Phòng, chống xâm hại trẻ em: Mọi người cùng lên tiếng!

  • 07:58 | Thứ Năm, 13/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề “nóng” được xã hội quan tâm. Đặc biệt, thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động để cộng đồng xã hội, trong đó có trẻ em, nói lên tiếng nói của mình nhằm góp phần hạn chế và đẩy lùi tình trạng xâm hại trẻ em. Cùng với các ý kiến phát biểu tại diễn đàn Quốc hội, việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại với trẻ em cùng các hoạt động ở cơ sở đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực cả về nhận thức lẫn hành động trong phòng, chống xâm hại trẻ em.
 
Xâm hại trẻ em bao gồm nhiều hành vi, như: xâm hại tình dục, sử dụng bạo lực với trẻ em; mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt, bỏ rơi trẻ em; lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lạm dụng trẻ em vào một số hoạt động trái pháp luật... Các hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài cho trẻ em cả về thể chất và tinh thần cùng các hậu quả cho gia đình và xã hội.
 Các đại biểu trẻ em tại buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH tỉnh.
Các đại biểu trẻ em tại buổi tiếp xúc với Đoàn ĐBQH tỉnh.
Tháng 6-2020, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phối hợp với Tỉnh đoàn và Tổ chức Plan tổ chức đối thoại với trẻ em nhằm tạo điều kiện để các em chia sẻ, đóng góp các ý kiến, khuyến nghị của bản thân về những vấn đề liên quan đến trẻ em. Tại chương trình đối thoại, nhiều em đã có các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị về tình trạng xâm hại trẻ em với những góc nhìn thực tế. Những ý kiến của các em đã giúp Đoàn ĐBQH tỉnh và cơ quan chức năng địa phương có thêm thông tin, cơ sở để kiến nghị, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thực hiện quyền trẻ em.
 
Tại chương trình đối thoại, em Phạm Ngọc Hà Linh, Liên đội Trường tiểu học số 2 Hoàn Lão (huyện Bố Trạch) đã nêu thông tin về vụ việc bạo hành trẻ em tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch. Đó là việc bạn gái 12 tuổi bị bố mẹ trói vào thùng xe tải giữa thời tiết nắng nóng và một số trường hợp trẻ em bị bạo hành khác. Hà Linh cho biết, sau khi được nghe mẹ trao đổi về vụ việc này, em rất mong muốn được nghe về những giải pháp mà cơ quan chức năng sẽ áp dụng để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng bạo hành trẻ em nói chung, đối với trường hợp bạn gái ở xã Lý Trạch nói riêng.
 
Còn em Đào Lê Bảo Ngọc, Liên đội Trường THCS Đồng Phú (TP. Đồng Hới) thì nêu thực trạng của trường em. Đó là vụ việc người lạ lẻn vào trường và có hành vi sàm sỡ đối với các bạn gái. Bảo Ngọc cũng đã đặt câu hỏi cho các đại biểu về những biện pháp để ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả và xử lý nghiêm những đối tượng này, tạo môi trường học tập và sinh hoạt an toàn cho trẻ em.
 
Em Hoàng Tuyết Minh, Liên đội Trường THCS số 1 Đồng Sơn (TP. Đồng Hới) hỏi về việc cần làm gì khi bản thân hoặc bạn bè bị bạo lực học đường, bị xâm hại thân thể, xâm hại tình dục. Và khi có vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra thì việc hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em bị bạo lực, xâm hại được triển khai như thế nào để hạn chế những tổn thương cả về thể chất và tinh thần…
 
Những vấn đề các em nêu ra đã được Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ngành liên quan, như: Công an tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục-Đào tạo lắng nghe và trả lời cụ thể. Cùng với việc trả lời câu hỏi của các em, Đoàn ĐBQH tỉnh đồng thời tiếp thu và giám sát việc thực hiện các cam kết của sở, ban, ngành bảo đảm thỏa đáng và hiệu quả.
 
Trao đổi về những ý kiến của các em về phòng, chống xâm hại trẻ em, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Ngọc Phương khẳng định: Những vấn đề các em đặt ra rất thời sự và thực tế. Các ĐBQH đã được trực tiếp lắng nghe những vấn đề mà các em cần chia sẻ, đặc biệt là nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em. Đây là một kênh hiệu quả, giúp Quốc hội thực hiện tốt hơn vai trò giám sát thực hiện luật pháp nói chung và Luật Trẻ em nói riêng. Trong các năm tới, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động định kỳ tiếp xúc với trẻ em.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng tin tưởng, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu, giải quyết các vấn đề trẻ em quan tâm, trong đó, có phòng, chống xâm hại trẻ em, đề xuất các giải pháp bảo vệ trẻ em, xem đây là cam kết của các cấp, ngành đối với thiếu nhi toàn tỉnh. Đối với các em thiếu nhi, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương mong muốn các em tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền cho các bạn và gửi các kiến nghị, đề xuất của mình đến nhà trường, đến ĐBQH.
 
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần chung tay với nhà trường, tạo cơ hội để trẻ em tham gia, bộc lộ, chia sẻ những mong muốn, suy nghĩ của mình, giúp trẻ em xây dựng và phát triển tư duy phản biện nhằm tạo sự thay đổi tích cực cho tương lai. Các cơ quan thông tin đại chúng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến trẻ em, dành nhiều thời lượng tuyên truyền về quyền, bổn phận của trẻ em theo hình thức phù hợp để các em hiểu luật, hiểu quyền lợi của mình và xây dựng, hoàn thiện ý thức tuân thủ pháp luật.
 
Chị Trương Thị Thúy Vân (thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch), phụ huynh cháu Phạm Ngọc Hà Linh cho biết, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, nắm được những thông tin về tình trạng xâm hại trẻ em, chị thường chia sẻ với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các con. Cùng với việc chia sẻ, chị Vân đồng thời tư vấn cho con những cách thức để bảo vệ bản thân trước những tình huống xâm hại và khuyến khích con nói lên những ý kiến của mình trước thực trạng này.
 
“Qua theo dõi hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, tôi đã nghe ý kiến đề xuất của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương về việc cần áp dụng thêm biện pháp "thiến hóa học" với những kẻ xâm hại tình dục trẻ em. Đây là biện pháp đã được một số nước áp dụng đối với tội phạm ấu dâm. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị các phương tiện truyền thông và cộng đồng khi đưa tin, nêu về các trường hợp trẻ em bị xâm hại tránh nêu tên, tuổi, địa chỉ cụ thể vì sẽ gây tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của nạn nhân bị xâm hại.
 
Cá nhân tôi đồng tình với các ý kiến đó, đồng thời mong muốn mọi người cùng lên tiếng để hạn chế và đẩy lùi tình trạng xâm hại trẻ em nói chung, xâm hại tình dục trẻ em nói riêng, góp phần bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước!’, chị Vân chia sẻ.
 
Ngọc Mai