Người mù với nghề tẩm quất

  • 08:02 | Thứ Tư, 29/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhiều người sinh ra không may mắn khi mất đi đôi mắt, nhưng vượt qua bóng tối, họ đã cố gắng học tập, lao động, sản xuất để tự nuôi sống bản thân, tự tin vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Một trong những nghề đem lại thu nhập ổn định cho họ là nghề tẩm quất, công việc đòi hỏi có đôi bàn tay khéo léo...
 
Vượt qua bóng tối
 
Sinh ra trong gia đình có 4 anh em đều bị khiếm thị, anh Trần Đức Tuấn, thôn 1 Xuân Sơn, thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch) nỗ lực để không trở thành gánh nặng của gia đình. Anh luôn muốn tìm hướng phát triển, ổn định cuộc sống để nuôi sống bản thân và giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Năm 2004, thông qua Hội Người mù huyện giới thiệu, anh Tuấn tham gia khóa đào tạo xoa bóp, tẩm quất và trở thành hội viên Hội Người mù huyện Bố Trạch.
 
Sau khi được tạo điều kiện học nghề xoa bóp, tẩm quất, anh cùng với bạn bè mở cơ sở xoa bóp, tẩm quất tại thị trấn Hoàn Lão. Đến nay, cơ sở của anh đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 7 người khiếm thị khác với mức lương 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Anh Tuấn chia sẻ: “Là một người khiếm thị, tôi hiểu được những khó khăn mà người khiếm thị gặp phải. Họ không chỉ khó khăn trong tìm kiếm việc làm mà còn ngại giao tiếp với xã hội. Vì thế, cơ sở này vừa giúp tạo việc làm, vừa là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ khó khăn cho những người cùng cảnh ngộ”.
  Nhiều hội thi nâng cao tay nghề tẩm quất cho hội viên được Hội Người mù tỉnh tổ chức thực hiện.
Nhiều hội thi nâng cao tay nghề tẩm quất cho hội viên được Hội Người mù tỉnh tổ chức thực hiện.
Trước khi bị khiếm thị, anh Phan Thanh Việt, xã An Thủy (huyện Lệ Thủy) vẫn là một người khỏe mạnh bình thường, có công việc với thu nhập ổn định. Tuy nhiên, năm 2007, tai nạn ập đến làm anh mất hoàn toàn thị lực. Từ một người hoạt bát, nhanh nhẹn giờ phải sống hoàn toàn trong bóng tối khiến anh trở nên mặc cảm, tự ti, muốn buông xuôi tất cả.
 
Tuy nhiên, được sự quan tâm, động viên của gia đình, anh đã từng bước tìm lại niềm hạnh phúc trong cuộc sống. Năm 2013, qua giới thiệu của chính quyền địa phương, anh tham gia khóa đào tạo xoa bóp, tẩm quất và trở thành hội viên tích cực của Hội Người mù huyện Lệ Thủy. Hiện nay, anh Phan Thanh Việt là một trong những người có tay nghề cao tại cơ sở xoa bóp cổ truyền của Hội Người mù huyện ở tổ dân phố 1, thị trấn Kiến Giang với thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng. Anh Việt đã chữa trị, phục hồi chức năng cho hàng chục bệnh nhân sau tai biến. 
 
Giải quyết việc làm cho người mù
 
Hội Người mù tỉnh hiện có 1.320 hội viên, hầu hết đều không được học hành, ít có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội, 29% hội viên thuộc gia đình nghèo và cận nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cụ thể hóa chương trình mục tiêu về việc làm, xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã xây dựng chương trình hành động “Việc làm-Xóa đói, giảm nghèo” tại Công văn số 310/HNM-LĐSX ngày 7-8-2008 và được triển khai sâu rộng trong toàn hội.
 
Những năm qua, Hội Người mù tỉnh đã thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền; phối kết hợp tốt với các ngành liên quan, như: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội..., quyết tâm đẩy mạnh tổ chức lao động sản xuất, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình người mù.
 
Thực tế cho thấy, nghề xoa bóp, bấm huyệt, phục hồi sức khoẻ là một nghề vừa phù hợp với khả năng và điều kiện người mù vừa có nguồn thu nhập ổn định. 5 năm qua, hội đã tổ chức 14 lớp dạy nghề xoa bóp, tẩm quất cho hơn 200 hội viên, cử nhiều kỹ thuật viên đi đào tạo xoa bóp bấm huyệt nâng cao tại Trung tâm Đào tạo-Phục hồi chức năng ở Trung ương Hội. Đa số học viên sau học nghề đã tìm kiếm được việc làm, có thu nhập ổn định. Hiện nay, toàn Hội có 15 cơ sở xoa bóp, tẩm quất, tạo việc làm ổn định cho 65 lao động là người khiếm thị (trong đó có 5 cơ sở do Hội đứng ra quản lý) với mức thu nhập bình quân 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
 
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh chia sẻ: "Để mưu sinh, kiếm ra đồng tiền bằng nghề tẩm quất đối với người khiếm thị không phải là dễ dàng. Nếu người không có sức khỏe, đôi tay không khéo léo, nhạy cảm để sờ, nắn các huyệt thì khó mà làm được công việc này. Và để làm được nghề, phải qua 3 tháng đào tạo tẩm quất, bấm huyệt cơ bản. Ngoài ra, trong quá trình làm, phải thường xuyên học để nâng cao tay nghề...".
 
Tẩm quất là một công việc phù hợp với người khiếm thị, giúp họ được tham gia lao động bằng chính khả năng và có thu nhập sống. Hy vọng thời gian tới, các cơ sở tẩm quất của Hội Người mù sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân và cộng đồng nhiều hơn nữa, giúp họ vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống, làm người có ích cho xã hội.
 
Phạm Hà