Khởi sắc vùng biên viễn

  • 14:35 | Thứ Ba, 04/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 4 năm thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch (Bố Trạch), đến nay, bộ mặt của 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn này đã có sự đổi thay căn bản; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) từng bước được cải thiện và nâng lên.
 
Tân Trạch và Thượng Trạch là 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn, nằm về phía Tây của huyện Bố Trạch, có tổng diện tích tự nhiên hơn 110.000ha, chiếm hơn 51% diện tích toàn huyện. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bố Trạch lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020, UBND huyện Bố Trạch đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển  kinh tế-xã hội hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch, xem đây là yêu cầu cấp bách trong phát triển kinh tế-xã hội chung của toàn huyện, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ huyện, các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai xã Tân Trạch, Thượng Trạch. 
   Sau 4 năm thực hiện Đề án, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Trạch và Thượng Trạch được an cư trong những ngôi nhà sàn vững chãi.
Sau 4 năm thực hiện Đề án, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Trạch và Thượng Trạch được an cư trong những ngôi nhà sàn vững chãi.
Mục tiêu xuyên suốt của đề án là nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn 2 xã; tập trung phát triển kinh tế-xã hội, từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, cải thiện đời sống vật chất, nâng cao đời sống tinh thần cho ĐBDTTS, sớm đưa 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch thoát khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển.
 
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Hà Vĩnh Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch chia sẻ: “Triển khai thực hiện đề án, UBND huyện Bố Trạch đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng phòng, ban, cá nhân, lấy đó làm thước đo trong việc đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân hàng năm.
 
Bên cạnh tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc một cách hợp lý nhằm tập trung phát triển kinh tế-xã hội cho 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch. Xác định công tác tuyên truyền, vận động có ý nghĩa quan trọng làm thay đổi tư duy, nhận thức của ĐBDTTS, huyện đã đổi mới công tác này bằng chính sách 3 cùng: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và bắt tay chỉ việc, có làm, có kiểm tra kết quả đạt được... ”.
 
Đảng bộ, chính quyền 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch đã tích cực chỉ đạo bà con thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đến nay, tình hình kinh tế-xã hội của 2 xã đã có sự chuyển biến rõ nét, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Đời sống của đồng bào có sự thay đổi cả về vật chất lẫn tinh thần, nhiều hộ gia đình đã có ý thức phát triển kinh tế hộ từ chăn nuôi và trồng rừng, có của ăn, của để.
 
Nhiều mô hình phát triển sản xuất mới, giống cây, con mới được đưa vào áp dụng trên địa bàn 2 xã đã làm thay đổi nhận thức về chăn nuôi, trồng trọt theo lối truyền thống của đồng bào, như: mô hình trồng hồ tiêu, thâm canh lúa XI23, ngô nếp, mít Thái Lan… Hiện tại, diện tích đất trồng lúa ổn định của 2 xã là 765ha, tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt trên 170 tấn; đất trồng cây hàng năm khác 639ha.
 
Trung bình mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của 2 xã giảm 2-3%. Đến nay, 2 xã còn 572 hộ nghèo, chiếm 84% tổng số hộ, giảm 8,1% so với năm 2016. ĐBDTTS đã có nếp sống tiến bộ hơn, quan tâm hơn đến việc học tập của con em, có ý thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhất là về sức khỏe sinh sản. Hiện 2 xã có 58km đường giao thông; trong đó, có 44km được bê tông hóa về tận trung tâm xã và các bản, tăng 15km so với năm 2016.
 
Việc ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, nhà ở cho ĐBDTTS, nước sinh hoạt… ngày càng đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.
 
Hệ thống chính trị 2 xã được kiện toàn bảo đảm từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận cho đến các đoàn thể. Đến nay, xã Thượng Trạch có 22 chi bộ Đảng, Tân Trạch có 4 chi bộ; trong đó, 20/20 bản đều có tổ chức đảng và 6 chi bộ cơ quan, trường học. Riêng xã Thượng Trạch, đảng viên là cán bộ, công chức được phân công về từng bản tham gia sinh hoạt.
 
Năm 2017, Chi bộ xã Tân Trạch được nâng lên thành đảng bộ, tăng thêm 1 chức danh phó bí thư đảng bộ, góp phần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền 2 xã được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả ngày càng được nâng lên; đội ngũ cán bộ, công chức được biên chế đầy đủ theo quy định.
 
Dẫu đã có sự đổi thay toàn diện so với những năm trước đây, tuy nhiên, so với mặt bằng chung của huyện, của tỉnh thì hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch vẫn còn gặp rất nhiều gian nan, bởi kinh tế chậm phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác để phục vụ cho phát triển kinh tế.
 
Do vậy, việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại 2 xã vẫn luôn là vấn đề trăn trở của cấp ủy, chính quyền huyện Bố Trạch. Một nhiệm kỳ mới với hành trình mới đang đến gần, Tân Trạch và Thượng Trạch cần nhất một chính sách tích hợp tất cả các chính sách phát triển vùng DTTS, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn nhằm thu gọn đầu mối quản lý, hỗ trợ có điều kiện, giảm cho không, tăng cho vay để khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững của ĐBDTTS nơi đây, tạo sự khởi sắc thực sự nơi vùng biên viễn phía Tây Bố Trạch.
 
              Hiền Chi