Đường hư hỏng, dân viết đơn cầu cứu chính quyền

  • 15:07 | Thứ Hai, 20/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT)- Nhiều hộ dân sinh sống tại cụm 2, TDP 13 và khu tập thể đường sắt Quảng Bình, cụm 5, TDP 4, phường Nam Lý (TP.Đồng Hới) cùng ký đơn tập thể phản ánh tình trạng hư hỏng của hai tuyến đường dẫn phía dưới chân cầu vượt Thuận Lý, đường Trần Hưng Đạo. Ngoài tình trạng hư hỏng, các tuyến đường này còn bị ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng.
 
Ông Nguyễn Văn Mân, một hộ dân ký tên trong đơn cho biết: “Năm 1994, cầu vượt Thuận Lý hoàn thành và đưa vào sử dụng. Từ đó đến nay, hai tuyến đường dẫn phía dưới chân cầu vượt ở phía tây nam lâm vào tình cảnh hoang tàn và trở thành nơi tập kết rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng. Mùa mưa, do độ dốc phía đầu đường và cuối đường chênh nhau lớn nên mặt đường trở thành dòng suối, cuốn theo đất, đá, cát, sỏi và rác về bồi lấp phía cuối đường. Có thể nói rằng đây là một điểm tối trên tuyến phố Trần Hưng Đạo văn minh, sạch đẹp”.
Đường phía dưới chân cầu vượt Thuận Lý trở thành nơi tập kết rác thải dân sinh và rác thải xây dựng
Đường phía dưới chân cầu vượt Thuận Lý trở thành nơi tập kết rác thải dân sinh và rác thải xây dựng.
Chị Nguyễn Thùy Hương ở sát ngay đường sắt chia sẻ thêm: “Lượng đất, đá, cát, sỏi do mưa kéo về bồi lắng và tập kết lên đoạn đáy chữ U nối giữa hai tuyến đường dẫn dưới chân cầu vượt đã làm chắn mất đường đi. Cách đây hai năm, các hộ dân chúng tôi phải họp bàn, tự bỏ tiền ra thuê máy móc, phương tiện nạo vét khoảng 100m3”.
 
Cụm 2, TDP 13 có 12 hộ dân và khu tập thể đường sắt Quảng Bình thuộc cụm 5, TDP 4, phường Bắc Lý nằm trong phạm vi ảnh hưởng, nhiều năm qua, họ vẫn thường xuyên đi lại trên con đường hư hỏng, bẩn thỉu, gồng mình chịu sự ô nhiễm. Trong khi đó, cùng là tuyến đường dẫn dưới chân cầu vượt, nhưng năm 2019, hai trục đường phía đông bắc trước chợ Nam Lý đã đầu tư xây dựng, mặt đường đổ bê tông khang trang, sạch đẹp.
 
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Bình, những phản ánh, bức xúc từ người dân sinh sống ở cụm 2, TDP 13 dưới chân cầu vượt là có cơ sở. Mặc dù mặt đường chưa đến mức xuống cấp nặng nhưng có dấu hiệu nứt lún. Hàng năm, vào mùa mưa, đất đá, cát sỏi, rác thải theo nước mưa bồi lắng mặt đường phía giáp ranh với đường sắt.
 
Vì người dân tập kết đất lên đoạn chữ U nối giữa hai bên đường dẫn nên hiện tại bị chia cắt hoàn toàn, không thông được với nhau. Đặc biệt, đường dẫn phía khu tập thể đường sắt Quảng Bình trở thành nơi tập kết rác thải xây dựng và làm nơi trung chuyển rác thải sinh hoạt gây nên tình trạng ô nhiễm, làm mất cảnh quan môi trường đô thị…
 
Làm việc với UBND phường Nam Lý, ông Nguyễn Văn Tuế, Chủ tịch UBND phường cho biết: “Chúng tôi cũng đã nhận được đơn phản ánh của các hộ dân ở cụm 2, TDP 13. Không những gửi đơn ký tập thể mà qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri, cử tri đều phản ánh, kiến nghị. Về thẩm quyền và trách nhiệm, UBND phường Nam Lý ghi nhận và chuyển UBND TP. Đồng Hới xem xét, giải quyết vì thẩm quyền quản lý thuộc về thành phố và Sở Giao thông vận tải”.
 
Một số hình ảnh phóng viên ghi lại tại hai tuyến đường dẫn phía dưới chân cầu vượt Thuận Lý:
Cảnh hoang tàn của tuyến đường dẫn dưới chân cầu vượt Thuận Lý
Cảnh hoang tàn của tuyến đường dẫn dưới chân cầu vượt Thuận Lý
Cấm đổ rác... vẫn cứ đổ rác
Cấm đổ rác... vẫn cứ đổ rác
Hai tuyến đường dẫn không thể thông được với nhau vì đoạn chữ U đã bị đất đá bồi lấp.
Hai tuyến đường dẫn không thể thông được với nhau vì đoạn chữ U đã bị đất đá bồi lấp.

Thanh Long