Chuyện của người lính trở về từ "địa ngục trần gian"

  • 09:14 | Thứ Hai, 03/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã 47 năm kể từ ngày trở về từ “địa ngục trần gian” nhưng ông Đặng Quang Nậy (bí danh Đặng Thái Học) ở thôn 3, Võ Thuận, xã Tây Trạch, Bố Trạch vẫn không thể nào quên những năm tháng bị địch bắt, tù đày ở nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang). Kể cho chúng tôi nghe những ký ức trận mạc mà trong mắt ông vẫn ánh lên niềm tự hào của một thời tuổi trẻ.
 
Cũng như bao chàng trai khác, năm 1961, ông Đặng Thái Học lên đường nhập ngũ, đến năm 1964 hết thời gian nghĩa vụ, ông phục viên trở về quê hương. Nhưng chiến tranh ngày càng ác liệt, năm 1965, ông nhập ngũ trở lại và được điều động bổ sung vào chiến trường miền Nam. Khi đơn vị đang trên đường hành quân vào Nam thì bị địch phát hiện, truy kích... nên cả đơn vị phải quay ra tỉnh Sơn Tây (ngày nay thuộc Hà Nội) tiếp tục huấn luyện. Lúc này ông được học lớp binh chủng đặc nhiệm.
 
Năm 1966, ông được phong quân hàm thiếu úy, phân công vào chiến trường ở Đà Nẵng. Vào đến Đà Nẵng, ông được phân công nhiệm vụ chuyên trách an ninh (theo dõi truyền đơn và các hoạt động của địch...)
   Ông Đặng Thái Học, cựu tù binh nhà tù Phú Quốc, Kiên Giang.
Ông Đặng Thái Học, cựu tù binh nhà tù Phú Quốc, Kiên Giang.
Năm 1968, nhóm của ông được giao nhiệm vụ tấn công trực diện vào đồn địch, nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng không may đồng chí Dương Văn Thái, Tiểu đoàn trưởng bị thương nặng, vì bảo vệ đồng đội mà cả hai bị địch bắt đưa về đặc khu Đà Nẵng để tra tấn, lấy thông tin. Ông kể: “Ở trong tù, ngày nào cũng bị tra tấn, đánh đập và dụ dỗ, dã man nhất là chúng trộn xà phòng, ớt bột, vôi trong 1 thau nước, lấy khăn tay vắt vào mũi để cho những ai không chịu được mà khai ra.
 
Biết âm mưu, thủ đoạn của chúng nên tôi bưng cả thau nước lên uống hết, thấy vậy, chúng thi nhau đá vào bụng để ép tôi nôn ra cho sặc lên mũi"... Giữa những trận đòn roi, ông chỉ biết cắn chặt răng để khỏi bật lên tiếng thét. Nhưng may mắn phòng tra tấn nằm ngay trước mặt phòng giam sinh viên, nên mỗi lần chúng giở trò tra tấn ác độc với các chiến sỹ cách mạng thì các sinh viên lại biểu tình, hô hào “đả đảo” để chúng dừng tra tấn, nên ông đã may mắn thoát chết.
 
Năm 1970, chúng tìm ra thông tin ông là lính an ninh chiến trường, biết nhiều thông tin quan trọng nhưng không khai báo, chúng đã đưa ông lên máy bay ra đảo Phú Quốc. Lúc đó, nhà tù Phú Quốc được xem như “địa ngục trần gian” đối với các chiến sỹ cách mạng, chúng đối xử với tù nhân rất tàn bạo. Hàng loạt cực hình như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố đổ nước sôi… đều được thực hiện tại đây.
 
Mặc dù chế độ nhà tù hà khắc với nhiều hình thức tra tấn tàn độc, kẻ thù vẫn không thể nào khuất phục được ý chí, tinh thần yêu nước của những chiến sỹ cộng sản, trong đó có ông. Các chiến sỹ cách mạng vẫn bền gan, vững trí, tìm cách đào hầm, vượt ngục. Trong thời gian ở nhà tù Phú Quốc, ông Học cùng với đồng đội đã đào tổng cộng được 9 hầm, nhưng mỗi lần sập do xe tăng đi qua, do mưa lớn nước qua lỗ thông hơi, do bọn chiêu hồi báo cáo là ông cùng đồng đội lại bị tra tấn dã man… 
 
Ở nhà tù Phú Quốc, 2 lần ông Học suýt mất mạng. Lần thứ nhất, tháng 1-1971, địch tiếp tục đưa anh em chiến sỹ ra giam giữ tại nhà tù, ra tới nơi chúng bắt đầu tra tấn. Sợ các chiến sỹ của ta không trụ lại được đòn roi, tra tấn mà khai tình hình ngoài chiến trường cho chúng nên ông được giao nhiệm vụ ra can thiệp, trấn an tinh thần. Chúng nghi ngờ ông là cán bộ cấp cao của ta nên bắt ông vào trại giam biệt lập, những người bị đưa vào chỉ có 3 phần sống còn 7 phần chết. Ở trại giam biệt lập 9 tháng, nếm đủ mọi nhục hình của kẻ thù, đến tháng 9-1971, ông được thả ra trại giam tập trung và xem như thoát chết.
 
Lần thứ 2 suýt bị địch bắn chết đó là tháng 12-1972, ông cùng với 2 người khác nhận nhiệm vụ đào hầm thoát ra ngoài để bắt thông tin liên lạc. Nhiệm vụ sắp hoàn thành thì không may, ông bị địch phát hiện, bắt giữ và quyết định xử bắn, cứ nghĩ là chết nhưng được các chiến sỹ trong tù phản đối kịch liệt nên ông được lệnh thả ra cho đi bệnh viện. Ông kể, nói là đưa đi bệnh viện điều trị nhưng thực tế là chúng đưa đi thủ tiêu, các chiến sỹ một lần nữa giữ ông lại để tự điều trị vết thương, sau một thời gian thì các vết thương cũng tự lành.
 
Sau 5 năm nếm đủ những cực hình ở chốn “địa ngục trần gian”, tháng 6-1973, ông cùng đồng đội được trở về theo diện trao trả tù binh, được an dưỡng để điều trị và phục hồi sức khỏe tại Tây Ninh. năm 1974, ông Học được xuất ngũ trở về địa phương.
 
Ngồi ôn lại những ký ức xưa, trong mắt người lính già ấy lại ngấn lệ khi nhắc tới những đồng đội, đồng chí bị địch sát hại trong nhà tù. Nhưng trong đôi mắt ấy ánh lên niềm tự hào, ý chí và nghị lực của một người lính đất lửa Quảng Bình đã chiến đấu anh dũng kiên cường với kẻ thù trên chiến trường và cả trong tù ngục, để góp phần cùng toàn dân tộc làm nên chiến thắng lịch sử 30-4, thống nhất nước nhà.
 
Thanh Hoa