Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Quảng Bình: Khơi nguồn sáng tạo

  • 07:55 | Thứ Bảy, 08/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có thể khẳng định rằng, chưa có nhiệm kỳ nào Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Quảng Bình lại có nhiều tác phẩm đoạt giải cao tại các giải báo chí như nhiệm kỳ 2015-2020. Nổi bật có 1 Giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2018, 5 giải C, 3 giải khuyến khích Giải báo chí quốc gia... Thành công ấy bắt nguồn từ niềm đam mê, tâm huyết và sáng tạo của các hội viên. Nhưng, không thể không kể đến vai trò của Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Quảng Bình trong việc khơi nguồn sáng tạo, vận động hội viên tích cực tìm tòi đề tài, đầu tư cho các tác phẩm báo chí.
 
Sự đa dạng của các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay đã đặt báo chí vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Để có được thị phần khán, thính giả, nhiệm kỳ qua, hội viên Chi hội Nhà báo Đài PT-TH Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực để có những chương trình bảo đảm chất lượng phát trên sóng của Đài cũng như tham dự các giải báo chí trong tỉnh và quốc gia.
 
Là một trong những đài PT-TH khó khăn nhất về cơ sở vật chất, trang thiết bị của khu vực miền Trung, nhưng Đài PT-TH Quảng Bình lại nằm trong tốp đầu các đài PT-TH khu vực miền Trung có nhiều giải thưởng lớn qua các kỳ liên hoan phát thanh, truyền hình và Giải báo chí quốc gia. 
PV chuyên mục Văn nghệ-Giải trí Đài PT-TH Quảng Bình phỏng vấn cán bộ Đồn Biên phòng Cà Roòng tháng 7-2020.
PV chuyên mục Văn nghệ-Giải trí Đài PT-TH Quảng Bình phỏng vấn cán bộ Đồn Biên phòng Cà Roòng tháng 7-2020.
Năm 2015, tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 35, hội viên Chi hội đã lập kỷ lục khi đoạt 7 giải, trong đó có 2 giải vàng, 2 giải bạc, 3 bằng khen. Tiếp nối thành công, tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 36, hội viên Chi hội lại tiếp tục đoạt 5 giải, trong đó có 1 giải vàng, 3 giải bạc, 1 bằng khen... Đối với Giải báo chí quốc gia, năm 2015, hội viên Chi hội đã dành được 2 giải C; năm 2016 với 2 giải C, 1 khuyến khích; năm 2018 với 1 giải C, 1 giải khuyến khích…
 
Những thành tích nổi bật trong nhiệm kỳ qua có thể kể đến sự động viên, đôn đốc và chỉ đạo kịp thời, sát sao của Ban Giám đốc, lãnh đạo các Phòng chuyên môn và đặc biệt là Chi hội. Ban lãnh đạo và Chi hội đã thường xuyên cập nhật những văn bản hướng dẫn của cấp trên về các giải báo chí, các kỳ liên hoan để phổ biến kịp thời đến hội viên; đồng thời, tích cực cử hội viên tham gia các các lớp tập huấn nghiệp vụ do Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh tổ chức.
 
Đài cũng tăng cường mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu cho BTV, PTV, PV và KTV; mời các nhà báo có kinh nghiệm ở các hãng phim, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam vào trao đổi kinh nghiệm. Từ những lớp đào tạo sản xuất phim tài liệu, phim khoa giáo, phóng sự, chương trình phát thanh trực tiếp…, hội viên Chi hội đã kịp thời nắm bắt kinh nghiệm, kỹ năng và sản xuất các tác phẩm báo chí có chất lượng. Quá trình tác nghiệp, Ban lãnh đạo Đài và Chi hội đã tham gia vào phần lớn quá trình, từ gợi mở đề tài, góp ý tác phẩm đến khen thưởng tác phẩm xuất sắc.
 
Yếu tố tạo nên thành công của tác phẩm phát thanh, truyền hình đầu tiên phải kể đến chọn đề tài. Đề tài được hội viên Chi hội tìm tòi từ quá trình tác nghiệp, ngoài ra, Ban lãnh đạo, Chi hội cũng đã gợi mở nhiều đề tài hay cho hội viên. Nhiệm kỳ qua, nhiều đề tài hay, có ý nghĩa được hội viên triển khai thực hiện.
 
Có thể kể đến các đề tài viết về truyền thống cách mạng như “Lên Mường Phăng nhớ Đại tướng”, đề tài mang tính xã hội như “Đối mặt với nhân tai” thực hiện sau sự cố môi trường biển; các đề tài về dân tộc miền núi, như “Vượt qua hủ tục”, “Trở về”, “Những đứa trẻ không lớn” “Vượt Tam Lu”…hay những đề tài có tính chiến đấu cao, như: “Ép khuôn” “Chuyện thiện nguyện mùa lũ”; những đề tài viết về thân phận, như: “Mệ A” “Tâm “vớt””, “Chị Sửu”...
 
Từ đề tài hay, mỗi nhóm tác giả lại có cách thể hiện cho riêng mình. Nhưng điểm chung đó chính là phải thể hiện tác phẩm sâu sắc về nội dung và hiện đại trong thể hiện. Trong thời đại công nghệ 4.0, chỉ cần "click" vào máy tính hay thậm chí điện thoại, khán giả đã có thể chọn lựa trong hàng trăm bộ phim tài liệu, phim khoa giáo, phóng sự hay của các đài lớn, các công ty truyền thông trong và ngoài nước.
 
Trong điều kiện bó hẹp về không gian và khó khăn về trang thiết bị, hội viên Chi hội phải nỗ lực gấp nhiều lần để có tác phẩm hay. Đó là xây dựng kết cấu phim, là bố cục, là lời bình, là âm thanh, âm nhạc, tiếng động. Tác phẩm vừa có sự bao quát vừa cụ thể, nhân vật hấp dẫn trong lối kể chuyện…. Cách làm phải mới mẻ, góc quay phải hiện đại.
 
Nhiều hội viên, vì muốn thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong từng tác phẩm đã mạnh dạn đầu tư thêm các thiết bị phục vụ cho quá trình tác nghiệp, như: máy quay dưới nước, flycam và nhiều thiết bị hiện đại khác. Rồi quá trình dựng hậu kỳ cũng không kém phần gian nan vất vả. Phim dự thi hầu hết được dựng vào buổi tối. Đây là thời gian phòng dựng phim không vướng bận sản xuất chương trình hàng ngày. Và đó cũng là thời gian ê kíp làm phim tĩnh tâm để hoàn thiện công đoạn cuối. Có những phim ê kíp phải dựng phim từ 5-7 ngày. Dựng xong. Không ổn. Dựng lại. Ăn ngủ tại cơ quan. Mắt ai cũng sâu hoắm vì mệt, nhưng mà vui.
 
Sau mỗi tác phẩm hoàn thành, gửi dự thi, mỗi hội viên Chi hội lại như vừa trải qua một lớp tập huấn. Lớp tập huấn mà "giảng viên" chính là thực tiễn sáng tạo, là nhiệt huyết của ê kíp, "giảng viên" còn là ban lãnh đạo, Chi hội và cả các đồng nghiệp. Nhân bài viết này, tôi xin được cảm ơn những nhà báo, thế hệ đi trước đã luôn đồng hành cùng những người làm báo thế hệ sau như chúng tôi và các bạn đồng nghiệp trẻ, những người đã chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng để chúng tôi luôn giữ cho mình mạch nguồn cảm xúc sáng tạo.
 
                                 Phạm Diệu Minh