Tắc đường vì… văn hóa giao thông kém

  • 08:19 | Thứ Hai, 01/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, tại thành phố Đồng Hới đã xuất hiện tình trạng tắc đường cục bộ trong những thời gian cao điểm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như hạ tầng giao thông còn hạn chế, số lượng xe ô tô, mô tô tăng nhanh, thì một nguyên nhân rất quan trọng góp phần gia tăng tình trạng này là văn hóa giao thông của một bộ phận người dân còn nhiều điều đáng bàn.  
 
Một số hành vi điển hình của việc thiếu văn hóa, vi phạm các quy định trong tham gia giao thông khá phổ biến là vượt đèn đỏ, dàn hàng ngang, giành đường vượt ẩu, sử dụng còi hơi, đậu, đỗ xe sai quy định… Những người vi phạm khá đa dạng gồm cả người lớn và trẻ em, đặc biệt trong số này, các em học sinh chiếm tỷ lệ khá lớn. Trong số này, các hành vi vượt đèn đỏ, giành đường, vượt ẩu, đậu, đỗ xe sai quy định đã góp phần gây nên tình trạng tắc đường ở một số tuyến phố lớn.
 
Ông Võ Xuân Thành, phường Hải Thành (TP. Đồng Hới) cho biết: Nếu trước đây ra đường cứ thế chạy một mạch đến nơi cần đến mà không cần chờ đèn xanh đèn đỏ, thì nay có nhiều ngã ba, ngã tư lắp đèn giao thông nên phải chờ. Thường còn vài giây nữa đèn mới chuyển sang xanh thì nhiều người phía sau đã bấm còi hoặc chen lên.
 
Có những thời điểm đường không quá đông nhưng do mọi người chen lấn dẫn đến tắc đường. Ví dụ như tại ngã tư Lý Thường Kiệt – Trần Hưng Đạo, vào thời điểm tan tầm cũng là học sinh tan trường. Nhiều em học sinh vượt đèn đỏ, xe ô tô, xe máy đúng làn đường cứ thế đi nên tình trạng trở nên lộn xộn.
 
“Hôm nào có Cảnh sát giao thông hướng dẫn thì tình trạng ùn tắc có giảm, còn những hôm vắng bóng Cảnh sát giao thông, mọi việc lại trở nên lộn xộn. Tôi thấy ý thức của mọi người là rất quan trọng. Bởi TP. Đồng Hới cũng chưa quá đông đúc, người đi đường chỉ cần tuân thủ đèn tín hiệu giao thông hoặc hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông là ổn. Còn đối với các em học sinh, nhà trường cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để các em tự giác chấp hành quy định khi tham gia giao thông để vừa bảo đảm an toàn cho bản thân vừa tránh ùn tắc!”, ông Thành cho biết thêm. 
Điểm ùn tắc giao thông đoạn giao nhau giữa đường Trần Hưng Đạo - Phạm Văn Đồng - Võ Thị Sáu
Điểm ùn tắc giao thông đoạn giao nhau giữa đường Trần Hưng Đạo - Phạm Văn Đồng - Võ Thị Sáu
Điểm giao cắt giữa đường Trần Hưng Đạo - Phạm Văn Đồng - Võ Thị Sáu là một nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm, mặc dù hiện tại, hệ thống đường khu vực này đã được đầu tư, cải tạo mở rộng.
 
Có mặt tại đây vào giờ tan tầm, được chứng kiến tình trạng chen lấn, mạnh ai nấy đi mới thấy được tầm quan trọng của văn hóa giao thông. Trong khi một chiếc xe tải hạng nặng chở vật liệu và một xe buýt đang cua qua vòng xuyến thì ô tô con, xe máy thi nhau nhích từng chút, “lắp” ngay vào những khoảng trống hiếm hoi tại đây khiến cả đoàn xe đều khó khăn trong di chuyển.
 
Quan sát qua hình ảnh flycam của anh Nguyễn Chiến (phường Nam Lý) thấy rõ điểm ùn tắc chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực vòng xuyến, còn các đoạn đường liền kề khá thông thoáng. Nhiều người dân tham giao thông qua khu vực này đều đồng tình với nguyên nhân ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, còn vi phạm tín hiệu đèn và chen lấn nên mới dẫn đến tình trạng ùn tắc cục bộ.
 
Ngoài những điểm ùn tắc nêu trên, tại một số tuyến phố, việc người dân thiếu ý thức trong đậu, đỗ xe ô tô cũng góp phần gây ách tắc. “Trong khi điều kiện hạ tầng thành phố còn hạn chế, mỗi một người dân cần có ý thức khi tham gia giao thông, bao gồm cả việc dừng, đỗ xe để giảm tình trạng ùn tắc. Nếu ai cũng muốn đi nhanh để được việc mình mà thiếu tôn trọng các quy định về an toàn giao thông, trong khi các loại phương tiện ngày càng tăng, thì ùn tắc là điều đương nhiên. Do đó ngoài việc mỗi một cá nhân cần có ý thức trong tham gia giao thông thì các trường học, phụ huynh và thầy cô giáo cần quan tâm giáo dục, hình thành văn hóa giao thong cho con em mình vì đây chính là thế hệ tương lai!”, chị Nguyễn Phương Huyền, phường Hải Đình (TP. Đồng Hới) chia sẻ.
Diệu Cầm