Hội Nông dân tỉnh:

Hướng phong trào thi đua về cơ sở, tăng tính chủ động, sáng tạo của các cấp hội

  • 09:50 | Thứ Hai, 13/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Các phong trào thi đua yêu nước do Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Bình triển khai trong những năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh của tỉnh. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Lê Công Toán, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh về những dấu ấn nổi bật trong phong trào thi đua của cán bộ, hội viên nông dân tỉnh nhà.
 
P.V: Sức lan tỏa của phong trào ND thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong 5 năm qua như thế nào, thưa ông?
 
Ông Lê Công Toán: Trước hết, phải khẳng định, đây là phong trào thi đua trọng tâm của hội. 5 năm qua, phong trào tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, mang lại nhiều kết quả thiết thực, hiệu quả cho đời sống, kinh tế của người nông dân; đồng thời, tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên hội viên, ND hăng hái thi đua lao động sản xuất và giúp đỡ nhiều hộ thoát nghèo.
 
Các hội viên, ND đã biết phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề; chú trọng tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
 
Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị được tạo ra và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Bình quân hàng năm có gần 125.500 hộ ND đăng ký phấn đấu, trong đó có 75.840 hộ đạt danh hiệu ND sản xuất, kinh doanh giỏi (chiếm 43,6% so với tổng số hội viên), tăng 13,3% so với giai đoạn 2010-2015. Từ phong trào, nhiều hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi đã mạnh dạn đầu tư và thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ hợp tác, hợp tác xã; duy trì, phát triển một số ngành nghề truyền thống, như: mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, mây tre đan và thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
 
Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 đến 3 lần so với giai đoạn trước đây. Nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu đại diện cho ND thế hệ mới, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, có ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu.
 
Bên cạnh đó, hội viên, ND đã giúp đỡ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh bằng nhiều hình thức, như: hướng dẫn kiến thức khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ tiền vốn, ngày công lao động, vật tư nông nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, hội viên toàn tỉnh đã đóng góp trên 8,4 tỷ đồng giúp đỡ 6.229 hộ thoát nghèo (tăng 63,4% so với giai đoạn 2010-2015); tích cực đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…
 
Các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện đó mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái của ND.
   Nhiều nông dân đã biết phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhiều nông dân đã biết phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương phát triển sản xuất, kinh doanh.
P.V: Thưa ông, vai trò chủ thể của ND được thể hiện và phát huy như thế nào trong phong trào xây dựng NTM và các phong trào, cuộc vận động được trung ương, địa phương phát động?
 
Ông Lê Công Toán: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đã triển khai đồng bộ các giải pháp để hội viên, ND tham gia thực hiện hiệu quả phong trào thi đua. Đến thời điểm hiện tại, phong trào đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, hội viên ND và có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo khí thế mới ở khu vực nông thôn.
 
Từ năm 2015 đến nay, hội viên ND toàn tỉnh đã đóng góp trên 1,1 tỷ đồng; hiến gần  570.000m2 đất, hơn 510.000 ngày công tu sửa, xây dựng, nâng cấp đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa, trường học và nhiều công trình phúc lợi trên địa bàn.
 
Các cấp hội đã tích cực vận động hội viên thực hiện hiệu quả các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khu phố văn hóa; thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phòng chống các tệ nạn xã hội, thực hiện chính sách DS-KKHGĐ; bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở địa phương.
 
Sự hưởng ứng tích cực của hội viên, ND trong các phong trào thi đua đã góp phần làm chuyển biến đáng kể bộ mặt nông thôn. Đời sống, dân trí khu vực nông thôn được nâng cao, cơ sở hạ tầng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3-4% năm (hiện nay chiếm 4,98%); khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa thu hẹp đáng kể. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 52,2% số xã), cao hơn 1,9% so với toàn quốc, vượt 2,2% so với mục tiêu đến năm 2020.
 
Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức trên 2.100 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 129.000 lượt người; trợ giúp pháp lý cho trên 76.115 lượt người, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2010-2015. Các hội viên ND đã tích cực tham gia các tổ tự quản an ninh nhân dân, lực lượng dân quân tự vệ, mô hình “Gia đình hội viên nông dân không vi phạm pháp luật, không mắc các tệ nạn xã hội”; tham gia xây dựng khu vực phòng thủ, cơ sở an toàn làm chủ, sẳn sàng chiến đấu; xây dựng “Điểm sáng vùng biên”.
 
Qua 5 năm, hội viên ND toàn tỉnh đã phát hiện 178 vụ vi phạm pháp luật, cung cấp cho cơ quan công an, chính quyền địa phương nhiều nguồn tin về các loại tội phạm; vận động được 77 đối tượng ra tự thú; đồng thời tham gia giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.
 Nông dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nông dân tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới.
P.V: Tuy nhiên, việc tổ chức các phong trào vẫn có lúc, có địa phương chưa thực sự đồng đều, thiếu chiều sâu, giữa các vùng, các địa phương, thậm chí chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong thời gian tới, Hội ND tỉnh có giải pháp gì để giải quyết vấn đề trên, thưa ông?
 
Ông Lê Công Toán: Trong thời gian tới, Hội ND tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, cách thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; gắn việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước với việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, cấp bách của hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Theo đó, các phong trào thi đua sẽ tập trung hướng về cơ sở, tăng tính chủ động, sáng tạo của các cấp hội; thường xuyên phát động các phong trào thi đua, đợt thi đua theo chuyên đề, phù hợp với tình hình, thời điểm, sự kiện chính trị của quê hương, đất nước. Chủ đề, tên gọi của phong trào phải dễ nhớ, có tiêu chí, giải pháp cụ thể, đề cao tính hiệu quả, thiết thực.
 
Trong đó, hội sẽ tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, ND tích cực tham gia phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tham gia Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, của địa phương.
 
Các cấp hội cần tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất tập trung; mở rộng, phát triển ngành nghề, dịch vụ; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ phù hợp với biến đổi khí hậu; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
 
Hội ND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn, vận động nông dân tăng cường liên kết, hợp tác; sản xuất theo chuỗi; sản xuất hàng hóa quy mô lớn; theo hướng kinh tế gia trại, trang trại, OCOP, gắn sản xuất với việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
 
Bên cạnh đó, các cấp hội cũng chủ động tổ chức các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, hội sẽ tăng cường làm tốt công tác dịch vụ về vốn, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, dạy nghề, giới thiệu việc làm, quảng bá sản phẩm; chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; cung cấp máy móc, vật tư đầu vào; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, thị trường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; tích cực tham mưu, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền có chính sách phù hợp để ND yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là chính sách về đất đai, chính sách hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm.
 
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
 
Dương Công Hợp (thực hiện)