Thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người có công

  • 10:13 | Thứ Bảy, 25/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2020), phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trường Sơn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) về công tác thực hiện các chế độ chính sách cho người có công trên địa bàn tỉnh.
 
P.V: Xin ông cho biết kết quả thực hiện các chế độ chính sách cho người có công ở tỉnh ta trong thời gian qua?
 
Ông Nguyễn Trường Sơn: Cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội trong toàn tỉnh đã lãnh đạo, quán triệt, triển khai sâu rộng, kịp thời và hiệu quả Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước bà mẹ Việt Nam Anh hùng (MVNAH), các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực người có công với cách mạng.
 
Tỉnh cũng đã huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ người có công về nhà ở, tặng nhà tình nghĩa, phụng dưỡng MVNAH, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa và thăm hỏi, động viên thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng vào các dịp lễ, tết, ngày 27-7 hàng năm... Hiện, toàn tỉnh có gần 150.000 người có công với cách mạng được công nhận và đang quản lý, trong đó, hơn 21.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi tháng về ưu đãi người có công với cách mạng.
 
Chăm sóc mộ, nghĩa trang liệt sỹ được xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trong công tác thương binh-liệt sỹ. Toàn tỉnh hiện có 85 nghĩa trang liệt sỹ với tổng số trên 18.000 mộ liệt sỹ; có 66 nhà bia ghi tên liệt sỹ; 1 đền thờ liệt sỹ tỉnh và 5 đài tưởng niệm liệt sỹ. Trong những năm qua, ngoài kinh phí hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các địa phương đã huy động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí để thực hiện việc nâng cấp, sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ cơ bản khang trang, bền đẹp.
 
Hàng năm, toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, các doanh nghiệp trên địa bàn đều tích cực tham gia và vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn ơn đáp nghĩa” với số tiền trên 3,5 tỷ đồng (cả 3 cấp), góp phần cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng người có công.
 
Nhờ đó, đến nay, trên 90% xã, phường thực hiện tốt chính sách đối với người có công; trên 98% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống ngang với hộ có mức sống trung bình trở lên tại khu dân cư; gần 14.000 hộ chính sách người có công với cách mạng đủ điều kiện được duyệt hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; gần 18.400 người có công, thân nhân người có công được hỗ trợ với tổng số tiền gần 27,5 tỷ đồng do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…
 
Về giải quyết chính sách tồn đọng theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20-3-2017 của Bộ LĐ-TB-XH, tỉnh đã chỉ đạo tập trung cao độ giải quyết chính sách tồn đọng. Đến nay, 18 hồ sơ được bộ duyệt đủ điều kiện xác nhận thương binh và đang thực hiện thủ tục giải quyết chế độ; đồng thời, tiếp tục trình bộ sau khi đã bổ sung giải trình số hồ sơ còn lại.
 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương các phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương các phần mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Ba Dốc.
P.V: Trong quá trình thực hiện chính sách người có công có những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Trường Sơn: Hiện, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành Trung ương có lúc chưa kịp thời, chưa phù hợp, chưa tính hết các vấn đề phát sinh trong thực tế; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc giải quyết hồ sơ người có công còn lúng túng, nhất là một số quy định về điều kiện, thủ tục, hồ sơ trong việc giải quyết các chế độ ưu đãi.
 
Một số nhóm thuộc diện chính sách người có công do văn bản quy định thiếu đồng bộ, chưa phù hợp gây nhiều thắc mắc, kiến nghị trong nhân dân. Đơn cử, như: chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thiếu đồng bộ trong các văn bản hướng dẫn, gây khó khăn trong xác lập hồ sơ, các giấy tờ chứng minh thời gian tham gia vùng ảnh hưởng chất độc hóa học, các loại bệnh và văn bản hướng dẫn thay đổi nhiều lần, gây nhiều thắc mắc đối với người đã được giải quyết so với người chưa được giải quyết; vấn đề đối với vợ liệt sỹ tái giá chỉ được hưởng trợ cấp hàng tháng, các chế độ ưu đãi khác, như: nhà ở, bảo hiểm y tế, điều dưỡng... chưa được thụ hưởng là chưa phù hợp; chưa có quy định mức trợ cấp giải quyết cho thân nhân người hoạt động kháng chiến được tặng huân chương, huy chương chết từ ngày 1-1-1995 trở về sau, trong khi nhóm thân nhân người hoạt động kháng chiến được tặng huân chương, huy chương chết từ ngày 1-1-1995 trở về trước thì được quy định giải quyết trợ cấp…
 
Ngoài ra, biên chế công chức hành chính của ngành LĐ-TB-XH còn ít, phải bố trí viên chức sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ giải quyết chính sách nên gặp nhiều hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, cán bộ làm nhiệm vụ LĐ-TB-XH cấp xã phần lớn chưa được đào tạo chuyên ngành, thường xuyên thay đổi nên khó nắm bắt đầy đủ hệ thống chính sách để hướng dẫn, giải quyết kịp thời cho người có công…
 
P.V: Thưa ông, vấn đề người tham gia kháng chiến nhưng không còn giấy tờ nên chưa được hưởng các chế độ, cơ quan chức năng có biện pháp xử lý tham mưu như thế nào?
 
Ông Nguyễn Trường Sơn: Ngoài việc quy định giải quyết chính sách người có công tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, Liên bộ Quốc phòng và LĐ-TB-XH đã có Thông tư số 28/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 28-10-2013 hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Trên cơ sở đó, sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện, đây cũng là một chính sách được bộ, ngành quan tâm xem xét đối với người tham gia hoạt động không còn giấy tờ gốc.
 
Bên cạnh đó, năm 2017, Bộ LĐ-TB-XH ban hành quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công theo Quyết định số 408. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 524/KH-UBND ngày 31-3-2017 về việc giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công còn tồn đọng và tập trung chỉ đạo việc giải quyết chính sách tồn đọng, kết quả rà soát tồn đọng tại Sở LĐ-TB-XH.
 
Hiện, các địa phương đang tiếp tục triển khai thực hiện giải quyết chính sách tồn đọng theo Quyết định số 408 đối với hơn 200 hồ sơ thanh niên xung phong tồn đọng tại Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh…
 
P.V: Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, trên địa bàn tỉnh có những hoạt động trọng tâm gì, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Trường Sơn: Cùng với thực hiện các hoạt động theo kế hoạch của Bộ LĐ-TB-XH, ngày 16-6-2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1032/KH-UBND về tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ.
 
Theo đó, các địa phương thực hiện thăm, tặng quà của Chủ tịch nước tại Quyết định số 1097/QĐ-CTN ngày 8-7-2020 cho gia đình chính sách, bao gồm: quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh và các địa phương, đơn vị trong tỉnh, trong đó, quà Chủ tịch nước tặng cho hơn 26.000 người có công và thân nhân người có công với kinh phí gần 5,5 tỷ đồng; tổ chức dâng hương, thắp nến tri ân tại 85 nghĩa trang liệt sỹ trên toàn tỉnh vào 20 giờ ngày 26-7-2020; tổ chức lễ viếng Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sỹ tỉnh; tổ chức lễ viếng của tỉnh tại 2 nghĩa trang quốc gia: Trường Sơn và Đường 9 ở tỉnh Quảng Trị.
 
Các địa phương cũng sẽ triển khai vận động đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2020, cao điểm từ 1-7 đến 30-9-2020. Ngoài ra, nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hưởng ứng phong trào "Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công với cách mạng" cũng được triển khai tại các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương…
 
P.V: Để tiếp tục thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công, theo ông cần chú trọng những giải pháp nào?
 
Ông Nguyễn Trường Sơn: Trước hết, cần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của MTTQVN, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công. Đặc biệt, huy động mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn cùng tham gia công tác “đền ơn đáp nghĩa”.
 
Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách, chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Đặc biệt, sớm nghiên cứu, sửa đổi những vướng mắc, bất cập hiện nay; ưu tiên các nguồn lực để bảo đảm thực hiện tốt chính sách ưu đãi và có các giải pháp thiết thực nhằm huy động nguồn lực xã hội vào việc chăm sóc người có công với cách mạng; thực hiện tốt công tác xác nhận người có công với cách mạng, nhất là đối với những trường hợp hồ sơ tồn đọng, trường hợp không còn giấy tờ, căn cứ xác nhận; đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin…
 
Công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ưu đãi người có công, cần bảo đảm hoạt động đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tiến trình cải cách thủ tục hành chính nhà nước đi đôi với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ trợ cấp đối với người có công...
 
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
 
Đến nay, tỉnh đã xác lập, công nhận và quản lý gần 150.000 người có công với cách mạng (chiếm khoảng 17% dân số) với gần 14.000 liệt sỹ, trên 100.000 người tham gia kháng chiến được tặng thưởng huân chương, huy chương, trên 1.000 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, trên 6.500 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, khoảng 20.000 thương, bệnh binh, trên 2.000 người có công giúp đỡ cách mạng, gần 1.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày… 
 
Đặc biệt, đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.300 bà mẹ đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” và hiện có 19 mẹ còn sống...
 
Theo Thùy Lâm (thực hiện)