắm, sao không làm một việc gì đó có ý nghĩa giúp đỡ họ”.
 
Nghĩ là làm, để có kinh phí hoạt động từ thiện, ông Trần Huy Hoàng lang thang trên chiếc xe đạp cà tàng lượm ve chai bán lấy tiền cất lại, “tích tiểu thành đại” dùng vào việc giúp những cảnh đời yếm thế.
 
Còn sức… còn giúp đời
 
Ông kể: “Một ngày, tôi đi quanh thị xã Ba Đồn hai lượt lượm ve chai. Khi nào chất đầy xe đạp thì về. Bình quân mỗi ngày thu nhập cũng được khoảng 100 nghìn đồng”. Ngày 5-7-2020, tại Trường tiểu học Quảng Long quê ông, người đàn ông nhặt ve chai ấy đã tặng 2 suất quà cho hai học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
 
Trong đại dịch Covid-19, ngày ngày, tranh thủ thời gian rảnh, ông Hoàng ra với các chốt phòng, chống dịch, vệ sinh, thu gom rác thải, nấu ăn, rửa bát cho các anh bộ đội, công an, y, bác sỹ. Biết về sự hy sinh thầm lặng của những người nơi tuyến đầu chống dịch, ông mua 3 thùng sữa và gửi 200 nghìn đồng tặng cho mọi người.
 
Quà giúp người, giúp đời của ông Trần Huy Hoàng giá trị không lớn, chỉ từ 100-300 nghìn đồng/suất, nhưng cứ lặng thầm theo thời gian, việc làm của ông được cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao. Đại dịch Covid-19 tạm lắng, ông được Ủy ban MTTQVN thị xã Ba Đồn tặng quà trị giá một triệu đồng (gồm hiện vật và 800 nghìn đồng tiền mặt), hiện vật ông nhận, tiền mặt ông nhập vào quỹ nhân đạo giúp người.
 
Từ cuối năm 2019 đến nay, ông Trần Huy Hoàng đã giúp đỡ được khoảng 100 trường hợp. Đối tượng ông hướng đến là người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân nghèo… Phạm vi giúp đỡ không chỉ ở thị xã Ba Đồn mà lan tỏa sang các địa phương lân cận. Mới đây nhất, ông Hoàng xuống thăm và trao 4 suất quà (trị giá 200 nghìn đồng/suất) cho 4 bệnh nhân nghèo chạy thận tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình.
 
Bây giờ ông Hoàng “ve chai” làm từ thiện ngày ngày rong ruỗi trên chiếc xe đạp cũ trở thành hình ảnh thân quen của người dân thị xã Ba Đồn. Bà con cảm thông với công việc của ông nên ai cũng giúp đỡ tận tình. Trước đây, họ bán đồng nát cho ông thì nay họ để dành biếu không… Ba người con trai làm ăn xa, trước chưa hiểu việc làm của bố ai cũng ngăn cản. Bây giờ, các con thấu hiểu, lúc nào cũng đồng thuận, động viên ông ráng giữ gìn sức khỏe để làm từ thiện. Không nói ra nhưng ông Hoàng cảm giác ấm lòng.
 
Ông Trần Huy Hoàng thì luôn suy nghĩ mộc mạc, đơn giản: “Tôi còn sức khỏe… thì vẫn tiếp tục giúp đời. Để cuộc sống vơi bớt đi những cảnh đời bất hạnh. Cho cuộc sống mãi tốt đẹp hơn lên”.
 
Hồ An